Nuôi dưỡng thân tâm, hiển bày Phật tâm

Con người muốn sống bình an tự tại thì phải biết làm chủ thân tâm mình. Tâm và thân là một chỉnh thể tồn tại song hành. Thân con người, về cơ bản, được cấu tạo bởi bảy chất: Đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức và theo năm nhóm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tích tụ mà thành.

Nguyên bản chữ Nôm

nuoi-duong-than-tam

Âm đọc tiếng Việt chữ Nôm

Đệ tứ hội

Tin xem, miễn cóc một lòng, thì rồi mọi hoặc.

Chuyển tam độc, mới chứng tam thân.

Ðoạn lục căn, nên trừ lục tặc.

Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan.

Hỏi pháp chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.

Biết Chân như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Ðông.

Chứng thật tướng, ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc.

Xem Tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy.

Ðốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.

Tích nhơn nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca.

Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di Lặc.*

Thân tâm trong một con người

Con người muốn sống bình an tự tại thì phải biết làm chủ thân tâm mình. Tâm và thân là một chỉnh thể tồn tại song hành. Thân con người, về cơ bản, được cấu tạo bởi bảy chất: Đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức và theo năm nhóm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tích tụ mà thành. Tâm không thể dùng mắt để thấy, cũng không thể dùng tay chân xúc chạm được. Chúng ta chỉ có thể đoán và trực nhận được tâm mình và tâm người qua các hành vi, lời ăn tiếng nói, biểu đạt cảm xúc ra ngoài của họ. Theo Bát nhã tâm kinh, tâm quyết định tất cả hạnh nghiệp thiện ác của một con người. Kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm ghi: “Nếu ai muốn biết rõ về tất cả chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, hãy nên quan sát tính chất của các sự vật hiện tượng trong thế gian, tất cả đều được tạo ra từ tâm người mà thôi.”

Tâm vọng tưởng của chúng sinh, tâm thanh tịnh của Phật đều là những hạt giống có ở “tâm” trong thân căn con người. Theo Luận Đại thừa khởi tín, tâm có bốn tướng: Sinh, trụ, dị, diệt. Tất cả mọi người đều có thể làm chủ được chính mình từ việc làm chủ tâm mình. Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị Thiện hữu tri thức của muôn người, đã chỉ cho chúng ta thấy tướng trạng thân tâm của mình, nếu mình quyết tâm sửa đổi rèn luyện thì tự mình có thể đoạn trừ chính tâm phiền não để tận đáy lòng mình mọc lên cội Bồ đề. Khi cội Bồ đề sống khỏe trong tâm ta, ta đã làm chủ được cuộc đời mình. Các giá trị ngôn ngữ, văn hóa đạo đức con người, đặc biệt là người Việt Nam đều từ cội Bồ đề trong tâm mỗi người mà ra hoa kết quả.

Nhận biết về thân

Tâm vọng tưởng của chúng sinh, tâm thanh tịnh của Phật đều là những hạt giống có ở “tâm” trong thân căn con người.

Tâm vọng tưởng của chúng sinh, tâm thanh tịnh của Phật đều là những hạt giống có ở “tâm” trong thân căn con người.

Vạn vật trong vũ trụ và nhân sinh đều do nhân duyên hòa hợp mà có. Theo cách nhìn của nhà Phật, con người là một nhân tố sinh thái đặc biệt. Cơ thể người là một tập hợp chứa đựng toàn bộ các hệ gen di truyền với đầy đủ các yếu tố về tâm lý, sinh lý và vật lý. Giống nòi của con người tồn tại và nối truyền theo tác động tương sinh tương khắc trong các mối nhân duyên huyết thống, ngôn ngữ và văn hóa xã hội. Người với người nhận biết nhau qua lời ăn tiếng nói, qua cử chỉ hành động của thân, qua các biểu cảm từ tâm và ý thức.

Sáu căn trên thân con người như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não là toàn bộ phạm vi của sinh lý học. Sáu căn đã nêu trên thuộc về bộ phận sinh lý học, cộng thêm sáu trần thuộc phạm vi vật lý học và sáu thức thuộc phạm vi tâm lý học. Tổng hợp cả ba bộ phận ấy tạo thành cá nhân một con người. Sáu căn, sáu trần và sáu thức tổng hợp lại thành 18 giới. Mối tương quan giữa mười tám lãnh vực trên có tính tương tác qua lại mật thiết. Sáu trần và sáu thức phải dựa vào môi giới sáu căn mới có tác dụng. Cũng thế, sáu trần và sáu căn phải dựa vào sự phân biệt của sáu thức mới có giá trị. Hơn thế nữa, sáu thức và sáu căn phải dựa vào bóng dáng phản ánh của sáu trần mới phát huy được công dụng.

