Những nhà sư xả thân vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân (1945-1975)

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945-1975), Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng. Nhiều nhà Sư chiến đấu anh dũng, hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân.

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã khoảng hai nghìn năm và luôn “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”. Trong những lúc Tổ quốc lâm nguy, nhiều nhà Sư đã sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào tham gia đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Họ trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ Tăng, Ni, Phật tử cả nước về tấm lòng dũng cảm, bi nhẫn, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho hạnh phúc chung của cộng đồng mà không màng đến sự báo ân. Những tấm gương bất khuất cao cả ấy mãi được lịch sử và nhân dân ghi tạc, tôn vinh.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945-1975), Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng. Nhiều chùa chiền, tự viện trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, Đảng viên và là cơ sở cách mạng; không ít nhà Sư cởi áo cà sa trở thành những chiến sĩ cách mạng, xung phong lên tuyến đầu chống giặc, cứu nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhiều nhà Sư chiến đấu anh dũng, hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Bài viết xin ghi lại những một số tấm gương tiêu biểu như sau.

26-1

1. “Đội Nghĩa sĩ Phật tử” Chùa Cổ Lễ – Nam Định

Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/2/1947, 27 nhà Sư chùa Cổ Lễ cởi áo cà sa khoác chiến bào, bái biệt cửa Phật để trở thành những chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong “Đội nghĩa sĩ Phật tử” với ước nguyện: “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào/Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù đất nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”. Họ chiến đấu kiên cường, bất khuất và 12 người đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đầu tiên tại trận địa chùa Non Nước (Ninh Bình). Năm 1952, nhà sư Thích Đàm Cẩn là chiến sĩ thuộc C3, D38 hăng hái tham gia phá đá, mở đường cho xe ta ra trận. Khi xuất ngũ, sư Thích Đàm Cẩn tiếp tục tu hành và có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước.

Huyện Tiên Lãng: Vùng đất thiêng liêng với nhiều nhà sư liệt sĩ

Huyện Tiên Lãng là địa phương có nhiều chùa nhất trên địa bàn Hải Phòng và cũng là nơi có số Tăng Ni, Hòa thượng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều nhất thành phố. Phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, nhiều nhà Sư đã tích cực tham gia kháng chiến và 10 vị hi sinh vì Tổ quốc. Đến nay, có 8 nhà Sư được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ, đó là: Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Quảng Tại, Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Hòa thượng Thích Thanh Quất, Hòa thượng Thích Nguyên Trí, Đại đức Thích Quảng Hợp, Sư bác Thích Quảng Tuệ… Riêng chùa Thắng Phúc (xã Tiên Thắng) đã có tới 5 nhà Sư liệt sĩ.

Trong công cuộc kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tăng, Ni, Phật tử trẻ tuổi chùa Thắng Phúc xung phong vào các đội du kích địa phương, các vị Sư tuổi cao bám trụ các chùa trong vùng và lập thành Hội Tăng già cứu quốc để nuôi giấu cán bộ, tham gia kháng chiến. Các nhà Sư đã vận động người dân mua công trái quốc gia, ủng hộ kim loại để đúc súng đạn, gây quỹ ủng hộ kháng chiến và cùng cán bộ, nhân dân rào làng chiến đấu, đắp ụ ngăn xe, cản địch, đào hầm bí mật trong chùa nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí…

Sáng 17/10/1951, Hòa thượng Thích Nguyên Uyển bị thực dân Pháp bắt. Kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn dã man, tàn độc. Chúng xỉa thẳng lê vào cổ để hy vọng ông khai và nhận mặt 5 chiến sĩ cách mạng bị chúng bắt trước đó. Nhưng Hòa thượng vẫn một lòng kiên trung, không một lời khai báo, giữ an toàn tuyệt đối cho cơ sở cách mạng. Trước khí tiết của ông, đến 10h00 sáng cùng ngày, quân Pháp đã hèn hạ xả đạn điên cuồng sát hại Ngài. Trưa 20/9/1952, Hòa thượng Thích Thanh Lãng bị quân Pháp bắt khi đang cất giấu tài liệu dưới gầm các pho tượng. Kẻ thù tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man (như đưa lên cối xay lúa, cứa dao vào cổ tra khảo…) nhưng không khuất phục được chí khí cách mạng của Hòa thượng. Do đó, chúng đã sát hại Ngài.

