Phải lạy Phật trong nội tâm
“Người thông minh, lấy tâm trách mình để trách người, lấy sự tha thứ chính mình để tha thứ người, sao chẳng đạt được địa vị Thánh Hiền”.
“Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú qúy,
Tư dục đoạn tận chân phước điền”.
Nghĩa là:
Tâm dừng niệm bặc giàu sang thật
Tư dục đoạn sạch ruộng phước thật.
Chúng ta ngày ngày tu Phật, ngày ngày không biết học chân Phật, đều dụng công phu trên hình tướng bên ngoài, mà không biết tìm cầu Phật trong nguồn gốc tự tính. Nguồn gốc của Phật tức là đoạn sạch hết thảy lòng tư dục, mới hiển lộ trí huệ quang minh vốn có. Có lòng tư dục thì không có trí huệ, có trí huệ thì không có tư dục ; trí huệ không rời khỏi tư dục, tư dục không rời khỏi trí huệ. Phiền não tức là bồ đề, sinh tử tức Niết Bàn. Nếu bạn trên phiền não mà không có phiền não, thì bạn có tâm bồ đề. Bạn muốn dứt sinh tử thì bạn đừng tái tạo sinh tử, đó tức là Niết Bàn. Ai ai cũng có sinh thì có tử. Bạn đoạn sạch tư dục thì sinh tử cũng sẽ chấm dứt. Tư dục không đọan sạch thì sinh tử không thể dứt.
Bạn phải: “Những gì mình không muốn thì đừng thí cho người”. Chính bạn không hoan hỉ thì đừng đổ lên thân người khác. Cổ nhân có nói:”Nhân tuy chí ngu, trách nhân tức minh, thứ kỷ tức hôn”, nghĩa là nói: Có người tuy nhiên ngu đến cực điểm, nhưng nhìn tật xấu mao bệnh của người khác thì thấy rõ ràng, có ngăn có nắp, nói dài nói ngắn chuyện thị phi của kẻ khác, thao thao bất tuyệt, biện tài vô ngại, nhưng đối với việc của chính mình thì mê mờ, tùy tùy tiện tiện, không biện rõ ràng, sai cũng chẳng quan hệ gì. Thậm chí “Nghe lỗi” thì che đậy tội lỗi, đây là “tư dục” khiến cho bạn làm đủ thứ việc sai, khiến cho bạn tự mình luôn luôn tha thứ cho chính mình.
“Người thông minh, lấy tâm trách mình để trách người, lấy sự tha thứ chính mình để tha thứ người, sao chẳng đạt được địa vị Thánh Hiền”. Nếu như bạn thông minh tài trí “dùng tâm trách người như trách mình” thì phải phản tỉnh, phải cầu nơi chính mình, dùng tâm khoan dung tha thứ người như chính mình, những gì mình không muốn thì đừng thí cho người, thấy nghĩa thì dũng mãnh mà làm, như thế nhất định sẽ đạt được địa vị Thánh Hiền, thậm chí nếu bạn làm việc chân chánh cũng sẽ đạt được quả vị Phật.
Bạn phải “cước đạp thật địa” nhận chân thực hành. Lúc trước tại Ðài Loan có một vị Tỳ Kheo ni Phước Huệ, vị Tỳ Kheo ni này hai mươi tuổi kết hôn, sinh được hai người con, hai mươi lăm tuổi thì chồng chết, cô ta nhìn thấu hồng trần mà đi xuất gia. Cô ta cũng không mặc đẹp, cũng không ăn ngon, cũng không ở nhà tốt, đến các Chùa làm công quả, tên pháp danh gì cũng không để cho người biết, cô ta bố thí nước “đại bi thủy” cho người trị bệnh, cũng không nói, cũng không nhận tiền, cứ tu hành như thế. Các bạn tu hành như thế thì mới là chân tu hành, bằng không Chùa to, tiền nhiều, nhưng sinh tử chẳng dứt được. Cho nên các bạn phải dụng công phu trên bổn phận, nhìn xem tâm tham của mình trừ khử chưa? Tâm sân trừ khử chưa? Tâm si trừ khử chưa?
Chúng ta người xuất gia phải siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si, cứu kính bạn làm được chăng? Nếu làm được, mới không phải sống vô ích, không xuất gia vô ích, không phải đệ tử vô ích của đức Phật. Chúng ta phải hồi quang phản chiếu, cầu ngược lại nơi chính mình. Quay ngược lại cầu công phu nơi chính mình thì phải:
“Thật nhận mình sai,
Ðừng nói lỗi người,
Lỗi người tức lỗi mình,
Ðồng thể mới đại bi”.
