Pháp tu soi gương

Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.

Pháp tu soi gương

“Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Đức Phật lại hỏi rằng:

– Này La-vân, ngươi nghĩ thế nào, người ta dùng gương để làm gì?

La-vân trả lời rằng:

– Bạch Thế Tôn, để nhìn xem khuôn mặt sạch hay không sạch.

– Cũng vậy, này La-vân, nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình mà làm hay vì người khác?’. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ làm ấy.

– Này La-vân, ngươi hiện đang hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình làm hay vì người khác?’. Này La-vân, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp này bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.

– Này La-vân, nếu ngươi đã hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là tịnh hay bất tịnh? Vì mình hay vì người khác?’. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi hãy đến nơi người phạm hạnh, thiện tri thức, chí tâm phát lộ thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh La-vân, số 14 [trích])

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào. Cũng vậy, nếu không có chánh niệm để soi chiếu vào thân nghiệp, những việc sẽ làm, đang làm và đã làm thì làm sao biết kia là điều ác để tránh, đây là điều thiện cần làm.

Khi sắp làm điều gì, phải thấy rõ nó. Nếu ác thì không làm, thiện thì gắng làm. Khi đang làm điều gì cũng phải thấy rõ nó. Nếu tịnh thì làm, bất tịnh thì không nên làm. Khi đã làm điều gì, dù việc ấy đã qua, cũng cần soi chiếu lại. Nếu thân làm ác thì cần sám hối và ăn năn chừa bỏ, nếu thiện thì hoan hỷ và tiếp tục sống lành an trú chánh niệm để hướng đến chánh trí. Làm được như thế thì chẳng bao lâu thân nghiệp sẽ trở nên trong sạch, thanh tịnh.

Theo Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