27-1

Ở Tiên Lãng còn phải kể đến sự hy sinh anh dũng của nhà Sư – liệt sĩ Thích Thanh Dũng – Đội viên du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 30/4/1951, quân Pháp mở trận càn bao vây làng, phát hiện nghi vấn lớn ở chùa Đót Sơn [1]. Chúng bắt giữ trụ trì chùa và dụ dỗ, tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin về cán bộ, hầm bí mật. Song, nhà Sư một mực kiên trung, nhất quyết không khai báo, nên đã bị thực dân Pháp sát hại tại sân chùa.

Nhà sư liệt sĩ Thích Đàm Hiền (Nguyễn Thị Vân)

Đau lòng trước cảnh đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, Sư cô Thích Đàm Hiền tìm đến những chiến sĩ cộng sản đang hoạt động bí mật trong vùng và được giác ngộ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Sư cô hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng (1947), rồi Chi ủy viên Chi bộ Cộng sản Sài Sơn (1948), trực tiếp phụ trách thôn Khánh Tân… Với cương vị Chi ủy viên, Sư cô Thích Đàm Hiền chỉ đạo lực lượng kháng chiến thôn Khánh Tân, vận động nhân dân đấu tranh kiên quyết không để bọn phản động cướp lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho dân.

Với vóc dáng mảnh mai trong tấm áo cà sa, bọn giặc không thể nào thể nào ngờ được đó lại là một Đảng viên kiên trung, một chiến sĩ du kích dũng cảm, kiên cường. Nhưng dần dần, chúng “đánh hơi” được hoạt động của bà. Ngày Trung Thu năm 1951, quân Pháp bất ngờ càn quét làng Khánh Tân. Chúng lùng sục suốt ba tiếng, điên cuồng đập phá chùa, xả súng bắn vào tượng Phật, đào tung sân chùa và bắt được Sư cô Thích Đàm Hiền cùng đồng chí Xã đội trưởng Lê Xuân Nhĩ. Thực dân Pháp tra tấn rất dã man bằng những ngón đòn tàn độc, buộc hai người phải khai báo ra các cơ sở cách mạng và những hầm bí mật, nơi có nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương ẩn náu, hòng tiêu diệt bộ máy kháng chiến địa phương. Thấy hai người kiên quyết không khai báo, chúng bắn chết đồng chí Lê Xuân Nhĩ trước mặt Sư cô để uy hiếp tinh thần nhưng Sư cô vẫn điềm nhiên đọc kinh cầu siêu cho đồng chí của mình. Kẻ thù tàn bạo đẩy bà ngã xuống cạnh xác Xã đội trưởng và sát hại bà. Sau khi Sư cô Thích Đàm Hiền hy sinh, ba nhà sư Đàm Thuận, Đàm Thìn, Đàm Mùi vẫn tiếp tục ủng hộ kháng chiến.

Nhà sư, Liệt sĩ Thích Quảng Tâm

Tháng 2/1947, thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) và thường xuyên mở các cuộc càn quét, lùng bắt Việt Minh. Để hoạt động bí mật, Việt Minh chọn làng Quỳnh Lâu làm căn cứ, chùa Vãng là một điểm an toàn và luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của Sư trụ trì Thích Quang Tâm, như: Tiếp nhận “hũ gạo kháng chiến”, nấu cơm nắm, mua thuốc và các nhu yếu phẩm để chuyển về căn cứ, cất giữ tài liệu…

Ngày 8/2/1948, quân Pháp tổ chức càn quét vào làng Quỳnh Lâu. Phát hiện quân địch, nhà Sư chỉ vội báo hiệu cho cán bộ Việt Minh rút ra ngoài mà không kịp giấu tập truyền đơn, lá cờ đỏ sao vàng. Phát hiện cờ và truyền đơn của Việt Minh, quân Pháp đưa nhà Sư ra sân chùa tra khảo và dùng mọi cách tra tấn dã man nhưng không đạt mục đích. Do đó, tên chỉ huy người Pháp đã rút súng bắn thẳng vào ngực nhà Sư. Khi quân Pháp rút đi, nhân dân an táng di hài ông trong khuôn viên nhà chùa.

