Những điều kiêng kỵ tháng cô hồn bạn cần hiểu đúng

Tháng cô hồn theo quan điểm dân gian là tháng của ma quỷ, không đem lại điều may mắn, tốt lành. Chính vì thế, người ta thường truyền tai nhau về rất nhiều những điều kiêng kỵ trong tháng này. Vậy thực hư về tháng 7 cô hồn này như thế nào? Những điều kiêng kỵ trên là đúng hay sai?

Cô hồn là gì?

“Cô” là cô đơn, cô độc; “hồn” là vong hồn, linh hồn, vong linh. “Cô hồn” chính là vong linh cô đơn, cô độc. Bởi người chết ra đi một mình chẳng ai đi cùng họ cho nên gọi là cô hồn.

Tháng cô hồn là tháng mấy?

Theo quan điểm trong dân gian, tháng cô hồn là tháng 7 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên theo quan điểm của Phật giáo không có cái gọi là tháng cô hồn, tháng bảy âm lịch chính là tháng đẹp nhất trong năm – Vu lan báo hiếu. Rằm tháng bảy có 2 lễ lớn đó là lễ Vu Lan và lễ xá tội vong nhân. Đức Phật dạy các Phật tử rằng muốn báo hiếu bố mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và làm lễ xá tội vong nhân để cúng cho linh hồn đang còn vất vưởng không nơi nương tựa.

Quan điểm về tháng 7 cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện Tôn giả Mục Kiều Liên cứu mẹ

Quan điểm về tháng 7 cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện Tôn giả Mục Kiều Liên cứu mẹ

Những điều kiêng kỵ tháng cô hồn bạn cần hiểu đúng

Vì dân gian quan niệm rằng tháng 7 là tháng cô hồn, người âm người dương sống lẫn với nhau, cho nên họ phải cảnh giác, kiêng kỵ nhiều thứ. Có thể kể đến một số điều như sau:

– Thứ nhất, kiêng không đi chơi đêm trong tháng cô hồn vì sợ đi chơi đêm gặp phải các vong hồn vất vưởng theo về nhà, bám vào mình cho nên sẽ nguy hiểm.

– Thứ hai, không nên phơi quần áo vào ban đêm vì sợ ma quỷ sẽ mượn quần áo của mình để mặc hay vẽ vời lên trên đó khiến quần áo ố và phai.

– Thứ ba, không được gào thét, gọi tên nhau giữa đêm khuya vì gọi như vậy ma quỷ nhớ được tên, nó sẽ đi theo mình.

– Thứ tư, không được tùy tiện đốt vàng mã. Bởi người ta sợ vong linh sẽ bu bám vào người mình vì tháng này ma đói, quỷ đói đi lang thang rất nhiều.

– Thứ năm, không được ăn vụng đồ khi cúng cô hồn vì rất nhiều cô hồn đến, lấy đồ của họ thì họ sẽ tức, họ sẽ hại mình.

– Thứ sáu, không được đứng gần cây đa, cây đề. Vì “quỷ ở gốc đa, ma ở gốc đề” cho nên tháng này cô hồn bám vào gốc cây đa, cây đề nhiều, đứng vào đấy là nó bám theo mình.

– Thứ bảy, không được treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ gọi ma, gọi quỷ đến.

– Thứ tám, không được nhổ lông chân ở trong tháng cô hồn vì một sợi lông chân thì quản lý ba con quỷ cho nên nếu nhổ lông chân thì cô hồn sẽ bị xui xẻo, nó sẽ hại mình, công việc làm ăn không được tốt.

– Thứ chín, không được đi bơi lội ở trong tháng cô hồn vì sợ cô hồn cũng đi bơi, nó xuống nước thấy mình bơi thì nó dìm mình.

– Thứ mười, không được dọa người. Dọa người khiến cho người sợ hồn bay, phách lạc thì vong hồn sẽ bắt hồn của người ta.

– Thứ mười một, không được đến chỗ vắng vẻ và đi đến chỗ vắng vẻ không được quay trở lại nhìn đằng sau vì nếu nhìn đằng sau thì sẽ có ma quỷ rủ về cõi âm.

