Ơn nước luôn tròn đầy
Ảnh minh họa
20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.
Kệ là dạng thơ ngắn, dễ đọc và dễ thuộc để người thực tập có thể nhớ và làm theo ngay. Ấn tượng nhứt đối với tôi lúc đó là bài kệ khi vặn nước.
Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tròn đầy.
Sở dĩ tôi ấn tượng mạnh với thi kệ này vì sau đó, trong giờ thiền trà dành cho tất cả khóa sinh tu học (khoảng 5.000 người), các vị tu sĩ Làng Mai đã hướng dẫn đại chúng hát thiền ca cũng là bốn câu trên, để tập biết ơn nước – nguồn sống của tất cả mọi loài trên hành tinh này.
“Khi chúng ta thực tập nhớ ơn mọi loài, chúng ta sẽ bắt đầu tập tiêu thụ có chánh niệm hơn. Theo đó, ta sẽ biết thực tập ít muốn, biết đủ – tinh thần xuyên suốt của Phật giáo”, Sư cô Chuyên Nghiêm, trưởng nhóm sinh hoạt có tôi, nói.
Rất nhiều khái niệm và cả phương pháp thực hành tôi nhặt về từ lần đi khóa thiền 7 ngày năm đó. Chẳng hạn khi ăn cơm, không phải vội vàng để cho xong bữa mà nhai từng muỗng cơm trong sự có mặt cho người thân thương của mình, có mặt cho cả những hạt cơm, miếng đậu hủ, và cho chính mình trong hiện tại.
Tôi nhớ trên pháp tòa, Thiền sư Nhất Hạnh khi đó kể câu chuyện em bé đã gọi ba về thực tại khi ông vừa ăn cơm vừa xem tivi sau một ngày dài đi làm ở công sở. “Ba ơi, con ở đây nè”, thiền sư kể. Đó là “tiếng chuông” mà theo thầy, đứa con đã nhắc ba đừng để mình chạy khỏi bữa ăn, men theo những chương trình trên truyền hình nữa, mà hãy có mặt cho người thân, người thương, cho con cái trong khi ăn cùng.
Từ chuyện gia đình, lơ đễnh trong các mối quan hệ thân gần, vị thiền sư khéo léo lồng ghép việc tiêu thụ thiếu chánh niệm của con người hiện đại. Có đôi khi, người ta có cả tủ quần áo chưa cũ nhưng khi thấy hàng giảm giá vẫn đổ tiền ra mua, xong lại xếp xó. “Chúng ta sống trong đất nước có nhiều tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước phong phú, dồi dào nên đôi khi ta sử dụng thiếu chánh niệm, phung phí. Ta nghĩ rằng nước sẽ không bao giờ thiếu ở đất nước nhiệt đới, nắng ẩm mưa nhiều như mình. Ở châu Phi, nước rất quý, họ phải tiết kiệm từng gáo nước nhỏ để uống”. Khi tất cả mọi người nâng chén trà trong hai tay, nhà sư mời mọi người cùng nhớ về “ơn nước” đã nói như thế.
“Tôi giật mình, có lúc mình từng rửa tay dưới vòi nước đang chảy với van vặn ở mức tối đa hay tắm quá lâu và mở cả bồn nhiều lít nước để ngâm mình trong đó”, bạn nữ chung gia đình sinh hoạt với tôi thành thật.
Tôi nhớ về khóa thực tập và sự quán niệm trên vì nhiều lý do. Tất nhiên, đầu tiên chính là do, hạn mặn đang bắt đầu biểu hiện ở các tỉnh miền Tây. Vài ngày trước Tiền Giang là tỉnh đầu tiên công bố hạn mặn, thiếu nước khẩn cấp.
Huyện Tân Phú Đông có 44.000 người dân sử dụng nước máy với nhu cầu hơn 10.000 m3 một ngày đêm. Hiện, nước máy lẫn nguồn nước tự cung cấp của người dân chỉ khoảng 8.000 m3, còn thiếu khoảng 2.000 m3. Hàng nghìn hộ ở địa phương này bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua.
