Pháp thân thường tại
Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân chúng, duy chỉ thiếu vắng một người, nàng Yasodhara (Gia-du-đà-la) cao quý.
Nàng không đi đón Người và tuyên bố: “Nếu trong thời gian Thái tử vắng mặt, những năm tháng ròng rã ấy, ta lõm khuyết đức hạnh, ta mòn vẹt thủy chung thì Thái tử sẽ không đến thăm ta; bằng ta là một viên ngọc ma-ni không tì vết thì chính Thái tử phải đến thăm ta dù Ông ấy có là một bậc Chiến thắng vĩ đại chăng nữa”.
Và quả thật “Ông ấy” đã đích thân đến thăm nàng, “Ông ấy” dịu dàng bảo:
Bậc Đẳng Chánh Giác cao quý – nhưng vẫn là con người cũ, không khác xưa; nên tôi vốn dĩ cũng không tìm một Như Lai với lục thông huyền thuật, không trông chờ một Thế Tôn hô phong hoán vũ, hóa giải nỗi khổ của chúng sanh bằng thần thông thù diệu hay bằng cơ chế ban-cho.
Tôi vẫn yêu Đức Phật trong từng trang kinh thanh thoát, một Đức Phật với bước chân bụi vân du mỗi sớm mai với chiếc bình bát trên tay rong ruổi mọi nẻo đường, cứu vớt mọi phận đời.
Tôi muốn giữ mãi hình ảnh của một Như Lai với tri giác phàm thường vẫn có lúc bụng đói cồn cào, vẫn khát khô trên cung đường dài du hóa và cần lắm bát nước: “Như Lai rất khát, này Ananda”…
Và thân thể Người cũng nhói đau, cũng rỉ máu vì những tổn thương khi giẫm phải gai nhọn, đá vụn: “thân Như Lai cảm thọ mãnh liệt; nhức nhói, nhói đau, khóc liệt…” (kinh Miếng đá vụn).
Thấy một Đức Thế Tôn gần gũi đời thường để thấy Người và con đường giải thoát của Người không hề xa cách, giản dị trong nhịp sống hàng ngày của chúng ta.
Quả tim hồng vĩ đại đã dừng lại nhịp cuối cùng dưới tán hoa sa-la thuở nào, báo thân của Người đã thể nhập vào hư không, nhưng pháp thân vẫn thường tại tươi mới mỗi ngày trên những trang kinh thanh thoát, trong hơi thở Tăng đoàn, trong từng niệm của chúng ta mỗi khi nhớ về Người.
Đức Thế Tôn, thực sự Người chưa bao giờ từng vắng mặt!
Thích Chơn Khánh