Phái đoàn Ấn Độ cung rước xá-lợi đến Mông Cổ

Vào ngày 13-6 vừa qua, một phái đoàn đặc biệt gồm 25 quan chức của Ấn Độ, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kiren Rijiju dẫn đầu, đã đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, mang theo 4 phần xá-lợi Phật thiêng liêng.

Xá-lợi này có nguồn gốc ở Kapilavastu thuộc Nepal ngày nay, nơi Đức Phật đản sinh. Đây là một hành động thiện chí của Chính phủ Ấn Độ đối với Mông Cổ. Xá-lợi sẽ được trưng bày trong suốt 11 ngày để kỷ niệm và tôn vinh sự kiện Đản sinh của Đức Phật, diễn ra vào ngày 14-6 tại đất nước Mông Cổ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mông Cổ Nomin Saranchimeg, cũng như Khamba Nomun Khan – Cố vấn của Tổng thống Mông Cổ, các quan chức Chính phủ cùng chư Tăng Phật giáo đã đến đón rước xá-lợi tại Sân bay quốc tế Ulaanbaatar.

Các phần xá-lợi đã được vận chuyển trên một chiếc máy bay của không quân Ấn Độ. Trên đường vận chuyển, các phần xá-lợi của Phật được bảo quản trong điều kiện phù hợp, tương tự như những chế độ ở Bảo tàng Quốc gia New Delhi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ấn Độ Kiren Rijiju, chư Tăng, cùng các quan chức Chính phủ Ấn Độ và Mông Cổ trong lễ cung rước xá-lợi đến Ulaanbaatar

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ấn Độ Kiren Rijiju, chư Tăng, cùng các quan chức Chính phủ Ấn Độ và Mông Cổ trong lễ cung rước xá-lợi đến Ulaanbaatar

Các phần xá-lợi này đã được cung rước đến ngôi đền Batsagaan thuộc tu viện Ganda tại thủ đô của Mông Cổ. Tại đây, những bảo vật tâm linh quý giá này sẽ được trưng bày cho đến hết ngày 24-6. “Mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Mông Cổ sẽ ngày càng được thắt chặt hơn nữa sau sự kiện đón rước xá-lợi của Đức Phật từ Ấn Độ đến Mông Cổ”, ông Rijiju nói.

Tại đây, Bộ trưởng Rijiju cũng nhắc lại việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cúng dường tôn tượng Phật chính trong chánh điện tu viện Ganda trong chuyến viếng thăm vào năm 2015. Trong dịp đó, ngài Modi cũng đã tặng một nhánh cây con từ đại thọ bồ-đề thiêng liêng, nơi Đức Phật thành đạo, cho Lạt-ma Hamba, trụ trì của tu viện.

Ông Modi là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Mông Cổ. Sự hiện diện của xá-lợi Phật tại Mông Cổ lần này thể hiện “tầm nhìn rộng mở của thủ tướng nhằm khôi phục và phát triển mối quan hệ đối với các quốc gia mà Ấn Độ đã có quan hệ văn hóa và tâm linh từ nhiều thế kỷ trước”. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã in 75 bản sao trong số 108 tập thuộc Mongolian Kanjur, một bản kinh văn của Phật giáo, để cúng dường cho mọi tu viện trên khắp Mông Cổ, và sau đó đã tiến hành số hóa bộ Kanjur.

Hàng nghìn Phật tử Mông Cổ đã xếp hàng dài tại tu viện Ganda từ lúc sáng sớm để có thể được tuần tự chiêm bái xá-lợi của Đức Phật. Một nữ Phật tử trong dòng người đã chia sẻ cảm xúc của mình: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi xá-lợi thiêng liêng của Đức Phật đã được cung rước từ Ấn Độ về đây. Tôi là một Phật tử đến đây để đảnh lễ cũng như bày tỏ sự tôn kính của mình đối với xá-lợi”.

Xá-lợi của Đức Phật trước đó đã từng được đón rước đến nhiều nơi với mục đích tâm linh, văn hóa và ngoại giao tương tự. Năm 2012, đảo quốc Phật giáo Sri Lanka đã cung rước bảo vật này và trưng bày tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp đất nước để Phật tử có thể chiêm bái.

Cơ quan khảo sát khảo cổ học Ấn Độ xếp xá-lợi của Đức Phật vào loại “AA”, theo đó quy định rằng xá-lợi không được mang ra khỏi đất nước Ấn Độ vì tính chất đặc trưng và quý hiếm của chúng. Vì vậy, những xá-lợi này đã được giữ gìn ở Ấn Độ cho đến nay. Tuy nhiên, vừa qua, theo thỉnh cầu của Chính phủ Mông Cổ, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Ấn Độ G.Kishan Reddy đã đưa ra một ngoại lệ đặc biệt và cho phép Chính phủ Mông Cổ thỉnh xá-lợi về nước trong vòng 11 ngày.

Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2020, 51,7% người Mông Cổ theo đạo Phật, nhưng hầu hết trong số đó là những hành giả Kim Cang thừa; khoảng 40,6% không theo tôn giáo nào; trong khi 3,2% theo đạo Hồi; 2,5% theo truyền thống Shaman của Mông Cổ; 1,3% theo đạo Thiên Chúa và 0,7% thuộc các tôn giáo khác.