Niết bàn, sinh tử thị không hoa

Xin Thầy giảng về câu “Niết-bàn sinh tử thị không hoa”. Con xin cám ơn Thầy.

Trả lời:

Khi mình khởi tâm tìm kiếm, mong cầu đạt được cái này cái kia thì đó gọi là sinh-tử. Thí dụ mình mong cầu phải đạt tới Niết-bàn nên cố gắng tu hành để đạt được mục đích cuối cùng ấy. Nhưng khi đã giác ngộ rồi mới thấy:

Té ra không có sinh-tử, mà cũng chẳng có Niết-bàn.

Nói cách khác sinh-tử hay Niết-bàn cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không mà thôi, chúng không phải là mục đích để đạt được, mà chỉ thấy như vậy thôi.

Như Đức Phật khi giác ngộ Niết-bàn từng nói “Vì Như Lai thắng tri Niết-bàn chỉ là Niết-bàn, nên Như Lai không dục-hỷ trong Niết-bàn, không xem Niết-bàn là Ta, của Ta, tự ngã của Ta”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Người giác ngộ chỉ thấy rõ luân hồi sinh tử là thế nào, vô minh là như thế nào, Niết-bàn là thế nào, minh là như thế nào nên sống tự nhiên thong dong tự tại, không rơi vào sinh-tử, cũng không trụ ở bất kỳ nơi nào, dù đó là Niết-bàn. 

Nếu giác ngộ mà mừng rỡ hô lên “Ta Niết-bàn rồi!”, biểu hiện như vậy tức vẫn chưa ngộ được gì.

Vì nếu có một Niết-bàn nào đó có thể trụ lại thì cái “gọi là Niết-bàn” ấy cũng sẽ hư hoại, cũng sẽ vô thường. Cái gì mà có thể chấp trước, có thể trụ vào đều là pháp hữu vi, đều vô thường.

Còn người giác ngộ thì thấy rõ sinh-tử hay Niết-bàn cũng chỉ là “hoa đốm giữa hư không”, tức là chúng không thật có…

Thầy Viên Minh