Nói thêm về hạnh Đầu đà

Sau bài “hạnh Đầu đà”, tôi thấy một số ý kiến xoay quanh 13 hạnh đầu đà, rồi hạnh tu khổ hạnh nên xin được nói thêm.

 

Nhờ 6 năm tu khổ hạnh mà Đức Phật đạt được nội lực kiên cố viễn ly các dục nhiễm. Và cũng chính nhờ nội lực ấy mà Đức Phật có đủ quyết tâm để rời xa luôn hạnh tu khổ hạnh ép xác.

Trước khi ngài Ca Diếp đến quy y Phật, ngài cũng từng tu khổ hạnh. Sau khi gia nhập tăng đoàn ngài thọ trì giới luật, hành hạnh đầu đà thông qua 13 hạnh cụ thể, đa phần xét trên thân hành, giới tướng (ăn, ở, mặc, ngủ…).

Tuy nhiên khi sống trong tập thể tăng đoàn, dù các vị đệ tử tu theo hạnh gì thì về cơ bản vẫn là hạnh độc cư. Tức là ngoài thời gian đi hoá duyên khất thực, các vị Tỳ-kheo cần phải chọn cho mình một nơi chốn, trú xứ nào đó, xa lánh ồn ào để độc cư thiền tịnh.

12-990

Hiện nay, không ít hành giả Phật giáo cả Nam lẫn Bắc truyền vẫn âm thầm thực hành hạnh độc cư thiền tịnh này. Có những ngài nhập thất quanh năm, ẩn tu trên núi không giao du hoặc hạn chế tối đa giao du với bên ngoài để an trú trong hạnh độc cư.

Đức Phật đề cao hạnh này và khuyến khích tăng chúng thực hành.

Theo Kinh Ðại không – Trung bộ kinh, Đức Phật nói với ông A Nan:

“Này Ananda, một Tỷ-kheo không chói sáng nếu thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người. Này Ananda, nếu Tỷ-kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỷ trong hội chúng của người, có thể nào là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; sự kiện như vậy không xảy ra.

Nhưng này Ananda, Tỷ-kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc…”.

Cũng trong kinh này, Đức Phật nêu ra những phiền luỵ khi xa rời hạnh độc cư. Có 3 sự phiền luỵ gồm: phiền luỵ cho vị đạo sư, phiền luỵ cho đệ tử và sự phiền luỵ của các vị tu phạm hạnh.

“Này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị Ðạo sư?

Ở đây, này Ananda, có Ðạo sư lựa một trú xứ (senasanam) xa vắng trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm.

Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của Ðạo sư. Vì sự phiền lụy của Ðạo sư, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của Ðạo sư.

Này Ananda, thế nào là sự phiền lụy của đệ tử?

Này Ananda, đệ tử của một Ðạo sư, bắt chước đời sống viễn ly của Ðạo sư mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm.

Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân với quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây cung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của đệ tử. Vì sự phiền lụy của đệ tử, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai; các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của đệ tử.

Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh?

Ở đây, này Ananda, Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi Ngài sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không khởi lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc. Nhưng này Ananda, vị đệ tử của bậc Ðạo sư chủ tâm theo hạnh viễn ly của bậc Ðạo sư, bắt chước (theo hạnh ấy) lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời, trên một đống rơm.

Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Vì sự phiền lụy của Phạm hạnh, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Nhưng này Ananda, sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh là nhiều quả khổ hơn, nhiều quả não hơn đối với phiền lụy của Ðạo sư này và phiền lụy của đệ tử này, hơn nữa nó dẫn đến đọa lạc”.

Hạnh độc cư là hạnh sống một mình, thiền tịnh và ít giao tiếp nói năng.

Ngay cả khi bắt chước bậc Đạo sư chọn một trú xứ nhưng cứ mải giao tiếp với những người chung quanh thì không còn thời gian đâu mà thiền tịnh nói chi đến việc chứng đắc.

May mắn thay Tuệ Giác của Phật đã thấu rõ như vậy trong tâm địa của những vị Tỳ-kheo và đưa ra những bài pháp hữu ích cho các vị ấy thực hành đúng pháp và tinh tấn trong thực hành hạnh độc cư.

Thích Thanh Thắng