Những cơn mưa trong đời
Mùa mưa tới, ta lại nghe thấp thoáng đâu đó những tiếng mưa rơi lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội…và chủ đề mưa cũng là chủ đề cho biết bao nhiêu nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn muôn thuở gửi trao tâm hồn mình vào bài hát, câu thơ…
Những cơn mưa trong đời có thể là: Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ, làm sao em biết bia đá không đau? hoặc: Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm…hay “mưa rừng ơi, mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên”. Những cơn mưa đầu mùa thường làm em ướt áo, những cơn mưa đầu mùa thường làm cay mắt nhau là vậy.
Nhưng đến với kinh điển và giáo lý nhà Phật, những cơn mưa đó đều có cơn, đều tạnh. Riêng chỉ có cơn mưa tình ái, cơn mưa của sự tham dục thế gian là vẫn cứ đều đều rơi rớt trong tâm hồn con người ta, không bao giờ tạnh, chỉ có nhiều hay ít mà thôi. Và cơn mưa tình ái đó được Phật dạy trong bài kệ sau: “Như mái nhà vụng lợp, Mưa liền xâm nhập vào. Cũng vậy tâm không tu, Tham dục liền xâm nhập.”
Chuyện thường của thế tục thì luôn là những rào cản mà người tu tập và bước đi trên con đường hướng về Giác Ngộ đều phải diệt trừ. Vì sao vậy? Vì tu là đi ngược dòng đời và sửa lỗi của chính mình mà ! Ta phải chấp nhận mà đi thôi, không có con đường nào khác được, còn không thì ta vẫn có quyền lựa chọn việc trôi lăn ngụp lặn trong bể luân hồi vô tận này để chìm đắm vào những cơn mưa tình ái của thế tục, những tội lỗi , những khổ đau loạn động…Và vì tu là đi ngược dòng đời như thế, đặc biệt với người cư sĩ tại gia, luôn phải đối mặt với bao nhiêu điều kiện thuận lợi của cám dỗ, những lời ngọt ngào vẫy gọi của ngũ dục, đắm nhiễm và truy hoang. Do đó mà người cư sĩ tại gia phải luôn luôn chuẩn bị cho mình những vật liệu tốt và kĩ năng tốt để lợp nhà cho kỹ như lời Phật dạy ta. Vật liệu lợp nhà như là những công hạnh của ta phải hoàn thiện để kiểm soát việc tham ái của ta…rồi dần dần công hạnh và công phu tu tập ta sâu dày, ta sẽ tắt luôn cơn mưa tình ái tùy miên lúc nào cũng rơi qua tâm hồn yếu ớt mỏng manh của mình.
Những hành trang ta cần trang bị cơ bản và quan trọng nhất là lòng tôn kính Phật vô biên và tuyệt đối, kế đó là những lời phát nguyện, sám hối, đem công sức gây tạo lợi ích cho chúng sinh với tâm thế hư vô và thương yêu, quán từ bi và quán mình như bụi rác có khả năng khống chế được tham dục ngay khi nó vừa phát khởi rồi ta phải dụng công ngồi thiền để diệt trừ lỗi lầm, những triền cái, kiết sử thâm trầm trong tâm thức. Mái nhà, Phật ví như tâm của chúng ta vậy. Nếu như không được gia cố, khéo léo dùng chất liệu của Chánh Pháp lợp lên thì mái nhà đó Phật ví như là “như cây yếu run rẩy trước gió”. Vậy nếu tâm ta còn quá nhiều ái luyến, xao động mà đặc biệt với người cư sĩ cứ nghĩ việc đó là chuyện thường tình của thế tục mà cứ đắm vào…thì ta hãy nhớ bài kệ mà Phật quở, chê trách để ta bừng tỉnh mà quay lại quán từ bi, trải tâm khiêm hạ tột cùng như cỏ rác để mà khống chế ngay cơn mưa tình ái triền miên rơi lên tâm ta không biết bao nhiêu kiếp trong nẻo luân hồi khổ đau.
Những cơn mưa trong đời nhè nhẹ như tiếng đàn, du dương đánh thức nghiệp ái tùy miên để đưa con người ta vào vòng ái ân mà Phật thì quở ta như cây yếu run rẩy trước gió là vậy! Vì vậy, ta cần trang bị hành trang cho nội tâm của mình được thêm vững mạnh trước nó, là lòng tôn kính Phật vô biên, công đức, sám hối, quán từ bi và quán khiêm hạ và công phu thiền định. Để tâm hồn ta không như mái nhà vụn lợp mà bị những cơn mưa tình ái xâm chiếm làm chủ, chèo lái cuộc đời ta đi vào con đường đọa lạc trôi lăn nữa. Mà nếu có phải nhìn những cơn mưa trong đời, ta sẽ nhìn nó qua ô cửa Đạo mà hát rằng: “ngồi nhìn mưa rời khắp đất trời, nguyện lòng thương yêu khắp nơi nơi!”