Những củ khoai xâm

Ảnh minh họa

Chúng tôi chạy từ con đường xóm, qua mấy bờ cỏ rồi tìm đến những vồn khoai đã bới xong từ mấy hôm trước. Chúng tôi nhảy từ vồn đất này qua vồn đất khác tìm những mầm khoai vừa nhú lên từ đất, màu tím non nhấp nháy dưới ánh nắng mùa thu. .

Hôm qua, ngồi với người bạn học, nghe hắn tâm sự giọng hơi buồn: “Ở làng tau răng bữa ni ít người trồng rứa mi ơi. Biết mùa ni là mùa nông nhàn, nhưng chỉ là nông nhàn ngoài ruộng sâu khi mưa lụt về bất chừng; chơ vườn nhà thì vẫn gieo hạt được, cắm ngọn rau được chơ. Rứa mà chừ về làng chơi, ngày thì nhìn ra vườn tược chỉ toàn cỏ mọc, đêm xuống toàn nghe tiếng nhạc karaoke. Làng quê chừ có nhà cửa khang trang hơn, sân nhà mô cũng nhiều hoa giấy đủ màu. Chỉ có điều thiếu màu xanh của rau trái… Mà mi nhớ mấy vồn khoai vụ trái khôn rứa?”.

Khoai vụ trái thì tôi nhớ bởi những vồn khoai gắn liền với một thời thật vui của tuổi thơ tôi. Tất nhiên, đã mấy chục năm xa làng nên tôi không nhớ rõ những vồn khoai vụ trái được cắm ngọn xuống đất trồng vào tháng mấy, chỉ nhớ khi những cơn mưa bắt đầu kéo dồn dập, nước sông Ô Lâu dâng tràn trắng bờ đê, ngập trắng cánh đồng Hàn Án trước mặt xóm tôi, báo hiệu sắp có một trận lụt là ba mạ tôi cùng với những nhà trong xóm vác cuốc, cầm liềm, quẩy đôi triêng gióng với hai chiếc thúng to đi bới khoai chạy lụt.

Nói là khoai vụ trái, nhưng củ mô củ nấy cũng to đều không thua chi khoai chính vụ. Nước ngập mấp mé vồn khoai nên ba mạ cứ dùng liềm cắt thân, cuốc đất đào khoai lên, việc của anh em chúng tôi là chao những củ khoai luôn cho sạch và cho vô thúng. Những dây khoai, ngọn khoai thì cứ để lại cho trâu bò trong làng làm thức ăn. Những gánh củ khoai về các nhà trong xóm đổ lăn lóc trên nền nhà đất sét, ăn dần qua những ngày mưa tháng gió, có khi để đến cả mấy tháng…

Nhưng nhớ những củ khoai vụ trái là nhớ những củ khoai ăn rất ngon đó là những củ khoai bị xâm. Cứ mỗi lần mạ luộc khoai ra, thằng bé vốn rất ghét ăn khoai lang như tôi vẫn mong bắt được một củ khoai xâm để vừa ăn vừa hít hà cái vị rất lạ của củ khoai này. Khoai xâm là những củ khoai bị dầm trong nước nhưng chưa bị hư thối, ruột khoai có những vết màu sẫm. Khoai xâm luộc lên có mùi thơm khác lạ và ăn không bị nghẹn. Nói chung khoai xâm là những củ khoai ngon lạ không chỉ với tôi mà với rất nhiều người… Bây giờ, mỗi lần nhắc lại những món ăn thời khó của làng tôi một thuở, thế hệ chúng tôi đứa mô cũng tấm tắc về hương vị củ khoai xâm mùa mưa gió.

Có những ngày trời mưa dài và đều khá hiền lành, chưa đủ nước để gây ra lũ lụt. Đó có thể coi là những ngày mùa thu dễ chịu nhất của xứ Huế lắm mưa nhiều nắng. Những vồn khoai cũng đã được người làng tôi bới xong rồi chỉ còn những vồn đất trống. Mưa tràn trề trong làng ngoài ruộng, rồi mưa tạnh, nắng lên, lũ con nít xóm Kế của tôi hú gọi nhau ra cánh đồng trước mặt làng đi mót khoai. Đi mót khoai cũng chỉ là một cái cớ để lũ trẻ chúng tôi đùa vui với nước, với cánh đồng làng, với những trò chơi của trẻ quê chứ nhà mô nhà nấy khoai củ đầy ra đó, nấu ra không ăn hết mà.

Chúng tôi chạy từ con đường xóm, qua mấy bờ cỏ rồi tìm đến những vồn khoai đã bới xong từ mấy hôm trước. Chúng tôi nhảy từ vồn đất này qua vồn đất khác tìm những mầm khoai vừa nhú lên từ đất, màu tím non nhấp nháy dưới ánh nắng mùa thu. Có khi chúng tôi đào được những củ khoai to còn sót lại rồi cứ để lại một đống củ khoai trên bờ cỏ. Mót khoai xong, chúng tôi rủ nhau chơi trò phi thân, nhảy từ vồn đất này qua vồn đất khác. Vui nhất là có khi đã mệt, nhảy không qua được vồn đất bên kia rứa là rơi ùm xuống rãnh nước sâu, ướt mẹp cả áo quần… Rồi cũng chẳng đứa nào để cho áo quần khô cả, khi nắng lên cao cả bọn đều nhảy ùm xuống nước để cùng ướt mà nô đùa với nhau.

Mà đã là trẻ quê hồi đó, ai chẳng một vài lần nhảy không qua, ai chẳng một vài lần rơi ùm xuống nước để người ướt như chuột lột, ai chẳng một vài lần lên cơn cảm sốt vì mưa vì nắng… Mà trẻ con có cái hay hơn người lớn là thích thì cứ chơi thôi, chẳng biết phân vân chi cả. Bởi khi lớn lên rồi, chỉ cần một bước chân là nhảy qua bờ nhưng chẳng có người lớn nào ra đồng, xuống sông chỉ để mà chơi…

Phi Tân/Báo Giác Ngộ