Những bước thực hành căn bản trong kinh Niệm Xứ
Trong kinh Niệm Xứ có nhiều đề mục để thực hành. Các đề mục được phân chia qua bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Cách thực tập mỗi lãnh vực đều tương tự như nhau.
Hành giả có thể chọn một đề mục chánh nào thích hợp với căn cơ và đời sống của mình, và hai hoặc ba đề mục phụ trong lúc tu tập.
Đề mục về Thân đơn giản nhất vì nó cụ thể. Thọ thì trừu tượng hơn, nó là yếu tố chuyển tiếp giữa Thân và Tâm. Nhưng cũng dễ nhận ra. Sau đây là các bước thực hành cụ thể của niệm Xứ.
– Tuệ tri hay chánh niệm: Bước thứ nhất hầu hết các đề mục đều bắt đầu bằng hai chữ “Tuệ tri”. Tuệ tri là nói đến cái biết bằng trí tuệ. Đó là cái biết trong sạch, khách quan, bởi vì nó không có sự can thiệp của tự ngã, không có sự so sánh phê bình đúng sai, thiện ác, không chấp nhận cũng không xua đuỗi, nghĩa là không có tham, sân, si trong cái biết này, nên tạm xem như là cái biết của Chân tâm. Khi thực tập, đối tượng diễn biến như thế nào, quan sát thấy biết đầy đủ như thế ấy. Cái biết hay tuệ tri này còn gọi là chánh niệm. Hành giả đặt “tâm thiền” tức “chánh niệm” vào “cái đang là” của đối tượng, từ lúc nó xuất hiện cho đến khi nó chấm dứt.
Hôm nay chúng ta chỉ nói về quán Thọ thôi. Quán thọ là quán như thế nào? Đó là chúng ta quan sát đối tượng qua các căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân. Chúng ta chú ý nhiều hơn Ý căn, xem các căn nhìn thấy đối tượng như vậy thì trong Ý, tức là trong Tâm có phát sinh sự thích hay ghét, tức là dễ chịu hay khó chịu, thì đó mới là quán thọ.
Như vậy, muốn quán thọ, hành giả phải quan sát được các đối tượng, bao gồm đối tượng vật chất và các đối tượng thuộc về tâm tức không vật chất. Cho nên quán thọ là bao gồm cả quán thân và quán tâm trong đó.
Bốn phép quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp có liên hệ chặt chẻ với nhau. Chúng ta không thể chỉ thực hành một loại quán, tức là không thể chỉ quán thân mà không quán thọ, không quán tâm, không quán pháp, mà thực hành đầy đủ cả bốn phép quán luôn.
Nếu trên thân có cảm giác đau nhức đưa đến tâm khó chịu tức Khổ thọ. Quán cảm Thọ là dù Lạc thọ hay Khổ thọ, hành giả chỉ “tuệ tri” chứ không can thiệp. Tuệ tri tức biết rõ khi cảm thọ bắt đầu sanh khởi như thế nào,? Cường độ dễ chịu tức Lạc thọ, hay khó chịu tức Khổ thọ, tồn tại lên xuống ra làm sao? Và khi nó dịu xuống rồi chấm dứt như thế nào? Đó là quán Thọ theo chu kỳ Sanh-Trụ-Hoại-Diệt.
Nhận ra tánh sanh diệt của Cảm Thọ rồi, hành giả tiếp tục quán tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã của cảm Thọ. Quán cảm thọ là Vô thường vì cảm Thọ không thường hằng, không trụ một chỗ, tức không vui hoài, mà cũng không khổ hoài. Quán các cảm Thọ là Khổ. Cảm thọ khổ là vì hành giả luôn bị sự sanh diệt bức bách không ngừng. Quán các cảm Thọ là Vô ngã, vì không có thực chất nào trong các cảm Thọ.
Như vậy, ở giai đoạn đầu hành giả “tuệ tri như thật” về đối tượng. Tiến đến giai đoạn thứ hai hành giả nhận ra “bản thể của đối tượng” tức là nhận ra các tánh sanh diệt, vô thường, khổ, vô ngã của đối tượng. Đó là sự tiến triển của trí tuệ.
Khi tuệ giác được tất cả mọi thứ trên đời này, ngay cả tấm thân ngũ uẩn của mình và tất cả mọi thứ trên đời đều Vô thường, Khổ, Vô ngã… thì kết quả là: “Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ”.
Thực tập quán Niệm Xứ, trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp nhuần nhuyễn, cho đến lúc thấu hiểu và thể nhập được tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp… sẽ đưa đến kết quả tất yếu là hành giả không còn nương tựa bất cứ một thứ gì trên đời này nữa, vì vị ấy tuệ tri rằng tất cả các pháp hữu vi đều Vô thường-Khổ-Vô ngã, không có gì vững chắc thường hằng. Ngay cả cái pháp tu, vị ấy cũng không nương tựa bám víu, vì pháp tu cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc bè đưa người tu đi qua sông, tới bờ rồi cũng phải buông. Không dính mắc với mọi thứ trên đời, đó là “Vô sở trụ” là “Tánh không” , là “Vô nguyện, Vô tác”. Bấy giờ an trú “chánh niệm như vậy”, tức an trụ tâm trong cái chỗ biết tất cả đều như vậy mà thôi, không diễn tả gì hết. Đó là thể nhập Chân như là Niết-bàn…
Thích Nữ Hoằng Như