Những người theo Phật
Hàng nghìn Phật tử về Việt Nam Quốc Tự tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Ảnh: Quảng Đạo
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phạm đến luật pháp và đạo đức, là điều cần được tôn trọng.
Đầu tháng 5, tôi và em gái rời Sài Gòn về quê giỗ mẹ.
Bốn năm trước, nhiều chuyện không may liên tiếp ập đến gia đình tôi. Tôi bị trầm cảm, mẹ mất, cả nhà lao đao, khốn khổ trong cơn hoạn nạn. May mắn thay, trong họa vẫn còn có phúc, tôi biết đến Phật pháp và nhờ Phật pháp mà vượt qua được những bi kịch trong cuộc đời.
Đạo Phật mà tôi biết khi ấy khác xa với những gì gia đình tôi biết đến trước đây. Mẹ tôi là một Phật tử, cũng tín tâm, năng đi chùa chiền để cầu Phật, Bồ-tát gia hộ cho gia đình. Nhưng khi nghiệp quả đến, mẹ không qua khỏi. Bao lần tôi ngồi khóc, ước gì mẹ gặp duyên lành để hiểu đúng về đạo Phật thì dẫu có mệnh chung tâm thức mẹ vẫn ít nhiều được an lạc, nhẹ nhàng.
Bệnh của tôi khi đó nặng, chữa trị nhiều nơi, nhiều phương pháp nhưng không khỏi. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đọc cuốn Đường xưa mây trắng của Sư ông Thích Nhất Hạnh do một người bạn giới thiệu. Hiểu được giá trị của đạo Phật, tôi quay về sửa đổi thân tâm, thay đổi thái độ sống, tích cực thể thao, sức khỏe nhờ đó mà cũng dần tốt lên.
Giỗ mẹ lần nào tôi cũng khuyên bố và em gái đừng đốt vàng mã, giết gà hay mua thịt cá về cúng; chỉ cần hoa trái và tâm chân thành, hồi hướng cho người đã khuất. Nhưng em gái và bố tôi vẫn quan niệm “trần sao âm vậy”, “có thờ có thiêng” và “gia tiên bao đời nay vẫn thế” nên không đồng ý thay đổi.
Tôi đem chuyện gia đình kể với một vị sư. Thầy cười, cho biết thầy đi tu bao năm mà người thân ở quê vẫn chấp tín, tin Phật và Bồ-tát như những thần linh có khả năng ban phước, giáng họa cho chúng sinh. Trong khi đức Phật là con người lịch sử đã từ bỏ địa vị, danh vọng, vật chất. Cớ sao Phật tử lại tìm đến Ngài để cầu lộc, cầu tài, cầu những thứ mà Ngài đã buông bỏ?
Sau lần trò chuyện đó, tôi hiểu cần phải tôn trọng tự do, tín ngưỡng vì mỗi người có một nhân duyên khác nhau. Nên chú trọng sửa mình thay vì đi sửa người. Trong mối quan hệ gia đình, tôi đã nhầm lẫn giữa vị kỷ và vị tha. Vị tha là yêu thương không có điều kiện còn vị kỷ là yêu thương theo ý của mình – một cái “tôi” to đùng. Bản thân tôi còn sống với cái “tôi” to đùng, còn có lúc buông lung, phóng dật thì sao lại muốn thay đổi người khác. Như thế là quy y bản ngã chứ không phải quy y Tam bảo.
Quy y tam bảo không hẳn chỉ là quy y Phật Thích Ca hay trung thành với một vị thầy, một ngôi chùa cụ thể nào đó. Quy y Phật chính là quay về đức tính từ bi, trí tuệ của chư Phật vốn có sẵn trong mỗi người, chủ yếu là:
Không làm các việc ác
Nên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.
Sau khi khỏi bệnh, tôi mến mộ đạo Phật, có lúc trở nên quá nhiệt tâm. Đầu năm 2020, tôi gọi điện cho người bạn trong xóm, vốn là một tu sĩ, để nói về ý định xuất gia và lên kế hoạch bộ hành từ Việt Nam qua Lào, Myanmar đến Ấn Độ để tạ ơn Đức Phật. Người bạn khuyên tôi không nên xuất gia vì còn có gia đình, thay vào đó có thể báo ơn Phật bằng cách sống cho tốt.
Nửa năm sau, bạn tôi cũng hoàn tục. Bạn thành thật chia sẻ bản thân còn ái dục nên quyết định xả y. Bạn nói chỉ nên xuất gia khi thấy mình không còn phù hợp với đời sống thế tục. Còn xuất gia với mục đích “từ bỏ ngôi nhà nhỏ để vào ngôi nhà lớn” hưởng sự cúng dường thì sẽ không đi trọn đường đạo.
Từ đó, tôi bỏ ý định đi tu của bản thân và vẫn tôn trọng quyết định của những người xuất gia khác. Tôi hiểu mình vẫn có thể là một Phật tử tại gia, không cần buông bỏ công việc hay trách nhiệm với gia đình, xã hội. Cái cần phải buông bỏ chính là thái độ lăng xăng, sân hận, bất mãn với hoàn cảnh. Nếu không, những trạng thái khó chịu, mê muội này sẽ “luân hồi” ngày này qua tháng nọ khiến cho đời sống mỗi người thêm nhiều phiền não.
Những ngày này, tôi chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về tín ngưỡng và những cách tu tập, hành trì khác nhau. Tôi không có câu trả lời, chỉ biết tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phạm đến luật pháp và đạo đức, là điều cần được tôn trọng. Nhưng Đức Phật cũng từng căn dặn Tăng chúng “phải lấy giới luật làm thầy” và “tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”.
Và không nhất thiết phải xuất gia, những người dũng cảm đối mặt với thực tại, sống phụng sự và biết tu sửa thân tâm ngay giữa những bất toại nguyện của đời sống cũng chính là những Phật tử thuần thành.
Bùi Võ, Điều tra viên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao
(Theo VnExpress)