Niệm Phật: Gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt cũng không thoát khỏi luân hồi…

Một nhà sư Việt Nam ở đời hậu Lê ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật của vị Sư này tuy có, mà nguyện tâm không chí thiết, nên chẳng được Vãng sanh.

 

Tại sao không chí thiết? Vì nhà sư tưởng đâu mình là người xuất gia, ở chùa và niệm Phật mỗi ngày là đủ rồi, nên không quan tâm đến vấn-đề chí thiết phát nguyện Vãng Sanh. Đến chừng lâm chung, nhà Sư Việt thọ sanh làm quốc vương nhà Thanh bên Tàu, nhớ có nhiều phước đức. Một hôm, nhân nhà Vua dùng nước giếng của một ngôi chùa, rửa vết chữ son ghi tiền kiếp trên vai, nhà Vua bỗng ngộ biết kiếp trước của mình, bèn cảm khái làm hai câu thơ:

“Ngã bằng Tây Phương nhứt Phật tử

Vân hà lạc tại Đế-vương gia?”

Ý nói:

Ta vốn là con của Phật A-Di-Đà ở Tây-Phương

Cớ sao lại lạc vào nhà Đế-vương như thế nầy?

Cho nên điểm cần yếu nhứt vẫn là chữ Nguyện. Muốn Vãng sanh Cực Lạc phải phát nguyện Vãng sanh trước nhất, đồng phát tâm Bồ-đề, nguyện niệm Phật để thành Phật.

Khi Tín và Nguyện vững chắc rồi thì tới công hạnh. Dù đủ Tín và Nguyện, mà thiếu công phu trì niệm hồng danh Phật A-Di-Đà cũng chẳng thành tựu.

Trích “Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?”, cố cư sĩ Tịnh Hải.

Lời bình:

Ngẫu Ích đại sư, một bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: “Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn”. Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh”. Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ. Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được.

Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh cùng chăng”. Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi”. Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!

Theo Niệm Phật Thập Yếu, tác giả: Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

Hòa thượng Thích Thiền Tâm