Nói về Tam pháp ấn
Ba pháp ấn cũng chính là ba chân lý quan trọng của cuộc đời, ai thông suốt, thực chứng sẽ vượt thoát mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi.
Có một số kinh nói đến Tam pháp ấn, thứ tự, chi phần cũng có chỗ xuất nhập:
Vô thường, vô ngã, niết bàn
Vô thường, khổ, vô ngã
Vô thường, không, Niết bàn…
Cũng có kinh nói về Tứ pháp ấn :
Vô thường, khổ, không, vô ngã
Vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn
Vô thường, khổ, không, Niết bàn
Thậm chí có chỗ nói ngũ pháp ấn:
Vô thường, khổ, không, vô ngã, niết bàn….
Pháp ấn, tiếng Phạn dharma-mudrā, trong đó dharma là pháp, là những lời dạy của Đức Phật, và mudrā là dấu ấn, là khuôn dấu, là đặc chất, là tiêu chuẩn. Ấn còn có nghĩa là chân thật, bất động, bất biến, như ấn của vua.
Pháp ấn là dấu ấn,/khuôn dấu của Chánh pháp, là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết Phật pháp, nhưng cũng có thể là chỉ cho giáo pháp cô đọng, tinh yếu.
– Vô thường chữ Hán 無常; sa. anitya; pi. anicca, nghĩa là “không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi chuyển biến liên tục
– Vô ngã chữ Hán 無我, sa. anātman, pi. anattā),
Vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một cái Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh, tức tùy thuộc điều kiện khởi phát, chứ sự vật không tự sự sinh ra và tự hoại diệt
Niết bàn là từ có nhiều nghĩa, là trạng thái diệt tận được tham ái, sân hận và si mê để đạt đến trạng thái thanh tịnh tuyệt đối
Niết-bàn chữ Hán 涅槃,là từ được dịch âm từ gốc tiếng Phạn nirvāṇa hoặc tiếng Pāli nibbāna. Nirvāṇa nguyên là phân từ thụ động quá khứ của động từ niḥ-√vā nirvāti với nghĩa “thổi tắt”, “dập tắt” (một ngọn lửa) và như thế thì nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt. Thuật ngữ nirvāṇa cũng được dịch nghĩa là khổ diệt, Diệt (滅), Tịch diệt (寂滅), Khổ diệt là mục đích tối hậu trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng có thể dịch là giải thoát.
Căn cứ vào: Căn bản Thuyết nhứt thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 9, đức Phật bảo ngài Hiền Thủ:
Chư hành giai vô thường
Chư pháp tất vô ngã
Thị danh tam pháp ấn.
(Các hành đều vô thường
Các pháp ắt vô ngã
Vắng lặng tức Niết-bàn)
Đó là ba pháp ấn vô thường, vô ngã, Niết bàn
Ứng dụng Tam pháp ấn trong tu tập
Theo kinh Duy-ma-cật sớ 6 thì: “Như luận Đại Trí thuyết thì kinh Thinh văn có ba pháp ấn, vô thường ấn, vô ngã ấn, Tịch diệt Niết-bàn ấn.
Một số kinh Nam truyền thì có các ấn này, người nào tu tập theo những lời dạy trong những kinh này thì có thể được đạo. Nếu kinh nào không có ba pháp ấn này thì có thể không phải là kinh liễu nghĩa.
A- tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc luận 12 thì nói: “Đối với ba pháp ấn mà hành giả còn sinh khởi do dự cho rằng tất cả các pháp vô thường mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp vô ngã; là Niết-bàn tịch tĩnh mà cho rằng chẳng phải Niết-bàn tịch tĩnh, thì là si mê.”
Câu xá luận ký 1, xác nhận một cách dứt khoát về ba pháp ấn này: “Kinh giáo tuy là nhiều, tóm lược lại thì chia ra làm ba loại gọi là pháp ấn: Một, chư hành vô thường. Hai, chư pháp vô ngã. Ba, Niết-bàn tịch tĩnh. Vì ấn chứng các pháp nên gọi là pháp ấn. Nếu thuận theo ấn này thì gọi là kinh Phật, nếu nghịch lại ấn này thì chẳng phải là những lời Phật dạy.”
Trong kinh Tương Ưng III (và một số kinh khác), Đức Phật đã hỏi các vị Tỳ kheo:
«Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay vui?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: «Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi«?
– Thưa không, bạch Thế Tôn«
Theo đó, vô thường, khổ và vô ngã là ba dấu ấn xác định, chứng nhận tính hợp pháp của giáo lý đạo Phật
Câu xá luận ký 1, giải thích chi tiết công năng của từng pháp ấn: “Các hành vô thường chỉ dùng để giải thích rõ các pháp hữu vi, Niết-bàn tịch tĩnh dùng để giải thích rõ các pháp vô vi, còn các pháp vô ngã là dùng chung để giải thích rõ cả pháp hữu vi và vô vi”…
Quan trọng là phải hiểu rõ dù nói ba pháp ấn, bốn pháp ấn hay năm pháp ấn thì bản chất, cốt lõi là không khác nhau, chỉ là những cách diễn đạt khác nhau mà thôi.
Ví dụ Hoà Thượng Thiện Siêu nói Vô ngã là Niết bàn thì đã đồng nhất cách diễn đạt.
Hoặc Không là tự tánh của các pháp; vô ngã cũng là tự tánh của các pháp; không cũng là tánh của niết bàn…
Cho nên khi giảng về Tam pháp ấn không nên khẳng định cực đoan Tam pháp ấn là Vô thường, khổ, vô ngã mới đúng còn cách diễn đạt khác là sai.
Tốt nhất là phần dẫn nhập chúng ta trình bày nguồn gốc một số kinh luật luận có nói về tam pháp ấn để làm y cứ sau đó, nói rõ là mình trình bày tam pháp ấn theo kinh nào, luận nào (Chọn cách trình bày có tính cách phổ thông được nhiều người chấp nhận nhất).
Tam pháp ấn
Là vô thường
Vô ngã, niết bàn
Dấu ấn chánh pháp
Pháp chân thật.