Nước là một nhu yếu của con người. Không có nước sinh hoạt thật khó chịu. Bản thân tôi vừa có trải nghiệm thiếu nước chỉ hơn một ngày khi máy bơm của căn hộ mini 4 tầng ở Q.4 (TP.HCM) bị hỏng, không thể bơm lên bồn chứa. May mà tôi có phòng gym gần nhà – nơi mình đăng ký tập dài hạn – có thể qua dùng nhà tắm tạm. Bạn ở cùng tôi phải đi thuê khách sạn theo giờ để tắm và xử lý các vấn đề vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, tôi không thể nấu ăn và để một chồng chén bát, xoong nồi chưa kịp rửa trong khi vòi nước bị tê liệt.
Khi rơi vào tình cảnh thiếu nước mới thấy quý biết bao những ngày có nước sạch để dùng. Hẳn ai cũng biết, nước là tài nguyên vô giá nhưng cũng có giới hạn, đặc biệt là nước sạch.
Nhờ những chuyến đi khỏi thành phố, nơi có quá nhiều tiện nghi, kể cả nước cũng tận nơi, chỉ cần vặn vòi là có, tôi nhận ra, không chỉ ở châu Phi xa xôi nào đó, nhiều nơi ở vùng biên quê hương đất nước mình cũng khan hiếm nước dùng. Những đợt hạn hán gắt gao ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thì sự khan hiếm ấy càng lộ diện ở nhiều địa phương.
Nhiều năm trước, khi đi tiền trạm cho một chương trình từ thiện, tôi đến vùng biên của tỉnh Kiên Giang. Ở đó, đất và nước bị nhiễm phèn khá nặng nên khó sản xuất. Người dân thiếu nước sinh hoạt. Ngôi chùa tôi và bạn trưởng nhóm tá túc trong chuyến đi ở huyện Giang Thành – sát Campuchia đã xây một bồn chứa nước mua to hơn cả chánh điện. Sư cô trụ trì nói, bồn chứa nước mưa sẽ hứng nước trời trong mùa mưa để dùng cho cả mùa khô. “Nước ở đây quý lắm”, cô nói.
Nhờ những chuyến đi khỏi thành phố, nơi có quá nhiều tiện nghi, kể cả nước cũng tận nơi, chỉ cần vặn vòi là có, tôi nhận ra, không chỉ ở châu Phi xa xôi nào đó, nhiều nơi ở vùng biên quê hương đất nước mình cũng khan hiếm nước dùng. Những đợt hạn hán gắt gao ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thì sự khan hiếm ấy càng lộ diện ở nhiều địa phương.
Tám năm trước (2016), đồng bằng sông Cửu Long có tới 10 tỉnh thành (trong số 13 địa phương) công bố thiên tai do hạn mặn, thiếu nước. Thống kê sơ bộ cho thấy, năm đó khô hạn đã khiến 160.000ha đất bị nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Và năm 2020, hạn mặn làm 43.000ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 6 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, với tình hình này, 30.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt, 20.000ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.
Hướng về các tỉnh miền Tây mùa hạn mặn là nghĩa cử của toàn dân, Phật giáo luôn tích cực và đi đầu trong công tác này. Trách nhiệm công vụ của cơ quan hữu trách tất nhiên cần khẩn trương hơn trong giúp dân vượt qua thiên tai bằng nhiều giải pháp. Nhưng lâu dài phải có giải pháp ngăn hạn mặn một cách khoa học; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, khí hậu hiện nay. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân chánh niệm trong tiêu thụ, đặc biệt là sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm. Có thể thực hành như cách của nhà thiền – bắt đầu bằng lòng biết ơn nước – tài nguyên quý giá đã cho ta sự sống. Đây có lẽ cũng là bài học hay trong mỗi giờ sinh hoạt ở lớp, ở trường, hoặc các chương trình truyền hình, sách báo… Một phương pháp nuôi dưỡng sự tiêu thụ chánh niệm.
Giáo dục và truyền thông là hai phương tiện giúp thay đổi nhận thức con người một cách căn cơ nhứt. Trước những biến động tiêu cực về thời tiết, khí hậu trên phạm vi vùng, quốc gia, thế giới mà con người hiện đại đang phải đối mặt, ai cũng cần tỉnh thức để thay đổi, thích ứng một cách an toàn.