Những chiếc xe hoa trên phố
Ảnh minh họa
Những đợt lá sấu vàng trút xuống mặt đường, lẫn vào trong nước. Dòng người lướt vội, không nhìn rõ mặt ai, không biết là đàn ông hay đàn bà, vì tất cả đã giấu mình sau tấm áo mưa xanh đỏ.
– Vào đây trú mưa, khỏi uống nước cũng được! – Cô bán nước ở ngã ba Phan Đình Phùng và phố Lý Nam Đế í ới gọi.
Tôi không từ chối, gật đầu chào cô rồi đứng co ro dưới chiếc ô cũ màu mận chín che cả cái hàng nước nhỏ của cô.
Nắng hay mưa ở thành phố này cũng đều thú vị. Tôi không hiểu nhiều về nơi này, mặc dù tôi đến đây cũng đã hai, ba lần, đi công tác hoặc đáp sân bay rồi đi xe về các tỉnh lẻ lân cận. Lần này, tôi quyết định ở luôn một tuần để trải nghiệm. Tôi không có nhiều bạn, cũng không muốn làm phiền họ hay kéo họ vào cuộc dạo chơi của một kẻ ngớ ngẩn vừa mất việc ở phương Nam. Hiệp đón tôi, chở tôi đi chơi, “thuyết minh” cho tôi từng địa danh, từng tên gọi phố phường. Những lúc Hiệp bận bịu, tôi cuốc bộ một mình. Đi thì mới biết! Biết vô số những điều mà nếu chỉ ngồi giữa bốn bức tường, bên màn hình sáng choang với những số liệu hóc búa, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào biết được.
Đi để biết rằng, đôi chân của tôi không còn khỏe như mấy năm về trước. Đôi chân đã từng rong ruổi khắp miền Nam, ra tận miền Trung, lên Tây Nguyên… chinh phục mọi địa hình, bấy giờ đau nhức sau một ngày cuốc bộ khắp phố.
*
Hiệp nói: “Đặc sản của phố Phan Đình Phùng là những xe đạp chở đầy hoa. Mùa này, sen Tây Hồ đã nở, nức ngát cả một vùng. Đi qua phố Phan Đình Phùng, thấy hoa sen, ngửi hương sen… Sen Tây Hồ đấy!”.
Tôi đã để ý những xe đạp chở đầy hoa từ ngã ba phố Cửa Bắc với Phan Đình Phùng, chạy dọc về hướng Vườn hoa Hàng Đậu. Các cô hàng hoa chất hoa rất khéo, tạo thành hình mâm xôi. Hoa cúc, hướng dương, thạch thảo, cát tường… nhiều nhất là sen hồng, sen trắng, hương thơm ngan ngát khắp con phố cổ. Ban đầu, tôi trông thấy khách qua đường thường dừng lại chụp ảnh với những chiếc xe hoa, tôi ngỡ đó là một hình thức để quảng bá du lịch. Nhưng khi hỏi lại Hiệp, tôi mới biết các cô bán hoa để mưu sinh. Tôi thoáng chạnh lòng.
Trời mưa nhưng khá nóng. Có vẻ như cơn mưa chưa thể làm dịu mát cái hầm hập của tiết trời mùa hạ oi ả, chỉ mới rửa trôi những bụi bặm của phố phường, rửa sạch những mái nhà cổ là minh chứng cho sự đổi thay phức tạp của đời sống. Cô hàng nước phe phẩy cái gạt mo trên tay, nhìn tôi, cười tươi rói. Tôi gọi ly sấu đá.
– Em ở trong Nam ra à? Đã đi hết phố cổ chưa?
Tôi uống ngụm sấu. Mát lạnh. Nhìn chị:
– Em ra đây được ba hôm, vẫn chưa đi hết chị ạ! Thủ đô mùa này đẹp mà… nóng quá!
Chị cười:
– Ôi, không! Mấy hôm nay đỡ hơn rồi đấy.
Tôi nhìn ra phố. Những chiếc xe hoa vẫn còn. Cô hàng hoa đã kéo tấm nilon màu trắng trong trùm hoa lại, sợ giập. Xe này nối đuôi xe khác, tư lự bên đường. Các cô bán hoa đầu đội nón lá, ngồi thu lu trong tấm áo mưa mỏng. Tấm áo nhỏ và ngắn không đủ che chắn, khiến thân dưới của các cô ướt sũng. Tôi ngậm ngùi nhìn.
– Thương các cô ấy quá, chị! – Tôi nói với chị hàng nước.
– Vâng! Có gặp trong ngày mưa gió thế này mới biết các chị ấy lam lũ thế nào, em ạ! Ai cũng tưởng Hà thành sang trọng bậc nhất cả!
Tôi lặng người đi.
