Nhớ thầy
Ảnh minh họa
Mấy ngày trước, con về Hương Quang tịnh thất lục những tư liệu còn sót lại của thầy, để làm kỷ yếu tưởng niệm 10 năm ngày thầy rời xa chúng con.
Cảnh vật xung quanh đã thay đổi. Sư huynh Thông Hải đã sửa lại tịnh thất khang trang để có chỗ thờ thầy đàng hoàng, cũng như có phòng cho các Sư cháu ở. Tịnh thất bây giờ khá đông, hơn 10 người lận đó, thưa thầy.
Con nghĩ nếu thầy con hiện thế, thầy sẽ vui khi xung quanh lúc nào cũng có các đệ tử và đệ tôn quây quần. Không như những năm tháng thầy còn ở Từ Quang, anh em chúng con lo đi học, chẳng ở cạnh thầy được bao nhiêu, chỉ có Sư huynh Thông Ân là chăm sóc và hầu thầy nhiều.
Thỉnh thoảng, chúng con về vào dịp lễ, Tết thì lại bận rộn lo chuyện dọn dẹp chùa, thầy trò cũng chỉ gặp nhau chóng vánh, rồi chúng con khăn gói lên đường đi học lại. Lúc thì thầy gói ghém cho ít đồng, khi thì thầy gởi dầu phộng, bánh đậu xanh vào để cúng dường Hòa thượng Báo Ân… Tất cả đã trở thành những kỷ niệm đẹp. Lắm lúc con nghĩ, thầy mình sao nghèo thế, thấy đệ tử quý vị kia nhiều khi được thầy họ tặng xe, tặng vi tính khi đi học, còn thầy con chẳng cho gì ngoài việc nhắc: “Mấy ông lo tu học cho tốt, ở chùa người ta nhớ tụng kinh, thấy làm gì thì xắn tay áo lên mà làm, đừng để bị nhắc tới nhắc lui mà phiền nghe”.
Thầy là thế, là một khung trời đầy tự hào cho chúng con. Thầy cũng chẳng để lại chùa to hoặc hiện kim gì quý giá cho đệ tử, nhưng cái mà chúng con có được ngày nay chính nhờ vào sự giáo dưỡng “mềm nắn, rắn buông” từ thầy.
Thầy cũng chẳng đăng đàn thuyết pháp, cũng chẳng nhận trách nhiệm Giáo hội lớn lao, chỉ mãi quanh quẩn ở chùa quê, sống như một lão nông Tăng. Nhiều khi huynh đệ chúng con thấy thầy mặc áo cộc, đi guốc gỗ, cầm quạt mo dạo quanh sân chùa như một vị Tăng “nhàn cư vô sự”.
Hay lắm lúc cùng nhau quây quần bên thầy làm thuốc tể, thuốc tanh, hoặc hái tiêu, nhổ đậu, thầy đều dạy chúng con chân lý từ những điều bình dị: “Tu là hiền, tu là sửa, chứ mãi tranh giành rồi chết cũng có đem theo được gì đâu”. Lúc đó, chúng con chưa nhận thức được những lời thầy dạy một cách trọn vẹn. Những đứa cùng tử đã ngấm sâu tam độc tham, sân, si thì làm sao tỉnh giác trước lương dược. Vả lại, chúng con vẫn yên tâm khi có thầy chở che, bảo bọc, đâu phải nghĩ nhiều vì mọi thứ có thầy lo.
Thế rồi bất chợt mây mù ập đến, bão giông cuồn cuộn như sóng hải triều, thầy đã rời xa chúng con mãi mãi, hình hài thầy hòa vào cát bụi phù vân. Con sực tỉnh và quờ quạng tìm một chỗ bám, khi không có thầy con phải làm sao đây?!
Con phải tiếp tục sống và tiếp nối những điều mà thầy mong muốn chúng con thực hiện. Nợ đàn-na, của tín thí, những người đã lo cho chúng con từng giấc ngủ, miếng ăn mà thầy vẫn nói nếu không đền đáp sau phải mang lông, đội sừng để trả.
Ngày nay con đã lớn nhưng chưa thực sự trưởng thành, cũng có đệ tử gọi mình là Sư phụ, nhưng mỗi khi về bên tôn dung của thầy vẫn thấy mình còn nhỏ, cần phải được bảo bọc, chở che.
Mười năm khoảng thời gian không dài để cho con trưởng thành, nhưng đủ để con chiêm nghiệm về sự tự lực của bản thân như lời thầy từng dạy: “Mấy ông là đệ tử Phật, tui chỉ là người đi trước, biết và chỉ cho các ông cái chưa biết để mà tu thôi”. Chúng con phải tự tiếp bước trên chính đôi chân của mình, không còn được thầy dìu dắt và nâng đỡ như thuở còn chập chững.
Con không còn khóc nhiều mỗi khi nhớ về như khi thầy mới viên tịch vì con hiểu rằng thầy luôn ở bên con, để gia hộ và soi sáng cho mỗi việc làm, suy nghĩ của con. Chỉ cần con sống với hạnh lợi tha và không tranh đua được – mất, thiệt – hơn, thì con chắc chắn sẽ tương ngộ cùng thầy ở chân trời viễn mộng nào đó.
Tưởng niệm thầy – Hòa thượng Thích Thiện Đạt,
nguyên trụ trì chùa Từ Quang (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam),
khai sơn tịnh thất Hương Quang (Đại Ninh, Lâm Đồng)
Mùng 3 tháng Giêng năm Giáp Thìn