Tại sao tôi nói như thế? Vì tôi thấy rất nhiều người đều có tật bệnh, nhất là những tật bệnh kỳ kỳ quái quái. Khi người bệnh thì oán trời trách người, nói ông trời không công đạo, tại sao chỉ tôi có bệnh, tại sao không kêu người khác có bệnh, cho nên phẫn hận bất bình, mà họ không biết đây là tiền nhân hậu quả.
Trong tiền kiếp sát sinh quá nhiều hoặc là bắt chuột bắt cá, câu cá, giết gà, giết bò, giết dê, giết chó, giết quá nhiều, cho nên loại người này kiếp này có nhiều bệnh tật kỳ kỳ quái quái.
Lúc tôi tại Hương Cảng có gặp qua một bệnh nhân, bà ta là một đệ tử già của tôi hơn sáu mươi tuổi, không biết chữ, tai lại điếc, nhưng rất thích nghe tôi giảng Kinh, bà ta không nghe được mà vẫn muốn nghe, mỗi lần phải bò lên hơn ba trăm bậc thang cấp để nghe giảng Kinh.
Một năm nọ, vào ngày mồng 2 tháng 5, tôi mở pháp hội giảng Kinh A Di Ðà, bà ta đột nhiên nghe được “Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát”. Tại sao tai bị điếc? Vì kiếp trước bà ta thích nghe trộm người nói, nên đời nay thọ quả báo, đại khái Bồ Tát cũng thương xót bà ta có tâm thành, tai điếc mà thích nghe Kinh, thì làm cho bà ta nghe được. Nhưng bà ta còn có một thứ nghiệp chướng. Kiếp trước bà ta thấy người khác có quái bệnh bà ta không tin, cho nên đời này chính bà ta phải nếm mùi vị cái bệnh đó. Bệnh đó là bệnh gì? Tức là bà ta một ngày ăn không biết bao nhiêu bữa, cách một giờ thì phải ăn một bữa, không ăn thì đói, bác sĩ đông tây đều trị không hết.
Lúc đó cứ mỗi ngày thứ bảy, tôi từ Tây Lạc Viên mang ba chục kí lô gạo và dầu đến núi Ðại Tự, cung cấp lương thực cho người trên núi, sáng sớm ngày thứ hai phải xuống núi, năm đó nhằm ngày 14 tháng 2, tôi trở lại pháp hội sớm, thì bà ta nhìn thấy tôi bèn nói với tôi: “Sư phụ! Sư phụ! Trong bụng của con có người nói chuyện”. Các bạn thấy kỳ quái chăng? Tôi nói: “Con tuổi đã già, bụng làm gì mà có con? Hơn nữa con chưa sinh ra mà biết nói? Nó nói gì?” Bà ta nói: “Sáng sớm con dùng bột mì, bột gạo làm bánh, không thêm dầu cũng không thêm gì, nướng chín rồi ăn. Khi con ăn vào, trong bụng liền nói:”Tôi không muốn ăn thứ này”, con liền nói: “Ngươi không muốn ăn thứ nầy, vậy ngươi muốn ăn gì? Ăn no thì tốt, còn đòi gì nữa”. Y không nói gì hết.
Tôi nói: “Tốt, con đi về nhà! Tối trước khi ngủ nhìn xem có cảnh giới gì chăng?”.
Trước khi ngủ chuyện kỳ quái đã xảy ra, bà ta nhìn thấy Bồ Tát Vi Ðà đến, trong tay cầm một bát mì, đổ mì xuống, bà ta thấy ba đứa con nít đều mập mạp từ trong bụng chạy ra cướp giật bát mì ăn, đương lúc giành giật ăn, thì Bồ Tát Vi Ðà xách tai mấy đứa con nít chạy đi, con nít đi rồi, bụng bà ta trở lại bình thường, cũng không còn đói nữa.
Tại sao bà ta có chứng quái bệnh như vậy? Vì lúc trước khi chưa mắc chứng bệnh này, có một lần nằm mộng, mộng thấy ba đứa nhỏ chạy vào trong bụng bà ta, từ đó sinh ra chứng quái bệnh nầy, đó là bệnh đói. Ba đứa nhỏ này cũng có thể nói là ngạ quỷ, cũng có thể nói là yêu quái, tại sao bà ta mắc chứng này? Ðó là vì quá khứ bà ta thấy có người mắc chứng bệnh này, sau khi hết bà ta nghe kể lại chuyện này bèn nói: “Tôi không tin, không biết ai biên tạo ra chuyện này”. Vì bà ta không tin, cho nên đời này bà ta mắc phải chứng bệnh ấy.