Phân số đời người
Thế là tuần lễ Phật đản qua rồi. Tôn kính Phật phải cả ba trăm sáu lăm ngày, một tuần thôi là không đủ. Đối với những người khỏe mạnh, mọi việc diễn ra đều suôn sẻ, mà không sinh ra trong một gia đình có đạo thì họ không tin vào tâm linh.
Phải khi có sự biến động của cuộc sống theo hướng tiêu cực mới tìm đến tâm linh. (Lúc này thường đi xem bói và mời thầy pháp cúng bái linh đình, đến khuynh gia bại sản…). Đây là một sai lầm. Theo giáo lí của Phật khi cuộc sống có sự biến động theo hướng tiêu cực là do cái phước của chúng ta đã suy giảm. Khi cuộc sống của chúng ta biến động theo hướng tích cực là cái phước đang được tăng lên. Phước đức cũng đa dạng như những ngôi sao trên bầu trời. Nhân quả có sự bù trừ nhưng không phải là nước có hình dạng theo đồ đựng… Vậy nên khi mọi việc đang đến với ta suôn sẻ thì phải nghĩ đến làm việc thiện lành.
Để nhân tạo thành quả rồi làm việc tạo phước là rất khó. Như bản thân tôi, muốn làm nhiều việc nhưng do hạn chế của khuyết tật không thể làm được. Sống ở trên thế giới này quý nhất đối với mỗi người là cái phước. Phước không phải do đấng siêu nhiên nào trao tặng mà do chính mình tạo ra. Phước và hưởng thụ là một phân số. Hưởng thụ là mẫu số, phước đức là tử số. Tử số càng lớn mẫu số càng nhỏ thì giá trị của phân số càng cao. Mẫu số lớn và tử số nhỏ thì ngược lại. Đơn giản quá phải không ạ! Khi tử số và mẫu số bằng nhau thì giá trị của phân số bằng một.
Phước đức có bao nhiêu hưởng thụ hết bấy nhiêu không có sự tích lũy. Khi tử số nhỏ hơn mẫu số là ta đã hưởng quá phước đức của mình. Giống như người đã bắt đầu đi vay để hưởng thụ. Khi tử số lớn hơn mẫu số là ta đã bắt đầu có sự tích lũy. Làm không những đã đủ ăn và còn có sự tiết kiệm. Khi tử số bằng không thì cả phân số bằng không. Phước đức của con người coi như đã hết và cuộc sống hữu hình cũng kết thúc, chuyển sang dạng sống vô hình đầy khổ ải. (Đời người như tôi hiểu khi đọc giáo lí của Phật là: Bắt đầu từ khi hình thành bào thai, tới khi linh hồn được đầu thai sang một cuộc đời khác.)
Như vậy chết không phải là hết. Như thế nào thì cuộc sống này cũng rất đáng quý. Vẫn theo giáo lí của Phật người có nhiều phước đức mới được đầu thai trở lại làm người khỏe mạnh… Chỉ có giai đoạn sống hữu hình mới làm cho phần tử số được tăng lên. Tử số càng tăng thì mẫu số càng nhỏ. Khi mẫu số bằng không thì phân số đó là vô cực. Lúc này hưởng thụ bằng không. Phần phước đức lan tỏa ra cho rất nhiều người. Giai đoạn sống hữu hình cũng dừng lại. Phần phước đức mãi còn với nhân gian.
Theo giáo lí của Phật người nhiều phước đức khi chuyển sang giai đoạn vô hình cũng không phải khổ. Phước đức không chỉ là tài sản quý để lại cho con cháu mà mang được cả sang cuộc đời mới. (Khái niệm phân số vô cực chưa có ở tiểu học). Khi lên trung học cơ sở phân số trở nên phức tạp, tử số và mẫu số là các đa thức có chứa chữ, nên cũng được gọi bằng cái tên mới là phân thức. Nếu ví phân số là một đời người hay là một gia đình hạt nhân thì phân thức là một đời người của cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng hoặc là một gia đình lớn. Giá trị của phân thức phải tính toán phức tạp nhưng tính chất không thay đổi. Cả một đa thức của mẫu thức dài vẫn trở về không khi tử thức bằng không. Phân thức cho ta thấy, hoạt động tích lũy phước đa dạng và phức tạp, hưởng thụ cũng rất đa dạng và phức tạp khiến con người nhiều khi lầm lẫn, làm điều ác mà chính mình không biết. Vậy nên có nhà xã hội học đã kết luận: “Người thông minh thường là những người nhân hậu…” Mọi nỗi khổ đều xuất phát từ vô minh. Khi ta vô minh nếu không làm khổ mình thì cũng làm khổ người khác. Như những bài toán có phân thức không thể đọc là thấy kết quả ngay. Phân thức lên tới trung học phổ thông còn có cả lượng giác. Tính giá trị phải vận dụng cả hình học.
Như nhân quả sâu sa biến hình phải qua một thời gian dài tu tập mới nhận ra. Giải một bài toán cộng trừ phân thức ở trung học phổ thông phải tổng hợp nhiều kiến thức. Học rồi nhưng không phải ai cũng nhớ và làm được. Vậy nên khổ nhưng không hiểu tại sao mình khổ cũng là lẽ tất nhiên. Học giáo lí của Phật và nhìn vào phân số để suy ngẫm sẽ nhận ra được chính mình.
Lê Trung Cường