Nụ cười trên đỉnh non thiêng
Với độ cao 710 mét, núi Cấm hiện là ngọn núi cao nhất, là đỉnh non thiêng vùng Thất sơn (An Giang). Tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á (tọa lạc trên ngọn núi có độ cao 600 mét) đầy hoan hỷ, bao dung và thư thái giữa đại ngàn.
Nằm trên đỉnh núi cao nhất miền Tây Nam Bộ, tượng Phật Di Lặc đã có 20 năm nở nụ cười tự tại, bác ái phổ độ chúng sinh. Với kỷ lục là “Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á”, công trình đã trở thành biểu tượng tâm linh của người dân và du khách, mỗi khi đặt chân đến miền đất An Giang sông núi hữu tình.
Được khởi công từ tháng 2/2004, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm có khuôn viên rộng 2,2ha, bao quanh là núi rừng trùng điệp, phía trước là hồ Thủy Liêm thơ mộng, đôi mắt ngài nhìn ra một vùng rộng lớn như biểu tượng bao dung, an lạc. Khi hoàn thành, công trình cao 33,6m (tính từ chân đế đến đỉnh đầu), tổng trọng lượng cả nền và tượng nặng 1.700 tấn, riêng tượng nặng 600 tấn.
Ngày 2.1.2006 đạt kỷ lục Việt Nam “Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Việt Nam”. Đến năm 2008, được Trung tâm sách Kỷ lục công nhận “1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam”. Ngày 2.3.2013 tiếp tục đạt kỷ lục “Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á”. Tượng Phật Di Lặc này đã trở thành biểu tượng văn hóa – du lịch của Núi Cấm, khiến cho vùng đất là “điểm đến” của An Giang ngày càng thêm nhiều bước chân tìm đến khám phá…
Tuệ Duyên