Sáu thân căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và não tiếp xúc với sáu trần: màu sắc, âm thanh, mùi hương, chất vị, cảm xúc và các sự vật hiện tượng sản sinh ra sáu khả năng nhận biết của: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý theo sáu nhóm tương tác bao gồm:

– Sáu căn tiếp xúc sáu trần cảnh sinh ra sáu loại nhận biết.

– Nhãn là mắt dùng để nhìn, khi ánh mắt tiếp xúc các màu sắc, hình dáng thì nhận biết và phân biệt được về màu sắc, khả năng này gọi là nhãn thức.

– Nhĩ là tai dùng để nghe, khi tai tiếp xúc các loại âm thanh phát ra thì nhận biết và phân biệt được các tần số âm thanh, khả năng này gọi là nhĩ thức.

– Tỷ là mũi, dùng để ngửi và nhận biết mùi hương, khả năng này gọi là tỷ thức.

– Thiệt là lưỡi, dùng để nếm các chất vị, khả năng này gọi là thiệt thức.

– Thân là thân người, dùng để xúc chạm và nhận biết những cảm giác như nóng, lạnh…, khả năng này gọi là thân thức.

– Ý là tư tưởng, dùng để nhận biết và phân biệt các loại ý tưởng khi tiếp xúc các sự vật hiện tượng, khả năng này được gọi là ý thức.

Thân người từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đã có sự hoạt động của sáu căn tiếp xúc với sáu trần rồi sanh ra sáu thức. Chính sự nhận thức của sáu thức này quyết định chật lượng sống hạnh phúc hay đau khổ. Tâm của người nào thì dựa theo lục căn của người đó để nhận biết sáu trần và phân biệt thành sáu thức. Sáu thức này biến chuyển rất nhanh. Thân căn của con người từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đã có các ý thức nhận biết khi các căn của thân tiếp xúc với các trần cảnh tương ưng. Thân người, đặc biệt là sinh mạng một con người từ khi chưa chào đời rất quan trọng. Dân gian Việt Nam có câu: “Con vào dạ Mạ đi tu”, ý nhắc nhở về tầm quan trọng của thân căn và giáo dục, gọi là “thai giáo”.

Từ khi người mẹ cấn thai, người sắp làm mẹ, làm cha cần ý thức rèn luyện, chỉnh sửa mọi hành vi đạo đức và lời ăn tiếng nói của mình. Vì con, cha mẹ phải tu sửa thì mới mong có được con khỏe, con ngoan và đạo đức, có thể tiếp nối gia phong thuần lương, truyền thống ngôn ngữ văn hóa đạo đức lành mạnh của tổ tiên nhiều đời. Con vào dạ là cả đại gia đình hai bên nội ngoại đều cùng tu học và truyền thừa cái đạo “Uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa sinh thành”.

Thân người là cơ sở để duy trì các giống nòi của nhân loại. Người Việt có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Con người ngay từ khi còn trong trứng nước đã mang một giá trị nhân sinh trong vòng tương tác của mười hai nhân duyên vô cùng đặc biệt. Sự hiện hữu của một con người góp phần cho sự tồn tại của loài người với những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ đa nguyên phong phú. Sự xuất hiện của một con người với một tấm thân đầy đủ sáu căn là sự tiếp nối bảo tồn các giá trị ngôn ngữ văn hóa của con người, đặc biệt là người Việt Nam qua các thế hệ. Có sinh con và nuôi con mới thấu hiểu lòng cha mẹ, mới thấm thía cái ân “Mẹ mang nặng đẻ đau”, cái nghĩa “Cha sinh mẹ dưỡng”. Cha mẹ sinh con, chăm sóc bú mớm, nuôi dạy từng giây từng phút, nuôi lớn thân con, dạy dỗ thâm tình, dõi theo từng hơi thở của con. Người ta có con mới thật sự biết ân, tri ân và báo ân cha mẹ. Hạnh hiếu là hạnh Phật, đạo hiếu là đạo Phật Việt Nam. Hiếu là cơ sở để con người không phải là con mà là người với đầy đủ phẩm chất nhân văn con người trong cộng đồng xã hội. Người, đặc biệt thân người, là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong tổng thể các mối tương quan con người, xã hội và sinh thái môi trường. Chính vì vậy, phải biết trân quý tấm thân mà ta đang có để sống làm người có ích cho xã hội.

TKN. Hạnh Tâm (HVPGVN tại TP.HCM)