Nhà sư, Liệt sĩ Thích Thanh Mùi

Đau lòng trước cảnh mất nước, người dân đói khổ lầm than, sư Thích Thanh Mùi đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1949, ông được Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh cử về chùa Phù Sa (xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vừa hoạt động cách mạng, vừa lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc huyện và được cán bộ, nhân dân nuôi giấu, bảo vệ bí mật tại cơ sở chùa Phù Sa. Chi bộ chuẩn bị đưa ông ra hoạt động công khai thì tháng 10/1950, giặc Pháp càn, bao vây chùa và bắt được ông tại hầm bí mật trong chùa.

Kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn tàn độc nhưng ông bình thản một mực không khai báo, vẫn tụng kinh niệm Phật. Vì không khai thác được thông tin từ nhà Sư, thực dân Pháp sát hại sư Thích Thanh Mùi ngay gần chùa, thị uy trước đông đảo nhân dân để hòng làm quần chúng sợ hãi. Chứng kiến sự can đảm và anh dũng ấy, nhân dân càng thêm tôn kính tấm gương hy sinh của sư Thích Thanh Mùi và căm thù quân xâm lược. Cán bộ và nhân dân chôn cất thi hài ông ở nghĩa trang gần chùa, sau này đưa di cốt về chùa yên vị.

Nhà sư, Liệt si Đỗ Thị Tín

Sư cô Đỗ Thị Tín sinh năm 1907 ở xã Đông Kết (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), một vùng quê nghèo. Đau buồn trước sự bất công của xã hội đương thời, cô Tín gửi tuổi xuân nơi cửa Phật, ngày ngày ăn chay, tụng kinh mong cứu khổ cho dân lành. Sau đó, Sư cô Tín tham gia cách mạng, trở thành Đảng viên và tích cực tham gia hoạt động trong giai đoạn cam go của cách mạng. Khi giặc Pháp đánh chiếm nam Hưng Yên, người ta thấy có thời điểm bà trụ trì chùa Phượng Lâu (xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động), lúc lại chuyển về trụ trì chùa Đại Quan (xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu)…

Ngày 1 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1949), sau khi làm việc với một cơ sở bí mật xã Đông Kết và trở ra đến cổng đình làng, sư Tín bị một tên chỉ điểm ở Đông Kết dẫn lính đồn Lạc Thủy về vây bắt. Mặc dù không bắt được tang vật trên người sư Tín nhưng giặc vẫn đánh đập tàn ác nhà Sư ngay giữa đường, bất chấp sự phẫn nộ của nhân dân. Sau đó, chúng đưa sư Tín về đồn Lạc Thủy, dùng mọi cực hình tra tấn dã man 6 ngày đêm liền, nhưng không khai thác được gì. Biết không khuất phục được tinh thần kiên trung bất khuất của bà, thực dân Pháp hèn hạ thủ tiêu nhà sư Đỗ Thị Tín tại sông Hồng đoạn thuộc địa phận giáp ranh hai xã Đông Ninh – Đại Tập (Khoái Châu).

