Pháp danh “Phổ Hiền” có quá lớn lao?
Hỏi:
Thưa Thầy, đã lâu rồi con và bốn người bạn cùng quy y với một vị thầy khả kính. Đến nay con biết có người đã tìm một vị thầy khác hoặc không còn nhớ vị thầy mà mình quy y. Như vậy có đúng không?
Dạ, pháp danh của con là Phổ Hiền, thưa thầy Phổ Hiền là tên của một vị Bồ tát, vậy pháp danh của con có “lớn lao” quá chăng! Hay con vẫn gìn giữ và tôn trọng, vẫn nhớ về vị thầy thuộc Hệ Phái Khất Sĩ của mình, và thực hành hạnh bố thí, phóng sanh v.v…để học hạnh Bồ Tát Phổ Hiền?
Đáp:
Lòng mình sáng suốt là quy y Phật, lòng mình định tĩnh là quy y Pháp, lòng mình trong lành thanh tịnh là quy y Tăng.
Con nên học nhiều vị thầy, đi nhiều chùa và nghiên cứu nhiều Tông phái, nên tự quy y Phật, Pháp, Tăng trong lòng, không nên quy y cá nhân một vị thầy, một ngôi chùa hay một tông phái nào bên ngoài.
2. Mỗi người có quyền chọn một vị thầy, một ngôi chùa hay một tông phái thích hợp với mình để học hỏi tu tập. Đó chỉ là duyên chứ không phải quy y. Nên trong phần giới luật Đức Phật có cho phép nếu tu học với ai, nơi nào mình cảm thấy không thích hợp nữa, không tiến bộ được thì nên đi tìm vị thầy khác, ngôi chùa khác, hoặc tông phái khác thích hợp có thể giúp mình tu tiến.
Nếu xin 3 lần vị thầy không cho vẫn có quyền ra đi, không xem đó là mất Tam quy, phản bội sư môn hay phạm giới luật gì cả. Riêng thầy, thầy luôn tùy duyên nên sẵn sàng chấp thuận bất cứ người đệ tử nào xin đi, thậm chí còn khuyên họ đi khi họ cảm thấy không hợp duyên hay không tiến bộ trong sự hướng dẫn của thầy. Chỉ có tự do tuyệt đối mới có thể giác ngộ được. Đức Phật đã dạy không nương tựa, không chấp trước bất cứ điều gì trên đời là vậy.
3. Pháp danh chỉ có mục đích nhắc nhở mình đã quy y rồi nên từ nay phải tinh tấn tu tập. Con nương hạnh Bồ-tát để tu tập là tốt, nhưng cũng đừng quan trọng hóa hay chấp vào cái tên, nếu cái tên chỉ là giả danh mà mình còn chấp thì cái ngã làm sao mà buông được, phải không con?