Niệm ác và người thù

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói: Người thù địch có bảy điều kiện mong cho kẻ thù với mình:

1. Mong cho kẻ thù với mình nhan sắc xấu xí.

2. Mong cho kẻ thù với mình ngủ không được.

3. Mong cho kẻ thù với mình không được lợi ích, thường tổn giảm.

4. Mong cho kẻ thù với mình bị phá sản.

5. Mong cho kẻ thù với mình không được danh vọng.

6. Mong cho kẻ thù với mình không được bạn bè.

7. Mong cho kẻ thù với mình chết đọa đường dữ.

Lời bình:

'Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ'. Vậy ta muốn ngủ ngon giấc thì phải dứt niệm 'oán thân'.
“Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ”. Vậy ta muốn ngủ ngon giấc thì phải dứt niệm “oán thân”.

Xét bảy điều Phật nói trên có đúng với tâm lý chúng ta không? Nếu ai là người mình thù địch thì mình đâu thích họ có sắc đẹp mà muốn họ xấu xa. Và muốn họ luôn luôn bất an mất ngủ, muốn cho họ tổn hại, mất mát tài sản danh vọng, nhẫn đến cho bạn bè lánh xa họ. Cuối cùng muốn cho họ khi chết bị đọa địa ngục. Những điều mong muốn trên là quan niệm trả thù. Tuy mình không dùng hành động độc ác với người thù, nhưng lúc nào cũng muốn cho người thù của mình gặp nhiều tai biến họa lụy…Những quan niệm như thế xét theo thói thường thì miễn bàn, nhưng xét sâu về đạo lý là một điều tổn hại rất lớn. Tại sao? Trước xét việc gần gũi nhất là ngay tâm niệm mình: Một khi muốn cho người ta khổ, khi khởi niệm muốn đó lòng mình có vui chăng, hay chính cái niệm đó làm cho lòng mình bức rức, cảm thọ khổ sở bất an? Đó là chưa nói đến gặp trường hợp trái ngược, mình muốn người ta khổ mà trái lại họ được vui, thì tâm niệm chúng ta lúc đó thế nào? Muốn cho người ta mất mà họ vẫn được, muốn cho người ta xấu, mà họ vẫn tốt…

Chúng ta sẽ bực bội đến đâu? Thế nên những mong muốn ấy đều không lợi lạc mà tổn thương tâm niệm chính mình. Xa hơn chúng ta xét về lý nhân quả: Sở dĩ có niệm ân oán với nhau, đều có nguyên nhân. Một người chưa quen biết, mới gặp nhau là ta có cảm tình ngay và muốn giúp đỡ  tất cả những gì họ muốn cần. Trái lại, cũng một người chưa từng quen thuộc vừa gặp mặt liền sanh bực bội, không muốn nhìn họ, và từ khước mọi giúp đỡ, mặc dù họ cần đến ta. Những điều đó không có chi lạ, là do chúng ta với những người ấy đã tạo “ân” hay “oán” thuở quá khứ… Còn rất nhiều khía cạnh khác, đây chúng tôi chỉ nêu vài trường hợp điển hình mà thôi.

Vậy, muốn cho tâm được mát mẻ, thư thới y cứ lời Phật dạy, chúng ta phải xem oán thân bình đẳng, nghĩa là dứt hếtniệm “ân” và “oán”. Vì người ân giúp ta chính là những người ta từng giúp họ, bây giờ họ giúp lại ta, người oán hại ta là ta đã từng gây khổ đau cho họ, nên bây giờ họ đối xử tệ bạc với ta. Việc ấy chỉ trong vòng vay trả. Hơn nữa, phải quán tất cả mọi người đều là bà con thân thuộc của chúng ta, nếu không đời này cũng nhiều đời trước. Dù họ có lỗi lầm chút ít ta nên tha thứ, đâu nỡ thù ghét họ. Hiểu như vậy thì ta dứt được niệm ân và oán. Nhờ dứt niệm ân oán nên sợi dây ân oán bị cắt đứt. Khi ân oán dứt tâm ta không an tịnh là gì? Lục Tổ dạy: “Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ”. Vậy ta muốn ngủ ngon giấc thì phải dứt niệm “oán thân”.

Hoà thượng Thích Thanh Từ