– Thứ mười hai, không được thức khuya. Vì thức khuya thì cơ thể suy nhược cho nên rất dễ bị quỷ nhập vào.

– Thứ mười ba, không được nhặt tiền rơi ở trong tháng cô hồn. Vì tiền đã rơi ra ngoài đường là cô hồn cũng đã bám vào, mình nhặt tiền là cô hồn đi theo về nhà.

– Thứ mười bốn, không được mài dao, mài kéo vì sợ cô hồn đến nghĩ sắp sửa có gì để ăn hoặc cô hồn nhập vào con dao cái kéo, nó sẽ tác động làm cho mình sinh ra tâm ác.

– Thứ mười năm, không nên ký những hợp đồng lớn hay những việc lớn như cưới hỏi, chuyển nhà, xây nhà, cất nóc, đào móng,…

– Thứ mười sáu, không được thề thốt trong tháng này vì khi thề thốt có vong hồn đứng nhìn thấy sẽ đi theo để chứng kiến thề có đúng không, nếu mình làm sai thì vong hồn sẽ phạt.

– Thứ mười bảy, không mua xe cộ, không được cắm đũa vào bát cơm vì cô hồn tưởng là cúng cơm cho nó.

– Thứ mười tám, không chụp ảnh vào ban đêm. Vì sợ ma quỷ thích chụp ảnh, nó sẽ ra ghé vào chụp chung với mình.

Và còn rất nhiều những điều kiêng kỵ khác nữa…

Đốt vàng mã cho người đã mất là quan niệm không đúng, không đem lại lợi ích

Đốt vàng mã cho người đã mất là quan niệm không đúng, không đem lại lợi ích

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà Phật thì những điều kiêng kỵ trên hoàn toàn không đúng. Bởi tháng 7 không phải là tháng cô hồn được ra khỏi địa ngục và đi lang thang. Ngày xá tội vong nhân không phải là vong nhân được ra khỏi địa ngục và đi tự do trên trần gian.

Cô hồn hay cõi ngạ quỷ thì lúc nào cũng có, tháng nào cũng có và như trong kinh Đức Phật dạy thì ở chỗ nào cũng có quỷ thần.

Tuy nhiên, có một vài điều kiêng kỵ là đúng, ví dụ thức khuya là không nên, nửa đêm mà gọi nhau í ới, ầm ĩ là không nên. Đốt vàng đốt mã là không nên. Và trong tháng 7, chúng ta vẫn có thể tổ chức cưới hỏi, cất nóc, đào móng, hay xây nhà, mua xe, khởi công, lập nghiệp bình thường, không phải kiêng kỵ.

Vậy điều chúng ta cần phải kiêng kỵ ở đây là gì? Đó là không làm việc ác, thay vào đó, chúng ta làm các việc tốt lành.

Đối với người dân Việt Nam, theo truyền thống, tháng 7 là tháng Vu Lan báo hiếu, là tháng chúng ta nhắc nhau nhớ về tâm hiếu. Nếu còn cha, còn mẹ thì chăm sóc, báo hiếu cha mẹ thật tốt, giúp cho cha mẹ biết đến Phật Pháp, quy y Tam Bảo. Còn nếu cha mẹ, ông bà đã mất thì con cháu  đến chùa thiết lập trai đàn, hoặc cúng dường chúng Tăng, lấy phước báu hồi hướng cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ đã quá vãng thì được rất nhiều phước báu.

Và chúng ta nên nhớ, khi chúng ta sống tốt, làm việc tốt, ba nghiệp thiện lành, thì chắc chắn không có vong hồn, ác quỷ nào ác hại chúng ta được. Chúng ta sẽ được Thiện Thần hộ trì. Cho nên, dù là tháng 7 hay không phải là tháng 7, chúng ta sống thiện, hành thiện, tu tập thật tốt ba nghiệp thân – khẩu – ý thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp, được chư Thiên, chư Thần hộ trì.