Nhà sư, Liệt sĩ Thích Thanh Nha

Nhà Sư, liệt sĩ Thích Thanh Nha sinh năm 1913, ở thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Gia Bình, phong trào cách mạng xã Bảo Triện phát triển mạnh, các tổ chức Cứu quốc lần lượt ra đời và hoạt động rất sôi nổi. Chùa làng Phương Triện được chọn làm địa điểm để Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc tổ chức các buổi học tập, khai hội. Là Sư trụ trì chùa, Sư thầy Thích Thanh Nha không quản khó khăn, thiếu thốn, tận tình giúp đỡ Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc. Với tinh thần yêu nước và sự trung thành với cách mạng, tháng 2/1948, ông được kết nạp vào Đảng và được Huyện ủy Gia Bình điều lên công tác tại Mặt trận Liên Việt huyện, tham gia đoàn công tác tại thôn Quỳnh Bội, xã Quỳnh Phú.

Sáng ngày 29/4/1948, quân Pháp càn vào thôn Quỳnh Bội. Chúng tìm được hầm và bắt được 5 người trong đoàn công tác. Chúng sát hại 2 người là Sư thầy Phạm Văn Nha và anh Nguyễn Trung Cầu. Sau năm 1954, hai đồng chí được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và được cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương.

Nhà sư, liệt sĩ Thích Thông Thiết

Liệt sĩ Thích Thông Thiết tên thật là Lê Văn Hải, sinh năm 1905 tại Nông Vụ Trung, tổng Đặng Xá, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay là phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội). Trước năm 1944, Lê Văn Hải được thầy giáo Ngô Văn Đàm, cán bộ của Đảng nằm vùng, giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ đưa thư, rải truyền đơn, bảo vệ cán bộ về địa phương hoạt động. Để che mắt mật thám, ông Lê Văn Hải đi tu ở chùa Đào Xuyên. Trong thời gian này, nhà sư Thích Thông Thiết đã nhiều lần bảo vệ các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo khi về đây họp và chỉ đạo hoạt động cách mạng. Nhà sư Thích Thông Thiết được kết nạp vào Đảng năm 1945 và là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Đại Hưng cuối năm 1946.

Đầu năm 1947, phong trào du kích ở Đại Hưng, Kiêu Kỵ, Bát Tràng, Kim Lan, Đông Dư phát triển. Trước tình hình đó, địch tăng cường lực lượng, xây dựng hệ thống đồn bốt, thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đốt phá, tạo vành đai an toàn cho các mục tiêu. Chúng còn xây dựng mạng lưới mật thám, tề điệp trà trộn vào dân chúng để nắm bắt thông tin về các hoạt động kháng chiến. Trong thời gian này, sư Thích Thông Thiết bị địch nghi ngờ, bắt giam và tra tấn rất dã man nhiều ngày để moi thông tin về các cơ sở kháng chiến, cán bộ cách mạng nằm vùng. Nêu cao khí tiết của người cách mạng, ông nhất mực không khai báo. Do không có chứng cứ, giặc Pháp phải thả Sư cụ. Chờ cho địch, mật thám, tề, điệp bớt theo dõi, ông tiếp tục tổ chức hoạt động in ấn truyền đơn và nuôi giấu cán bộ.

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao Ra đi quyết rửa thù đất nước Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao Ra đi quyết rửa thù đất nước Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Ngày 12/7/1952, do bị chỉ điểm, sư Thích Thông Thiết bị địch bắt lần thứ hai và bị đưa đến giam ở bốt chợ Bún (Đa Tốn). Chúng dụ dỗ, tra tấn bắt phải khai ra những người cùng nuôi giấu cán bộ và in ấn truyền đơn. Nhưng địch đã bất lực trước khí tiết kiên trung bất khuất của nhà Sư. Ngày 5/9/1952, địch đưa Sư cụ ra bốt cầu Đuống xử bắn. Thi hài của Ngài được nhân dân, Phật tử mang về táng tại chùa Đào Xuyên.

Sư thầy, liệt sĩ Nguyễn Xuân Thêm

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa An Điền (xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là nơi hoạt động cách mạng của huyện Nam Sách. Những năm 1945-1946, sư Nguyễn Xuân Thêm cũng tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Ngày 11 tháng 10 âm lịch năm 1946, thực dân Pháp bắt ông tại chùa và mang lên bốt Chi Điền xử tử cùng 7 cán bộ cách mạng. Để tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì sự bình yên của quê hương đất nước, Sư thầy được Nhà nước truy tặng liệt sĩ.

