Ni sư Hương Nhũ nói về khẩu nghiệp: ‘Tu cái miệng là tu được nửa đời người’
Theo ni sư Hương Nhũ, khẩu nghiệp là một trong những tội lỗi dễ sinh khởi nhất trong đời sống con người. Tu cái miệng là tu được nửa đời người.
Theo ni sư, khẩu nghiệp có tác động thế nào trong đời sống hằng ngày?
Đức Phật dạy tác ý chính là nghiệp, khi chúng ta cố ý làm, cố ý nói, cố ý nghĩ một điều gì đó thì chính là chúng ta đang tạo nghiệp, đó có thể là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Từ miệng tạo ra tội lỗi gọi là khẩu nghiệp.
Có thể nói, khẩu nghiệp là một trong những tội lỗi dễ sinh khởi nhất trong đời sống con người. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể nói được cả, vui, buồn, ghét, hận, thù… chúng ta đều dùng lời nói để diễn đạt. “Lời nói không mất tiền mua” nên người ta nói rất nhanh không thể kiểm soát.
Trong Phật giáo, khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời sống con người. Lời nói không là dao mà thắt lòng đau xé, tuy không phải là đao kiếm nhưng lời nói lại có tính chất sát thương vô cùng lớn.
Lời nói quan trọng như vậy cho nên tu cái miệng là tu nửa đời người. Lời nói trong thiện hằng ngày là một sự tu tập chánh niệm, đem lại mát lành, hạnh phúc cho mình, cho người.
Do vậy chúng ta phải chánh niệm, rời xa những lý luận, không nói luyên thuyên, nói xấu người khác, phí thời gian vô ích, không đưa đến lợi lạc, không làm cho chúng ta an lạc, trái lại chỉ làm cho chúng ta loạn tâm, làm cho con người ta dễ mệt mỏi và sinh ra phiền não.
PV: Ở đời thường là vậy, còn trên mạng xã hội, mỗi người nên nói, viết như thế nào để tránh khẩu nghiệp, thưa ni sư?
Ở đời sống thường ngày, con người phạm khẩu nghiệp thế nào thì trên mạng xã hội con người lại càng tạo nhiều tội lỗi hơn.
Những hình thức độc hại như là châm biếm, đả kích thông qua lời nói đã làm mất đi tâm tánh hiền lương của con người, đặc biệt là giới trẻ. Người ta tự cho mình là có thể hùa theo, có thể phán xét dư luận gì đó mà không cần suy nghĩ, không chút từ tâm làm cho con người ta tạo khẩu nghiệp trên mạng xã hội.
Trên mạng xã hội, chúng ta không nên dùng những lời dối trá, phù phiếm, ác độc mà nên giúp nhau lan tỏa thông điệp sống có lợi ích, sống để yêu thương, sống vì mọi người, sống có tâm, có nghĩa, có tình, có nhơn. Qua đó, mạng xã hội cũng giúp chúng ta tạo nhiều công đức cho hôm nay, ngày mai.
Vậy khi một niệm sân nổi lên, chúng ta cần làm gì để tránh nói ra những lời không hay ạ?
Người sân hận thường có một hiện tướng, mặt mũi không an lành, khó coi vì tâm sanh tướng. Cứ đủ một cái duyên tức giận, đủ một cái điều kiện thì niệm sân sẽ phát khởi lên, mà hễ niệm sân nổi lên thì chẳng khác chi là cả một ngọn lửa dữ thiêu đốt ở trong tâm, khó mà kiềm chế được. Khi dấy lên một niệm sân hận thì ngọn lửa có thể được bừng lên thiêu một rừng công đức.
Chúng ta phải tu tập, tu cái miệng để điều hòa lòng sân hận, điều hòa tâm tánh của mình, giảm chế sự sân hận.
Khi phát hiện có cơn giận đang nổi lên trong tâm niệm, chúng ta nên chú ý vào trong hơi thở của mình. Chúng ta hãy rời xa người, sự việc tác động vào cơn giận dữ của mình đồng thời đừng nên nói một lời nào, dù để giải thích thỏa đáng đi chăng nữa.
Lúc đó hãy hóa giải cảm xúc giận hờn bằng tập trung vào hít sâu vào, thở chậm ra. Phương pháp này giúp chúng ta làm chủ được cơn giận. Phương pháp này giúp cho tâm lý được bình tĩnh, từ đó có đủ sáng suốt để xem sự việc có cách giải quyết, ứng xử thế nào là phù hợp nhất. Bình tĩnh, làm chủ bản thân, cảm xúc cũng giúp chúng ta trở nên bao dung, từ bi, tha thứ dễ dàng.
Vũ Phượng– báo Thanh Niên