Những người Thầy khả kính
Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Nhưng thật ra không phải sự hy sinh nào cũng đem đến thành công. Bởi lẽ người xưa có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Con người cũng vậy. Mỗi người mỗi bản chất khác nhau, không ai giống ai. Có người hiền lành thông minh, kẻ lại ngu đần hư hỏng. Binh pháp Tôn Tử có dạy: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Muốn cảm hóa được người, trước hết ta phải hiểu được bản chất của người rồi mới sử dụng các phương thức khác nhau.
Trong đạo Phật cũng thế, mỗi vị Thầy lại có cách dạy dỗ và nuôi nấng đệ tử khác nhau. Nó cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài. Có chỗ thiếu thốn vật chất nhưng lại giàu tình thương, có chỗ vật chất đầy đủ nhưng tình thương lại thiếu hoặc nếu phước báu hơn, là chỗ vừa đầy đủ tình thương lại giàu vật chất.
Khi anh em tôi mới xuất gia còn là chú tiểu, bổn sư tôi rất khó khăn, luôn khắt khe về mọi thứ. Chỉ cần nhìn thấy bóng Ngài từ xa, chúng tôi đã tìm đường né đi chỗ khác, kể cả xá chào cũng cảm thấy rụt rè. Sự la mắng đối với tôi đã không còn xa lạ. Đôi lúc, anh em tôi cũng có những câu hỏi thắc mắc: “Tu hành sao mà khó khăn như vậy?”. Và cũng chính vì sự khó khăn, ép mình vào khuôn khổ của giới luật, cho nên cũng có mấy huynh đệ đành phải trở về với cuộc sống thế tục. Kinh nghiệm từ bản thân, tôi thấy tu hành chân chính đã khó, huống là làm Thầy của thiên hạ, chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhưng, việc gì cũng phải có giá của nó. Sự hy sinh đánh đổi to thì kết quả gặt được cũng phải có giá trị thượng đẳng.
Sở dĩ đất đọng bùn hôi nên mới tạo ra được loài hoa sen thanh khiết, con người phải trải qua gian nan thử thách mới biết được ai là kẻ tài năng, ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay. Hay như câu nói của Sư Phụ Hoằng Pháp: “Từ bùn sen nở, từ khổ người tài”.
Khi không hiểu được mục đích của Thầy, chắc mình sẽ suy nghĩ sao Thầy lại la mắng như vậy, mình có làm gì sai? Và nếu không chấp nhận được những việc trớ trêu như vậy, sau này khi phải đối diện với cuộc đời đầy sóng gió mà sức chịu đựng của mình quá yếu kém, thì chắc chắn chúng ta sẽ dễ nản chí, sinh ra tâm bất mãn, mất hết niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng nếu suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, mọi chuyện sẽ khác. À! Thầy đang rèn luyện đức tính chịu đựng, kham nhẫn cho mình, không cho cái “ngã” có cơ hội phát triển thì lúc đó mình tự dưng biết thương Thầy. Điều thiết yếu nhất của một người tu đó là sức chịu đựng. Trong sáu pháp Ba-la-mật của một vị Bồ-tát thì đó chính là hạnh nhẫn nhục.
Đức Phật dạy có tám sức mạnh trên cuộc đời, trong đó sức mạnh của một vị tu hành đó là nhẫn nhục. Thầy đang rèn cho tôi đức tính đó. Hằng ngày, tôi sống chung với bốn quyển luật của người mới xuất gia, ngoài ra không được đọc kinh sách gì nhiều. Nghiền ngẫm từng bài kệ trong luật, tôi mới thấy sự suy nghĩ sai trái của mình đối với Thầy.
Khi tôi được Thầy đưa đi các trường Hạ an cư để tập làm những công việc của những người hành điệu, từ cách đứng hầu Thầy như thế nào, rồi rót nước, dọn cơm, xoa bóp, dọn vệ sinh v.v… để thấy rằng, mình rất nhỏ bé trong chùa, không cho bản ngã có cơ hội tăng trưởng và phát triển. Trong luật Sa-di có dạy: trước phải học luật, sau rồi mới học kinh, muốn đọc sách gì phải bạch Thầy rồi mới được đọc. Sa-di mà việc chính chưa xong thì không được làm những việc khác.
Khi tôi được vào Tổ đình Hoằng Pháp nương tựa để học, tôi thấy rằng môi trường này hoàn toàn mới lạ, từ cách thức sinh hoạt cho đến những thứ mà tôi đã được học ở các ngôi chùa khác. Sư Phụ lại có cách dạy đệ tử riêng. Đồ chúng của Thầy rất đông. Có lẽ rằng cách dạy của Thầy phù hợp với mọi người chăng?
Vốn dĩ là một người đứng đầu Tăng chúng, nhưng luôn lấy thân giáo để cảm hóa đệ tử. Có những lúc Thầy bệnh mà cũng không chịu nằm, vì sợ đại chúng lạm dụng bắt chước làm theo. Quả là sức chịu đựng phi thường. Đôi lúc, con nghĩ hay là khi xưa Thầy được Sư Tổ rèn luyện cho đức tính chịu đựng bền bỉ như vậy? Đệ tử của Thầy rất đông, cho nên trong đó giỏi cũng có mà những vị làm cho Thầy buồn cũng nhiều. Từ những việc nhỏ nhặt cho đến to tát, con chưa thấy Thầy có biểu hiện sân si, Thầy cũng không la mắng, oán trách. Luôn ôn tồn, điềm tĩnh, dùng lời lẽ nhẹ nhàng dạy bảo khuyên răn. Đức tính nhẫn nhục này Thầy đã có sẵn, hay là được sự yêu thương của Sư Tổ truyền trao, mà lại được như ngày hôm nay? Thật tuyệt vời đối với một vị Thầy. Thầy không khó khăn, mà khó hay không thì do tự mỗi người cảm nhận.
Lấy lục hòa để dạy đệ tử, mọi người cùng nhau ăn cơm, cùng tu học, cùng làm việc, cùng nhau phát triển giáo pháp của đức Phật. Thầy luôn dạy đệ tử phải nằm lòng bốn quyển luật rồi mới thọ giới lớn. Khuyến khích mọi người đọc sách, hiểu thêm về lịch sử phát triển của đạo Phật. Đó thật sự là việc làm lợi ích, vì đọc nhiều kinh sách sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc tu tập của mình. Và khi thật sự hiểu được những lời đức Phật dạy, kèm theo sự thực hành đúng thì những cái gọi là ngã mạn hay tự cao sẽ không có cơ hội phát triển. Có những người học mà không hành nên đi sai đường, lạc vào hố sâu trí thức, tỏ ra khinh khi xem thường người không hiểu biết, dần dà rớt vào địa ngục mà chẳng hay.
Dù cách sinh hoạt mỗi chùa có sự khác biệt, nhưng quý Ngài luôn dạy đúng theo tinh thần của đạo Phật. Bởi lẽ, không có Thầy nào muốn đệ tử mình trở nên hư hỏng, vô minh. Đệ tử giỏi thì bậc làm Thầy cũng được hãnh diện trong tương lai. Mong rằng những đóa hoa Vô Ưu lại sớm nở bừng trong khu vườn chánh pháp.
Trí Thông