Bồ tát Thích Quảng Đức

Bồ tát Thích Quảng Đức tên thật Lâm Văn Tuất, còn gọi là Nguyễn Văn Khiết, sinh ngày 29/10/1898 tại Khánh Hòa. Để phản đối chính sách cai trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là việc bách hại Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày Đại lễ Phật đản, vào hồi 11h00 ngày 11/6/1963, Ngài đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. HCM).

Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “tình thương” của “hòa bình”, quyết chí tự thiêu? Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ có thể đưa một người bình thường đến chỗ tự tử, thì lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất cũng đã sản sinh những người tử đạo quả cảm nhất lịch sử. Hòa thượng Thích Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đối với quê hương, dân tộc và đạo pháp, Bồ tát Thích Quảng Đức mong cầu: “Ơn Phật gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt; mong hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác; và cuối cùng là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc”. Việc Bồ tát Quảng Đức tự thiêu như ngọn lửa tiếp bước hào khí của các bậc Tăng tài Phật giáo đấu tranh vì nền hòa bình và độc lập của dân tộc Việt Nam.

Nhà sư, liệt sĩ ACHAR SƠN THAL

Achar Sơn Thal sinh năm 1933 trong một gia đình nông dân Khmer nghèo khó. Lớn lên ông đi tu và theo học tại chùa Prây Chóp (xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Ông giảng dạy về giáo lý, truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng cho các nhà sư trong chùa và lãnh đạo chư Tăng, vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ với chính quyền Sài Gòn, nhất là chống bắt thanh niên đi lính ở Sóc Trăng và Bạc Liêu. Địch tìm cách chiêu dụ và cô lập ông nhưng không hiệu quả. Để dập tắt phong trào đấu tranh do Achar Sơn Thal lãnh đạo, địch đã tổ chức ám sát sư Achar Sơn Thal ngày 3/4/1973 sau khi ông dẫn đầu đoàn biểu tình đi đấu tranh trực diện tại dinh Tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu.

Nhà sư, liệt sĩ Thích Giác Lượng

Đại đức Thích Giác Lượng có thế danh là Ngô Sáu, quê ở thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên. Cơ duyên đưa Ngô Sáu đến với cửa Phật là khi được Hòa thượng Thích Hưng Từ, trụ trì chùa Phổ Độ đưa về nuôi. Ở đó, ông tiếp tục được học văn hóa và giáo lý nhà Phật.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm mở nhiều cuộc đàn áp Phật giáo nhưng được sự giúp đỡ của các nhà sư, ông Ngô Sáu bước vào trường Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn) và là một trong những sinh viên miền Nam tham gia xuống đường đấu tranh chống chế độ áp bức của Mỹ – Diệm. Khi trở về Phú Yên, ông Ngô Sáu tu hành ở Hồ Sơn Cổ Tự với pháp danh Thích Giác Lượng. Sau đó, Đại đức Thích Giác Lượng đến xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phát nguyện lập chùa An Hòa. Đại đức lấy việc đời để hướng đạo cho Phật tử nhận diện đâu là chánh, đâu là tà từ những hành động ngang ngược của chính quyền và những kẻ ác ôn, nợ máu cách mạng. Vì vậy, địch đã đặt chùa An Hòa vào tầm ngắm.

Năm 1964, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ mời Đại đức Thích Giác Lượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ thời điểm này, Đại đức rời chùa An Hòa thoát ly lên chiến khu và lần lượt được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ. Trong những chuyến đi thuyết pháp tại ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đại đức Thích Giác Lượng đã tranh thủ vận động chính sách đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi con em binh lính chế độ Sài Gòn làm điều lành, tránh điều ác. Khi chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đang trong giai đoạn chuẩn bị, do chiến trường khu Trung Trung Bộ diễn ra ác liệt, Khu ủy Khu 5 đã điều động các vị nhân sĩ, cán bộ đang tiếp cận vùng đồng bằng về lại căn cứ ở rừng Trường Sơn.

