Những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền giữa biển khơi

9 ngôi chùa hình thành từ những miếu, am thờ hay những tượng phật nhỏ của ngư dân Việt Nam dựng lên tại quần đảo Trường Sa từ xa xưa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là những cột mốc chủ quyền trên biển của Tổ Quốc.

Từ xa xưa, trên quần đảo Trường Sa, những ngư dân Việt đi đánh cá đã dựng lên những ngôi miếu, am thờ, hay những bức tượng Phật nhỏ để cầu trời, phật phù hộ cho những chuyến đi biển được bình yên. Trên cơ sở đó, hiện nay 9 ngôi chùa đã được trùng tu, phục dựng ở các đảo:  Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Trường Sa Đông và Trường Sa.

Chùa được xây dựng trên một số đảo ở quần đảo Trường Sa cũng giống như chùa xây dựng trên đất liền, kiến trúc bằng gỗ kết hợp với gạch ngói là chủ đạo, mỗi ngôi chùa trên đảo đều có sư trụ trì.

Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là chính điện đều hướng ra biển Đông, nhìn về thủ đô Hà Nội, có kiến trúc đậm nét truyền thống Việt, với số gian lẻ (thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái), với hệ mái cong, sử dụng nhiều loại gỗ quý,… các ngôi chùa trên đảo đều có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa được trùng tu, tôn tạo như những cột mốc văn hóa, tâm linh góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn (Huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). 
Tất cả hệ thống tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ tại các chùa trên quần đảo Trường Sa đều được in Quốc huy của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. 
Chùa Vinh Phúc nằm sát mép bờ biển trên đảo Phan Vinh (Huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Chùa Vinh Phúc cùng với 8 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa được hình thành từ những dấu tích của những ngôi miếu nhỏ, tấm bia, tảng đá cổ mà ngư dân Việt từ bao đời trước đã dựng nên nơi đây. Trong những chuyến hải trình đầy bão tố khai thác hải sản, sản vật, ông cha chúng ta đã tạo lập nơi linh thiêng để cầu cho sóng yên bể lặng, mưu sinh bình an. Nơi ấy giờ đây đã được thay thế bởi sừng sững những ngôi chùa uy nghiêm, những cột mốc tâm linh giữa biển khơi.
Chùa Song Từ Tây, đảo Song Tử Tây cũng như những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa nhiều năm qua đã đón hàng nghìn lượt khách, các phật tử và nhân dân trong cả nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt là các ngư dân trên biển đã đến tránh trú bão trên các ngôi chùa này. 
Những  nhà sư hiện diện nơi đây thực hiện sứ mệnh gìn giữ, dọn dẹp không gian ngôi chùa, giữ gìn, bảo vệ hệ thống tượng phật, giữ gìn các nghi lễ Phật giáo, thường xuyên tụng kinh, niệm phật theo quy định của tổ chức tôn giáo…
Chùa Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn rợp bóng mát với những cây phong ba, cây bồ đề được trồng trong sân chùa.
Những bức tượng bằng đá trong chùa có thể trường tồn cùng thời gian như những vật liệu gỗ, ngói làm nên hình bóng ngôi chùa lại khó chống chọi với thiên nhiên quá ư khắc nghiệt ngoài biển đảo, nên dù khó khăn, vất vả nhưng những ngôi chùa ngoài đảo xa vẫn luôn nhận được quan tâm, tiến hành tu bổ, chống mối mọt, hư hại. 
Chùa Nam Huyền, đảo Nam Yết cùng chung đặc điểm như những ngôi chùa khác trên huyện đảo Trường Sa cũng nằm hướng ra biển, hướng về Thủ đô Hà Nội.
Ngày 23-6 đến ngày 5-7-2022 vừa qua đoàn công tác số 10 do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phối hợp Quân chủng Hải quân, Hội đồng Trị sự GHPGVN, đại diện lãnh đạo chính quyền, ban ngành và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An… đã có chuyến ra thăm, làm việc và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Trong dịp này, đoàn đã tổ chức dâng hương thăm viếng 6 ngôi chùa trên quần đảo và long trọng tổ chức lễ khánh thành ba ngôi chùa mới hoàn thành việc khôi phục, xây dựng tại các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A.
Chùa Sơn Linh nằm trên đảo Đá Tây A cũng như những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa dù quỹ đất hạn hẹp nhưng chùa nào cũng có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông. Cấu trúc thường bố cục chữ Đinh (丁)  với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, không lẫn với bất kể chùa nào của các nước châu Á. 
Tất cả hệ thống tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. 
9 ngôi chùa trên 9 đảo của huyện đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn) được tôn tạo, phục dựng (trong đó khánh thành 03 ngôi chùa được tu bổ, phục dựng: chùa Sinh Tồn Đông, chùa Đá Tây A và chùa Trường Sa Đông) với cấu trúc tổng thể, phong cách kiến trúc, dáng dấp, tỷ xích, cảnh quan thuần Việt, công trình hài hòa với cảnh quanh cây xanh. (Trong ảnh là buổi Lễ khánh thành chùa Sinh Tồn Đông, đảo Sinh Tồn Đông).
Toàn cảnh chùa Sinh Tồn Đông với mặt hướng ra biển.
Chùa Trường Sa Đông nằm trên đảo Trường Sa Đông mới được khánh thành.
Lễ khánh thành tại chùa Trường Sa Đông.
Cổng vào chùa Đá Tây A mới được khánh thành trên  đảo Đá Tây.
Chùa Đá Tây A cùng những ngôi chùa trên các đảo tiền đồn nơi Trường Sa chính là cột mốc tâm linh, làm điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo, nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. 

Nguyễn Phú Đức