Một tiếng động lớn vang lên. Những đoá sen rơi tá lả trên mặt đường, nát vụn. Một chiếc xe máy sượt qua phía trước, đi tuốt vào phố Lý Nam Đế. Không chần chừ, tôi đứng dậy lao thẳng ra đường. Nơi đó, chiếc xe đạp chở đầy hoa của chị đã ngã ngang, những bó hoa từ trên xe rơi xuống tứ tung, cánh hoa rụng rã. Tôi đỡ chị lên trước. Chị xuýt xoa. Đầu gối chị cạ xuống mặt đường làm rách lớp vải và trên da tươm máu. Chị lom khom nhặt chiếc nón lá méo mó rồi nhắc từng bước chân vào vỉa hè, ngồi thụp xuống. Vài người khách qua đường cũng dừng xe lại, bước xuống phụ tôi nhặt những bó hoa rơi ra rồi chất lại trên xe đạp. Xích xe đứt lìa.
– Chị có đau lắm không? Em đưa chị đến bệnh viện nhé! – Tôi đề nghị.
Lúc ấy, cả thân người tôi và chị đều ướt sũng.
Chị lắc đầu, trong màn mưa, tôi thấy chị mỉm cười, dù chỉ là cái cười gượng:
– Không sao đâu em! Chị ngồi nghỉ chốc sẽ khỏe. Họ chạy xe ẩu quá.
Tôi nhìn chị, nhìn chiếc xe hoa đã không còn đẹp như khi tôi thấy chị đạp trong màn mưa lất phất, lắc đầu. Một bộ phận giới trẻ ngày nay thường chọn cách sống vô trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm trước những việc mình đã gây ra. Tôi dẫn xe đạp của chị lên lề đường, đưa chị vào hàng nước ban nãy để băng bó.
Chị đã ổn. Tôi bảo chị ngồi lại thêm chút nữa rồi hẵng đi. Trời cũng đang mưa. Tôi đã giúp chị lấy tấm nilon đậy lại mớ hoa, mặc dù hơn một nửa đã giập nát. Vết thương đã thôi tươm máu, chị nhìn tôi, rưng rưng:
– Chị cảm ơn em!
Tôi lắc đầu. Thực tình đó là điều tôi hay bất kỳ ai cũng nên làm.
Tôi hỏi chị:
– Nhà chị ở gần đây không? Làm nghề bán hoa tươi có đủ sống không hả chị?
Chị trầm ngâm một lúc rồi đáp:
– Nhà chị ở cuối phố Hàng Rươi, trong một khu tập thể ọp ẹp, cũ kỹ. Chị bán hoa tươi đã hơn năm năm rồi. Tất nhiên là không đủ sống rồi! Chị còn làm thêm nhiều nghề nữa để nuôi một nhóc, em ạ!
Tôi xởi lởi hỏi tiếp:
– Còn anh, chắc anh yêu thương và gồng gánh giúp chị để nuôi nhóc, chị ha.
Đột nhiên chị thinh lặng nhìn tôi đăm đăm, như thể tôi vừa nói gì không đúng. Tim tôi đập vội trong lồng ngực. Ánh mắt chị trĩu buồn.
– Chồng chị mất năm ngoái. Trong một vụ tai nạn lao động.
Tôi sững sờ, tự dưng tôi hối hận vô cùng vì mình đã khơi lên nỗi đau mà chị không muốn nhắc đến. Còn người bán nước lúc nãy, khi nghe câu chuyện của chị thì sụt sùi, vội ngoảnh mặt ra sau để chúng tôi không thấy chị ấy khóc.
Tôi nói lời xin lỗi chị, chị cười:
– Không sao đâu em! Ai cũng có cái số cả. Số chồng chị ngắn, chị biết làm sao? Thôi thì chị ráng gồng gánh nuôi con. Thằng nhỏ hiểu chuyện lắm em! Nó là niềm hạnh phúc, là hy vọng sống của chị đấy.
Chúng tôi ngồi bên nhau. Những hạt mưa chỉ còn rơi lác đác. Vài người che ô đi qua lại trên đường, băng ngang Vườn hoa Hàng Đậu. Chị cũng nhỏm dậy, tính tiền nước. Tôi xua tay. Chị vẫn tranh tôi trả tiền. Nhưng người hàng nước quyết không nhận. “Có bao nhiêu đâu em! Xem như mấy chị em mình làm quen, chị mời nước” – Chị hàng nước nói vậy. Tôi không khách sáo.
– Bây giờ chị về à? – Tôi hỏi.
– Vâng! Giập hết rồi, ai mà mua nữa đâu.
Tôi ngậm ngùi nhìn theo bóng chị đang thập thững dắt chiếc xe đạp đi vào phố Lý Nam Đế. Giữa buổi chiều trời lất phất mưa. Không biết rằng, giữa cuộc đời này còn bao nhiêu hoàn cảnh khốn khó như chị nữa? Hà Thành trong mắt tôi bấy giờ không còn lộng lẫy, kiêu sa và sang trọng như trước nữa. Giữa cái nơi phồn hoa đô hội ấy vẫn còn có bao phận đời nổi chìm, đang bươn chải trong cuộc mưu sinh đầy gian khó.
*
Tôi lầm lũi đi theo chị. Chị không hay.
