Ở yên chưa hẳn đã an

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?

 

Đồ dùng nhiều, cất chứa nhiều đồ dùng; nhiều dược phẩm, cất chứa nhiều dược phẩm; nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc phải làm; sống lẫn lộn với gia chủ, tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi bỏ trú xứ ấy, ra đi với sự luyến tiếc.

Này các Tỷ kheo, đó là năm nguy hại nếu sống quá lâu tại một chỗ.Có năm lợi ích này, này các Tỷ kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ. Thế nào là năm?

Đồ dùng không nhiều, không cất chứa nhiều đồ dùng; dược phẩm không nhiều, không cất chứa nhiều dược phẩm; không nhiều công việc phải làm, khéo léo trong những công việc phải làm; không sống lẫn lộn với gia chủ, không tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi bỏ trú xứ ấy, ra đi không với sự luyến tiếc.

Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Sống quá lâu [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.724)

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lời bàn: 

Một trong những đặc điểm của đời sống xuất gia thời Thế Tôn là du hành, không ở cố định một nơi mà thường xuyên thay đổi. Chính đặc điểm của đời sống du hành với ba y và một bát đã trợ duyên rất nhiều cho thành tựu phạm hạnh, hạn chế đến tối đa tham ái, chấp thủ và dính mắc.

Ngày nay, phần lớn các Tỷ kheo không sống du hành mà thường ở cố định nơi chùa viện của mình. Do vậy, những cảnh báo của Thế Tôn về những dính mắc liên quan đến danh lợi, công việc và tình cảm là điều mà người tu chúng ta phải suy ngẫm. Đơn cử như việc nhập chúng an cư, bổn phận quan trọng của người xuất gia, nhưng không phải ai cũng hội đủ duyên lành để thực hiện. Dù những lý do đưa ra như chùa neo người, chùa đang xây dựng, phải đáp ứng nhu cầu nghi lễ cho tín đồ… để lý giải cho việc không tham dự an cư tập trung là hoàn toàn chính đáng, song những điều ấy lại biểu hiện rõ nét sự dính mắc. Và một khi đã dính mắc thì chắc chắn khó có thể tránh được nguy hại.

Vì thế, nhập chúng an cư ngoài ý nghĩa tu tập còn là cơ hội thay đổi môi trường sống, làm gián đoạn các nhân duyên tham ái đã tác tạo nơi trụ xứ. Dẫu biết rằng, những đạo tràng an cư phần lớn không tiện nghi, phù hợp với thói quen của mình nhưng kham nhẫn và tùy duyên, tùy hỉ được với hiện tại đã chứng tỏ một phần sự không dính mắc, giải thoát. Do vậy, những ai thực hiện phận sự an cư, chỉ xét về phương diện “sống đồng đều tại mỗi chỗ” thôi cũng đã gặt hái được nhiều lợi ích.

Quảng Tạnh