Nỗi buồn khi về già của người tu
Hôm qua tôi ghé thăm một vị Ni sư. Sư năm nay đã hơn 70 tuổi, đang sống ở nhà với cháu. Sư đi tu từ nhỏ và đã trải qua gần hết cuộc đời ở chùa. Tuy nhiên, khi tuổi già sức yếu, ở chùa không ai chăm lo nên Sư đành phải về nhà nương nhờ các cháu.
Gặp Sư, tôi vừa mừng vừa ngậm ngùi, xúc động. Mừng vì lâu quá mới gặp lại và thấy Sư cũng khỏe mạnh, chỉ có hai chân là hơi yếu nên không đi đâu được, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ngậm ngùi vì thấy rằng một người đã gắn bó với ngôi chùa mấy mươi năm, đã cống hiến tuổi trẻ và công sức của mình cho chùa nhưng cuối đời phải rời xa nơi đó, rời xa ngôi già lam mà mình đã từng xuất gia tu học, rời xa bao kỷ niệm thân thương với thầy tổ, huynh đệ và các sư cháu. Sư về nhà ở đã gần một năm. Tôi hỏi ở chùa có ai tới thăm Sư không? Sư cười nói “Ai cũng có công việc hết có rảnh đâu tới thăm. Ở đây có mấy đứa cháu nó lo”. Nghe vậy tôi thoáng buồn. Một người phụng sự cả cuộc đời cho chùa nhưng khi không còn có thể cống hiến được nữa, khi đã già yếu thì chùa không thể chăm lo. Cả đời người tu lo cho Phật Pháp chứ có lo cho gia đình được gì đâu mà khi về già gia đình phải cưu mang! Tính ra gia đình là người thế gian mà còn có nghĩa tình hơn người tu, không nở bỏ người thân, dù họ cũng không giàu có gì. Đức Phật dạy hàng đệ tử Phật phải chăm sóc cho nhau. Nếu mình không lo cho người già yếu thì khi mình già yếu cũng sẽ không có ai lo cho mình. Cứ như thế, người ta sống vô tâm với nhau….
Tôi thấy một số huynh đệ và sư cháu của Sư hành đạo cũng khá tốt. Làm từ thiện cũng nhiều. Tặng quà cho bà con vào các kỳ lễ lạc. Chỉ mùa Trung Thu vừa qua thôi, tôi thấy các vị ấy tặng hàng ngàn các bánh Trung Thu cho người nọ người kia, nhưng không có ai nhớ tới Sư. Không có ai đến thăm và cúng dường Sư cái bánh nào!
Trường hợp của Sư không phải là cá biệt. Có rất nhiều trường hợp giống như thế. Tức là cả đời đi tu ở chùa nhưng khi già yếu hay bịnh đau thì phải về nhà cho người thân nuôi. Đây thật sự là điều đáng buồn trong Phật pháp.
Thích Trung Hữu