Nhớ ơn sâu nặng của Phật
Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài là bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi đã đem sự giác ngộ của mình để chỉ dạy cho chúng sanh từ bờ mê lên bến giác, giúp chúng sanh thoát khỏi vòng trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
Ngài thị hiện ở cõi đời không gì khác hơn là cứu khổ độ sanh, những lời dạy của Ngài được kết tập một cách đầy đủ trong Tam Tạng kinh điển. Giáo lý Đức Thế Tôn không phải để bàn luận suông mà chú trọng vào cách thực hành của tự thân mỗi người, phải tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ để đạt được sự an lạc và giải thoát không chỉ trong tương lai mà ngay trong cuộc sống tu tập hằng ngày của mình. Cuộc sống của người tu tập chúng ta chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta đem lại nguồn hạnh phúc cho tự thân và đem nguồn an lạc ấy cho mọi người. Và chỉ có thể phát tâm Bồ đề mới có thể giúp ta có đầy đủ nguyện lực để làm được những việc mà chúng ta không thể làm.
Ảnh minh hoạ.
Phát tâm Bồ đề
Điều trọng đại nhất cho hành giả bắt đầu dấn bước trên con đường tu hạnh Bồ-tát là sự phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề là nền tảng căn bản cho mọi việc lành, và nó cũng chính là nền tảng để cho đại bi tâm ngày càng khai mở đối với hành giả tu tập. Đây là sự biểu hiện sinh động của Phật giáo trong việc tự độ và độ tha. Khi hành giả đã lột bỏ được lớp vỏ bọc tâm linh cũ nát của mình, thay vào đó là đại bi tâm rộng lớn, sống vì lợi ích cho mọi người, người đó sẽ trở nên nâng trình độ tâm linh của mình lên một tầng cao mới.
“Kẻ tù ngục sinh tử,
Nếu phát Bồ đề tâm.
Tức khắc tên Phật tử,
Trời người nên cung kính!”
Thế cho nên, trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Di Lặc đã khơi bày cho Thiện Tài một cách tỉ mỉ về tướng trạng của tâm Bồ-đề như sau: “Bồ-đề tâm như hạt giống vì từ đó sinh ra hết thảy Phật pháp. Bồ đề tâm như ruộng tốt vì nơi đây sản xuất các thứ thuần tịnh cho thế gian. Bồ đề tâm như cõi đất vì gìn giữ tất cả thế gian, như dòng nước vì rửa sạch tất cả cáu bẩn của tham dục”. Rồi Bồ-tát Di Lặc kết luận: “Này thiện nam tử, Bồ-đề tâm thành tựu vô lượng công đức tuyệt diệu như vậy”.
Chính vì thế, có thể nói rằng Bồ-đề tâm cũng đồng như Phật pháp và các công đức của quả Phật. Tại sao thế? Bởi vì, chính từ Bồ-đề tâm mà hạnh của Bồ-tát bắt đầu khởi hành, và cũng chính từ đó mà hết thảy Như Lai trong quá khứ, hiện tại và vị lai xuất hiện ở thế gian. Vì vậy một khi ước vọng giác ngộ tối thượng được phát khởi, thì vô số công đức cũng được phát sinh, và năng lực của nhất thiết trí cũng phát sinh từ đó. (Trích từ Thiền Luận của Suzuki, bản dịch của Tuệ Sỹ)
Thế nào là nhớ trọng ơn Phật?
Đạo Phật chủ trương đưa con người trở về với bản tánh thực tại, vì mọi người đều mang trong mình một khả năng giác ngộ giải thoát, nhưng mấy ai khám phá ra được kho tàng quý báu đó. Bởi vậy, cõi Ta-bà nầy đầy dẫy nỗi khổ đau mê muội. Chúng sanh khổ đau vì vô minh gây bao nghiệp ác, không biết đâu là phước thiện, cứ đua chen trong cảnh trần thế, còn chúng ta là những người lìa bỏ song thân, dứt tình ân ái, lẽ nào lại đi xuôi với dòng thế gian. Do đó, giáo pháp Phật luôn là món lương y để giúp ta sống được với vị Phật của chính mình. Ngài chỉ rõ cho ta thấy tất cả cảnh thế gian nầy đều là tạm bợ, có gì quý báu và tồn tại mà phải tranh đua. Vậy ta phải biết rằng, mình là người đang mang nguồn mạch của Như Lai để truyền thừa chánh pháp thì chúng ta không nên ghét bỏ cuộc đời, dù đó là nơi bể trần ô trược, tập hợp mọi khổ đau, phiền muộn. Chúng ta sống trong đau khổ nhưng không đau khổ, mà trái lại biến đau khổ ấy trở thành chất liệu sống cho chính tự thân chúng ta. Chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay, tự thân mỗi người đã mang ơn của rất nhiều người, và công ơn nặng nhất đối với chúng ta chính là ơn của mười phương chư Phật. Sự thị hiện của Đức Phật tại cõi Ta Bà với mục tiêu khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, Ngài sống cho muôn loại cũng như vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Cao quý hơn hết, chúng ta có được ba cái may mắn là:
“Được sống làm người, được biết văn hóa, được biết Đức Phật Thích Ca”. Ngài là một con người vĩ đại nhất, tìm hạnh phúc cho nhân sinh, đem ánh sáng chân lý xua đuổi tối tăm, đưa chúng sanh quay về cội nguồn giác ngộ bằng dòng nước từ bi rửa sạch những oan kiên đau khổ trần đời, giúp chúng sanh sống hài hòa an lạc từ vực sâu tuyệt vọng đau khổ đã trổi lên khúc khải hoàn:
“Ta là là người của chúng sanh,
Người nuôi ta để học gương lành.
