Núi sông là núi sông
Trước khi tu thấy núi sông là núi sông. Trong khi tu thấy núi sông không phải là núi sông. Sau khi đã giác ngộ liền tỉnh ra thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông.
Cư sĩ Tô Đông Pha có bài tứ tuyệt
Lư Sơn yên vũ Chiết Giang triều,
[1]Vị chí thiên bàn hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai biệt vô sự,
Lư sơn yên vũ chiết giang triều.
廬山煙雨浙江潮,未至千般恨不消。到得還來別無事,廬山煙雨浙江潮。
Sương khói Lô Sơn sóng Chiết Giang,
Chưa từng đến ngắm hận muôn vàn.
Đến rồi ngẫm lại thời vọng tưởng,
Sương khói Lô Sơn sóng Chiết Giang.
~ LBS dịch
Nghĩa: Mưa như màn sương mù vừa tuyệt đẹp vừa huyền bí ở núi Lộc Sơn và thủy triều tráng lệ dâng trào ở sông Tiền Đường rất đáng xem. Nếu chưa ngắm nhìn màn mù sương và cảnh thủy triều ấy sẽ hối tiếc cả đời. Khi đích thân đến núi Lộc Sơn, sông Tiền Đường, nhìn thấy sương mù cùng thủy triều lại phát hiện những vọng tưởng năm xưa chẳng qua là vậy, không có sự chi biệt lạ. Cũng chỉ là sương khói núi Lộc Sơn, con nước sông Tiền Đường.
**Bình chú:
Trong cuộc sống có nhiều khi chúng ta ao ước đạt được điều gì đó, lòng luôn khao khát và kỳ vọng về điều đó đến nỗi không có cách chi để xoá bỏ, tiêu trừ ý muốn ấy. Nhưng đến khi đạt được rồi thì lại thấy “cũng bình thường thôi mà, ” hoặc như “chẳng qua là thế”.
Tuy nhiên, bài tứ tuyệt của Cư Sĩ Tô Đông Pha không chỉ có ý nói như trên mà ẩn sau bài thơ là nói về ba cảnh giới của Thiền. Hãy đọc đoạn pháp thoại của thiền sư Thanh Nguyên DUY TÍN 青原惟信禪師 đời Tống (có nơi ghi ông số thời Đường) dưới đây có thể sẽ giúp ta rõ tứ thơ của Tô Thức.
“Lão tăng tam thập niên tiền vị tham thiền thì, kiến sơn thị sơn, kiến thuỷ thị thuỷ. Cập chí hậu lai, thân kiến tri thức [2], hữu cá nhập xứ [3] kiến sơn bất thị sơn, kiến thuỷ bất thị thuỷ. Nhi kim đắc cá hưu tiết xứ [3], y tiền kiến sơn chỉ thị sơn, kiến thuỷ chỉ thị thuỷ.” [Nguồn::《指月錄》卷二十八 “Chỉ nguyệt lục”, quyển 28]
Ba mươi năm trước, khi lão tăng còn chưa tham thiền, thấy núi là núi thấy sông là sông. Sau khi gặp thiện tri thức dạy đạo, tu thiền nhập xứ thì thấy núi sông không là núi sông. Nay tu đắc hưu tiết xứ, theo như trước kia, thấy núi chỉ là núi, thấy sông chỉ là sông.
Các Sư giải thích ý nghĩa đoạn pháp thoại trên đại khái như sau:
– Giai đoạn 1, trước khi tu: là một phàm phu, thấy cái gì cũng thật, cảnh thật, người thật, cho nên thấy núi sông thật là núi sông.
– Giai đoạn 2, trong khi tu: khi học đạo, hiểu rõ giáo lý thì thấy tất cả đều giả, là không thật theo thuyết Vô Thường, nên thấy núi sông không phải là núi sông vì không thật nữa.
– Giai đoạn 3, sau khi đã ngộ đạo, đắc đạo. Tâm sáng tỏ, mở được trí tuệ thì tâm không còn Chấp (kiến chấp). Lúc đó nhìn trở lại cảnh vật, núi sông, thấy rõ đúng như thật của nó, núi sông CHỈ LÀ núi sông.
+ 浙江潮 Chiết Giang triều: tức chỉ thủy triều (con nước) sáng và tối (triều tịch” 潮汐) của sông Tiền Đường (錢塘江)
[2] 善知識: kiến tri thức: Danh từ chỉ một người bạn đạo. Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ những đạo hạnh như nắm vững lí thuyết Phật pháp và tinh thông thiền định, có thể giúp đỡ những vị khác trên con đường tu học. [Thư viện hoa sen]
[3] 入處 Nhập Xứ và 休歇處 Hưu Tiết Xứ: Có năm tầng định trong Thiền vô sắc, mỗi tầng được gọi là “xứ”, gồm: Không vô biên xứ (bầu không gian vô tận), Thức vô biên xứ (bầu ý thức vô tận), Vô sở hữu xứ (bầu không gian chẳng có thứ gì), Phi tưởng phi phi tưởng xứ (bầu không gian không còn cảm nhận cũng không phải không còn cảm nhận). Chữ “Xứ” trong lời thoại chắc đề cặp tới năm “xứ” này.