Thực hiện mệnh lệnh trên, Đại đức Thích Giác Lượng từ huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) theo đường rừng sang căn cứ T4 ở miền Tây huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam). Vừa đến trạm liên lạc căn cứ vào đêm 15/11/1967, Đại đức Thích Giác Lượng bị trúng bom máy bay địch bắn phá nên đã hy sinh khi mới 35 tuổi. Tấm gương yêu nước, một lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân, tận tâm, tận lực vì đạo và đời của Đại đức thật đáng trân trọng và được lịch sử tôn vinh.

Để “tri ân báo ân” những nhà sư đã hiến dâng thân mình vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, Đảng và Nhà nước kịp thời truy tặng danh hiệu liệt sĩ và các huân – huy chương cao quý.

Để “tri ân báo ân” những nhà sư đã hiến dâng thân mình vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, Đảng và Nhà nước kịp thời truy tặng danh hiệu liệt sĩ và các huân – huy chương cao quý.

Bốn nhà sư, liệt sĩ người Khmer

Đầu thập niên 1970, Mỹ và tay sai tiếp tục chính sách khống chế không cho tổ chức sinh hoạt Phật giáo, bắn phá chùa chiền bừa bãi, bắt Sư sãi đi lính. Để phản đối chính sách của đế quốc Mỹ và tay sai, sáng ngày 10/6/1974, hơn 2.000 Sư sãi, đồng bào Khmer cùng các giới đồng bào trong quận Kiên Thành, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) biểu tình đòi trả tự do cho các vị Sư bị Ngụy quyền Sài Gòn bắt đi lính, do 4 vị Sư (Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp và Danh Hom) lãnh đạo. Cuộc biểu tình bị đàn áp, 4 vị sư bị địch bắn bị thương và hy sinh. Sự hy sinh cao cả và tấm gương sáng ngời của Tứ vị Danh tăng Đại Hùng Lực là những tiêu biểu cho ý chí cách mạng triệt để và đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Danh thơm tiếng tốt của các Ngài sẽ còn mãi với núi sông và đồng bào Khmer – Việt đời đời nhớ ơn.

Lời kết

Trên đất nước Việt Nam còn có rất nhiều những tấm gương chư Tăng, Phật tử “Vì nước quên thân hiến máu đào”, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, thống nhất nhưng sự hy sinh của những nhà sư liệt sĩ là tấm gương sáng cho các thế hệ sau. Các nhà sư đã tô thắm thêm truyền thống “Hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam; là minh chứng về sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, là hiện thân cho giáo lý nhà Phật trong sáng hòa quyện chặt chẽ giữa đạo và đời, kế tục xứng đáng sự nghiệp phò vua giúp nước của các bậc Thiền sư, Pháp sư, Phật tử từ thời Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần. Họ là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, trung dũng, quyết thắng của nhân dân Việt Nam, đã hòa vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, được lịch sử ghi nhận.

Để “Tri ân báo ân” những nhà sư đã hiến dâng thân mình vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, Đảng và Nhà nước kịp thời truy tặng danh hiệu liệt sĩ và các huân – huy chương cao quý. Chư Tăng và đồng bào Phật tử Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và không ngừng nâng cao ý thức tu tâm dưỡng tính, cùng nhau đoàn kết tụng kinh cầu siêu các vị hòa thượng liệt sĩ đang được đồng bào cả nước thờ cúng và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, nguyện đồng sức, đồng tâm xây dựng đạo Phật ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn thịnh.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lúc đó, chùa Đót Sơn là địa điểm làm Văn phòng của Ủy ban Kháng chiến – hành chính xã từ năm 1945 đến hết năm 1947. Giai đoạn 1947-1950, chùa là cơ sở che giấu một đại đội công an Hải Kiến và là nơi họp của các tổ chức cách mạng.

Tiến sĩ Vũ Trọng Hùng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh