Núi Bà Đen và những kỷ lục chưa từng có tại Việt Nam
Đại lễ dâng đăng có kỷ lục nhiều đèn đăng nhất Việt Nam
Ngày 8/6 vừa qua, nhằm kính mừng lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Đại lễ dâng đăng đã tổ chức trên đỉnh núi Bà Đen và được Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Đại lễ dâng đăng có số lượng đèn đăng nhiều nhất Việt Nam”, với 55.000 ngọn đăng thắp sáng khắp đỉnh núi.
Đây là số lượng ngọn đăng chưa từng có trong các lễ hội dâng đăng tại Việt Nam, và làm nên một đêm dâng đăng có quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Đặc biệt, mỗi ngọn đăng tại đây đều được làm thủ công bởi các nhân viên của khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, và mỗi du khách sẽ tự tay viết lời nguyện ước lên các ngọn đăng, làm nên một trải nghiệm văn hoá tâm linh riêng có cho đỉnh núi Bà.
Dâng đăng là một nghi lễ quen thuộc và thiêng liêng được tổ chức vào các tối Thứ 7 hàng tuần, mang dấu ấn riêng của núi Bà Đen. Cùng với các công trình văn hoá tâm linh kỳ vĩ, lễ dâng đăng giờ đây đã trở thành lý do hút hàng ngàn Phật tử, du khách đến với ngọn núi cao nhất Nam bộ vào mỗi cuối tuần.
Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á toạ lạc trên đỉnh núi
Ngự toạ tại vị trí cao nhất trên đỉnh núi Bà Đen ở độ cao 986m, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có tổng chiều cao tới 72m, được chạm khắc tinh xảo với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ trang nghiêm mà hiền từ. Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng, tay trái cầm bình cam lộ đang dốc xuống như đang ban phước lành cho chúng sinh.
Tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Đen được tạo tác theo hình mẫu tượng Phật thời Lê, là biểu trưng của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát hiển linh trên đỉnh núi thiêng, mang đến bình an, may mắn cho người dân và du khách tới Tây Ninh.
Từ trên cao nhìn xuống, tượng Phật Bà đứng sừng sững trên đỉnh núi mây phủ. Từ dưới nhìn lên, sẽ thấy tượng Phật Bà ẩn hiện trong mây, tạo nên vẻ đẹp uy linh hiếm có cho đỉnh núi cao nhất Nam bộ.
Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới
Nằm ở độ cao hơn 900m trên đỉnh núi Bà Đen, bức tượng Bồ Tát Di Lặc có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m được tạo tác ở tư thế ngồi, với khuôn mặt hiền từ, hình tướng mập mạp, nụ cười hoan hỉ.
Đại tượng Bồ Tát Di Lặc được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang.
So với những bức tượng Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, đại tượng Bồ Tát Di Lặc tại núi Bà Đen là bức tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.
Tượng Bồ Tát Di Lặc ngồi trên thác nước chảy tràn, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh đồng bằng Nam bộ cùng hồ Dầu Tiếng rộng lớn. Là biểu trưng cho sự lòng hỷ xả, an lạc và may mắn, từ trên cao, Đức Di Lặc nở nụ cười hỉ hả như ban phước lành, nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc vĩnh cửu tới chúng sinh.
Thác nước nhân tạo lớn hàng đầu châu Á
Kết nối hệ thống các công trình tâm linh trên đỉnh núi từ tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ở nơi cao nhất đến tượng Bồ Tát Di Lặc, là một thác nước với tổng chiều cao 94,15m. Thác nước chảy từ 4 tầng đĩa nước hình tròn tượng trưng cho đài sen khổng lồ nâng đỡ tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn xuống 5 đĩa tròn sắp đặt thấp dần về phía Đông, qua quảng trường rộng lớn rồi tới thác nước bao quanh tôn tượng Bồ Tát Di Lặc. Riêng thác nước nhân tạo bao quanh tượng Bồ Tát Di Lặc cao 35m, chiều rộng lớn nhất 90m, đổ tràn từ trên cao xuống các tầng bậc thang quanh thân tượng.
Vào năm 2016, kỷ lục thác nước nhân tạo cao nhất Châu Á thuộc về thác nước trên sông Ngưu Lan (Vân Nam, Trung Quốc), cao 12,5 m, rộng 400m. Với chiều cao 35m, Thác nước tại khu vực tượng Di Lặc Bồ Tát ở núi Bà hiện nay vượt qua thác nước sông Ngưu Lan, và được xem là Thác nước nhân tạo cao nhất Châu Á cho đến thời điểm hiện tại.
Thác nước kết hợp với hệ thống đài phun nước sử dụng công nghệ tạo những đợt sóng trào độc đáo cùng nhiều dải ánh sáng ấn tượng làm nên một show nhạc nước mang tinh thần Phật giáo hiếm hoi tại Việt Nam.
Được đầu tư quy mô với những công trình độc đáo hàng đầu Việt Nam, núi Bà Đen, Tây Ninh giờ đây được xem là hình mẫu của cách làm du lịch bài bản và chuyên nghiệp. Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh “Các tập đoàn lớn có rất nhiều sản phẩm độc đáo đúng như slogan của họ là làm đẹp những vùng đất. Không nói đâu xa như ở Tây Ninh với Bà Đen chẳng hạn, đó cũng là một sản phẩm độc đáo”.