Nụ cười của Bồ tát

Trong thế giới đau khổ, các vị Bồ tát vẫn có thể mỉm cười với lòng từ bi và đức vô úy, bởi vì họ có khả năng nhìn bằng cái nhìn bất nhị giữa phiền não và bồ đề, tiếp xúc được với Niết bàn.

 

Các vị Bồ tát cũng sống trong thế giới của chúng ta, thế giới sinh, diệt, thường, ngã. Nhưng nhờ quán chiếu về vô thường, vô ngã mà các vị Bồ tát tiếp xúc được với bản môn, vượt thoát được sợ hãi về ý niệm có không, một khác, đến đi, sinh diệt.

Họ an nhiên cưỡi trên sóng sinh tử mà đi, tự do, không vướng bận. Họ có khả năng sống trong thế giới của sóng nhưng vẫn an trú vững chãi trong tự tính của nước.

Trong kinh Pháp Hoa (Lotus sutra) cụm từ cưỡi trên sóng sinh tử mà đi thường được dùng để mô tả các vị Bồ tát. Các vị Bồ tát Quán Âm, Phổ Hiền, Dược Vương và Diệu Âm đã chứng minh được điều ấy trong đời sống này. Đây là thế giới hành động.

Trong thế giới đau khổ, các vị Bồ tát vẫn có thể mỉm cười với lòng từ bi và đức vô úy, bởi vì họ có khả năng nhìn bằng cái nhìn bất nhị giữa phiền não và bồ đề, tiếp xúc được với Niết bàn. Giáo pháp của Bụt có nói về ba loại bố thí, đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí (không sợ hãi).

Đầu năm học hạnh xưng tán của Bồ tát Phổ Hiền

418568871_707852634781098_1892386528607842792_n

Trong đó vô úy thí là lớn nhất. Bởi vì các vị Bồ tát đã vượt thoát được sợ hãi nên có khả năng giúp được rất nhiều người. Không có gì quý hơn đức vô úy. Đó là món quà lớn nhất mà ta có thể hiến tặng cho người ta thương. Nhưng nếu ta không có thì ta không thể hiến tặng được. Thực tập và tiếp xúc được với bản môn ta cũng có thể mỉm một nụ cười vô úy như các vị Bồ tát. Cũng giống như các vị Bồ tát, ta không cần phải chạy trốn phiền não. Ta không cần phải đến một nơi nào khác để đạt được giải thoát giác ngộ.

 

Phiền não và giác ngộ là một. Khi tâm ta vô minh, mê mờ thì ta phiền não; khi tâm ta chân thật, trong sáng thì phiền não không còn, chỉ có giải thoát giác ngộ. Chúng ta không còn sợ sinh tử nữa bởi vì ta tiếp xúc được với tính tương tức. Những ai làm việc giúp những người hấp hối cần phải thực tập vô úy và vững chãi để giúp họ ra đi được bình an.

 

Nếu ta biết cách tiếp xúc với bản môn, tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt thì ta vượt thắng được tất cả mọi sợ hãi. Khi ngồi với người hấp hối ta có thể gây được nguồn cảm hứng, bình an cho họ. Vô úy là sự thực tập lớn nhất trong đạo Bụt. Để vượt thoát tất cả những nỗi sợ hãi, ta phải tiếp xúc với chính mình và nhìn bằng con mắt từ bi.

Tâm kinh Bát Nhã nói: “Bồ tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật, tức diệu pháp trí độ, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn”. Ngài tiếp nhận được nguồn năng lượng vô úy nên có khả năng giúp được cho nhiều người. Một khi thấy được phiền não tức bồ đề, chúng ta có thể cưỡi trên sóng sinh tử mà đi.

Người làm vườn không đuổi theo hoa mà cũng không chạy trốn rác. Người ấy chấp nhận cả hai, chăm sóc cả hai. Người ấy không vướng mắc vào hoa mà cũng không chán ghét rác. Bởi vì người ấy thấy được cả hai hoa và rác tương tức.

Người ấy bình an với hoa mà cũng bình an với rác. Một vị Bồ tát xử lý phiền não và bồ đề cũng giống như người làm vườn thiện xảo xử lý hoa và rác, không phân biệt. Người đó biết cách chuyển hóa, vì vậy người ấy không còn sợ hãi nữa. Đó là tinh thần của Bụt.

Trích từ “Hạnh phúc cầm tay”. 

Sư Ông Làng Mai