Chiều Hà Nội vắng hơn và dường như ai ra đường cũng trở nên vội vã hơn. Họ sợ cơn mưa sẽ ập đến làm họ ướt đẫm. Riêng chị và tôi vẫn thong dong bước đi. Chị đi trước, tôi bước theo sau, cách chị một quãng vừa đủ để chị không nhìn thấy tôi. Trong màn mưa bụi, cái dáng nhỏ của chị liêu xiêu, đôi chân khập khiễng vì vết thương ở đầu gối vẫn còn đau và chiếc xe hoa với những đóa sen Tây Hồ, hướng dương… giập cánh. Giữa tôi và chị như có một khoảng cách nào đó, xa lắm, tôi cố đến gần nhưng chị cứ thế mà đi xa…
Lần theo từng nấc thang lên khu tập thể cũ, tường bong tróc, tối tăm và đầy mạng nhện, tôi dừng lại trước căn phòng nhỏ của chị. Cửa phòng sơn màu xanh, cũng đã ngả màu. Dãy hành lang hẹp, quanh co và tăm tối, chất lô nhô là đồ đạc. Dường như để tối giản căn phòng hẹp hết mức có thể, người ta đã bỏ bớt đồ đạc ra đây, không nỡ bán đi, để khi cần lại dùng tiếp.
– Hôm nay Thanh ăn cơm với rau đỡ nhé! – Chị nói vọng.
– Không có canh, mẹ nhỉ? – Tiếng đứa nhỏ vang lên. Dường như cậu nhóc đang ngồi sau cánh cửa sổ đóng lại.
– Có chứ! Canh sấu dầm. Ngon lắm!
Đứa nhỏ cười khúc khích.
Tôi lặng người đi. Tôi biết rằng đứa nhỏ sẽ hiểu được, để có bữa cơm ngon, mẹ cậu ấy đã phải vất vả như thế nào. Sống mũi tôi cay xè. Một cơn gió lạnh lùa vào khu tập thể cũ.
– Ôi, em! Sao em đến đây? – Chị sửng sốt.
Tôi nhìn chị, chính tôi cũng giật mình vì chị bất chợt trông thấy tôi đang đứng thu lu ngoài hành lang.
– Em đi theo chị đấy! Em vào nhà được chứ?
– Được! Được! – Chị nói vội, rồi sực nhớ ra điều gì, chị ngượng nghịu – Nhưng nhà chị chật và bề bộn lắm, em đừng chê nhé!
Tôi bước vào trong nhà. Nhà chị có chật thật nhưng không bề bộn chút nào. Mọi ngóc ngách đều được chị xếp gọn và tận dụng tối đa. Tôi nhìn cậu nhóc tên Thanh mà lúc nãy tôi nghe chị gọi, trông cậu nhóc khôi ngô tuấn tú và nhân hậu, cậu gật đầu chào tôi. Tôi bước đến, thấy cậu nhóc đang đọc quyển Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin. Tôi biết rằng bên trong tâm hồn thăm thẳm kia có cả một trời mơ ước.
Trò chuyện với chị cho đến khi cơn mưa đêm vừa dứt, tôi nhìn đồng hồ và giật mình:
– Ôi trời, đã sắp 9 giờ rồi. Em phải về để chị và cháu còn ngủ nữa.
Chị không ngăn tôi, nhưng có cảm giác chị vẫn còn lưu luyến lắm. Hai mẹ con chị đưa tôi xuống hết cầu thang cũ, chào tạm biệt tôi:
– Bao giờ ra Hà Nội, em đến phố Phan Đình Phùng là gặp được chị. Trừ khi bệnh, còn lại chị đều chở hoa ra đấy!
Tôi gật đầu. Tôi móc tờ tiền tặng đứa nhỏ mua quà, nhưng chị xua. Tôi cũng không ép. Vì tôi hiểu rằng chị không dễ gì để đứa nhỏ mà chị giáo dục sẽ sống tử tế, giàu lòng tự trọng… nhận món tiền của tôi. Tôi bước đi trong niềm thương nhớ, trong nỗi vấn vương. Khu tập thể cũ với những căn phòng có ánh đèn mờ nhòe đã lùi lại sau lưng tôi, trước mắt tôi là ánh sáng rực rỡ của đô thành và những niềm vui rộn ràng trên phố.
Tôi đi thẳng ra bờ hồ, thẫn thờ nghĩ về chị, về cậu nhóc thông minh và hiểu chuyện. Tự dưng lòng tôi ấm áp. Một cảm giác lạ lẫm xen vào trong tâm hồn đầy biến động của tôi. Một cái gì ấm áp, hạnh phúc chạy dọc sống lưng tôi. Và hình bóng người phụ nữ ấy chợt hiện lên trong đầu tôi, rõ lắm!
Đêm nay Hà Nội lung linh. Tôi sẽ ngủ một giấc thật sâu trong cơn mưa lắc rắc mái tôn những nóc nhà cổ kính. Và ngày mai, khi ánh nắng lên, hoặc cho mưa tầm tã làm dâng nước sông Hồng, tôi cũng sẽ trở lại phố Phan Đình Phùng tìm chị, trở về khu tập thể cũ tìm Thanh. Tôi mong rằng, trong đoạn đời kế tiếp, cả chị và Thanh sẽ sống những tháng ngày ấm áp và hạnh phúc.