Sống đây ta sống cho nhân loại,
Ta có quyền đâu sống lấy mình”.
Chúng ta lúc nào cũng phải canh cánh bên lòng mang nặng thâm ân của Đức Phật. Mỗi lần lễ Phật, tận chiều sâu của tâm tư, ta phải dấy lên một thái độ tri ân Đức Phật. Ngài đã giúp chúng ta có cái nhìn sự thật đối với các sự vật và hiện tượng đang diễn ra xung quanh chúng ta, nhìn thấy tính giả huyễn và khổ đau của cuộc đời, để từ đó ta có đủ nghị lực sống, sống một cuộc đời không bị ràng buộc bởi danh lợi, không bị sự cuốn hút của vật chất trần gian. Và chính cái nhìn đầy trí tuệ này, sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta an vui hơn, hạnh phúc hơn, giúp ta có cái nhìn tự tại đối với mọi việc đang diễn ra, nhận thức sâu sắc về mối tương quan của ta với cuộc sống. Nhận thức được tất cả mọi sự vật và hiện tượng đều là trùng trùng duyên khởi, thành trụ dị diệt, biến đổi không ngừng.
Ngài có cái nhìn tuệ giác, thể hiện vào cuộc đời cho mọi người phải tưởng nhớ đến ân đức của Phật và được nuôi dưỡng trong tinh thần cao thượng đó. Chúng ta phải làm gì để báo ơn Phật? nhưng sự thật Đức Phật chẳng bao giờ mong cầu sự đền đáp. Với tâm lượng từ bi rộng lớn, lúc nào Ngài cũng muốn mọi loài chúng sanh đều có trí tuệ để được giải thoát, ngoài ý niệm ngăn ngừa tội lỗi Ngài chế ra giới để làm hàng rào hóa độ theo mỗi căn cơ của từng bậc thích hợp mà tấn tu.
Đối với ơn đức của bậc đạo sư, sự cứu khổ ban vui bao gồm việc làm và trí huệ sáng suốt không phải ai cũng làm được. Tín toàn năng, toàn đức giúp người không vụ lợi, không tính thiệt hơn thua, không chấp trước về mình, không phân biệt sang hèn hay màu da, lòng từ bi bao la đó các Ngài còn thể hiện đặc tính của tâm từ. Đức Phật từng dạy trên bước đường tu tập, hành giả phải có tuệ vì có tuệ ta mới phân biệt được đúng sai, thiện và ác, mới đoạn trừ được các mê lầm trói buộc phiền não, nên trí tuệ là hai phạm trù ta cần phải biết:
“Một là người thiếu trí tuệ mà khổ đau,
Hai là muốn hết khổ đau phải có trí tuệ”.
Ngài đã dạy trí là khả năng nhận thức phân biệt sự lý, tuệ là sáng tỏ thông suốt, làm cho trí nhận chân tướng sự vật rõ ràng. Ở thế gian người có trí tuệ sẽ có cuộc sống đầy đủ, do vậy mà Đức Phật thường nói: “Sự khổ ở tam đồ, chưa gọi là khổ chỉ có thiếu trí tuệ mới gọi là khổ nhất thời”, cũng như con người sai sử vạn vật là do con người có trí tuệ, còn loài vật chỉ có lương tri mà thôi, cũng thế nền văn minh tiến bộ của nhân loại tiến bộ ngày nay cũng nhờ có trí tuệ của con người.
Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ tám Đức Phật cũng trình bày vấn đề sanh tử đại sự. Con người đang bị thêu đốt do hỏa trạch, khổ đau con người phải gánh chịu, từ thân và tâm phải nhận sự thật khổ đau đó. Ngài đã phát tâm đại thừa, là tâm đại bi mong chúng sanh ra khỏi bể khổ, cái tâm đó luôn luôn quán chiếu cái khổ của mọi người, để phát khởi lòng từ trang trải đến muôn loại, và ước muốn lợi ích và hành động cho muôn loại, cảm thông được nỗi khổ vô tận của mọi người trong dòng sanh tử. Việc làm mà tâm trí bình thản như hư không, tâm đó vượt thoát nơi tâm trí ngu muội của phàm phu, người làm Phật sự luôn biết mình làm gì, cho ai. Đặc tính của tâm từ bi không phụ thuộc vào không gian hay thời gian, hoặc bất cứ một tôn giáo nào, mà lúc nào cũng ở trong mỗi con người, có được cái nhìn bằng tuệ giác, thể hiện vào cuộc sống lợi lạc cho hôm nay là công lao hóa độ của Đức Phật. Đứng trên tâm nguyện lợi tha, chúng ta phải phải tỏ lòng đền đáp trong muôn ngàn thâm ân của Ngài. Ta thấy “Có lẽ không gì cao đẹp cho bằng, mỗi chúng ta hãy tự nguyện và hãy thể hiện cuộc sống tự độ thoát cho chính mình bằng con đường giới, định, tuệ. Khiến tư tưởng hành giả đạt đến tuệ giác, tức đỉnh cao của sự nhận thức mỗi người đều có nhân cách riêng biệt. Gìn giữ cái nhân cách ấy khiến cho mọi người chung quanh kính nể và noi theo, đó là một trong những nhân cách báo ân Phật”. Tôn chỉ giải thoát, còn thể hiện năm giới căn bản đã kiến tạo, đưa xã hội loài người đến bờ an lạc, vui vẻ nói chung là không giết hại mạng sống của chúng hữu tình nói riêng, không hại đến người, không lấy quyền lợi người khác để tô bồi quyền lợi cho mình, cũng như để vinh danh nhân cách, hạnh phúc và thân mạng của ta. Không có tư cách “Lạng chạ” phải bảo vệ uy tín cá nhân, biết quan sát hiện tượng giả dối, biến tướng của tâm thức thì từ đó mê lầm sẽ tiêu diệt, nghĩa là giải thoát tất cả nhiễm ô, trược ác của tam giới bởi chúng sanh đang thọ lãnh mong dứt khỏi ra ba cõi.
Phương thức niệm nhớ ơn Đức Phật
Như vậy hàng xuất gia muốn thấy được nội tâm phải dứt hẳn tham ái, ngã mạn, si mê, danh lợi vật chất bắt nguồn từ tham ái, trở lại trói chặt thân tâm, làm cho con người không thể tu hành tiến triển, xa lìa chơn tánh cũng ví như vết sét trở lại ăn mòn chất sắt. Người xuất gia lấy giáo lý làm trọng tâm, để thấy được như thật, ly dục, ly các bất thiện pháp và chuyển người xấu thành người tốt, ra khỏi vùng chất chứa của tham, sân, si an trú trong hiện tại. Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Trung Bộ I Đức Phật giải thích rõ: “Khi nào các Thánh Đệ Tử khéo thấy như thật, với như thật chánh trí tuệ, các dục, các ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn. Và các vị chứng hỷ lạc, do ly dục, ly bất thiện pháp, hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy phải có chánh trí, thấy trí tuệ đi đến thiền định, để hiểu rõ khả năng giải thoát được lòng dục”. Trên con đường tìm cầu chân lý nếu chúng ta sanh vào Phật tại thế đó là túc duyên không gì cao hơn cả, bởi gặp Phật, nghe Phật thuyết giảng từ đó loại dứt trần cấu được pháp nhãn mà chứng quả ngay, cho đến phát tâm hành Bồ tát đạo, còn chúng ta vì nghiệp chướng nên khi Phật ra đời mãi còn trầm luân, nay được thân người Phật đã diệt độ tội gì không hiểu Phật Pháp, khi Ngài Huyền Trang Pháp Sư còn ngậm ngùi mà tự nhận ra mình là chúng ta sống trong biển trần khổ đau. Cho nên Ngài phát nguyện rằng: “Nguyện chúng sanh nào chưa được độ, thì Ngài chưa làm Phật” với tâm nguyện của các vị Phật chúng ta không thể sánh bằng, chỉ có những vị thoát liễu sanh tử mới làm được. Chúng ta hãy mạnh dạn cải tạo đời sống bằng cách nhớ lời dạy của Đức Thế Tôn để sửa đổi nơi tâm ý chính mình, hay nhớ tưởng danh hiệu của Ngài để đối phó với tất cả kẻ thù ác ma, chướng nghiệp, có như thế chúng ta mới làm nổi công việc là báu cái ơn của Phật đại thành sở nguyện vĩ đại của chính mình.
Đức Phật là vị Bồ-tát đa hạnh, Ngài từ vô lượng kiếp vì chúng ta tu tập đạo Bồ-đề, những việc khó làm Ngài làm được, những việc khó nhẫn Ngài nhẫn qua, những nỗi khổ của chúng sanh như muốn chịu thay. Sự cao thượng xứng đáng là Bật Đại Giác, đáng cho ta cuối đầu đảnh lễ, kính phục Ngài. Ta càng vững một niềm tin, kiên cố với tâm Bồ-đề bất thối chuyển và quyết tinh tấn hơn khi được học và nghe những lời dạy của bậc đại sư. Ngoài việc thực hành giáo pháp giúp cho chúng ta có được kinh nghiệm tu tập, nhờ những lời giáo pháp của Ngài khi nói ra ta nếu áp dụng sâu sắc vào đời sống thiết thực hơn, và được trải nghiệm bằng nỗ lực tự thân, thì sẽ đem đến cho mọi người sự an vui hạnh phúc. Đồng thời còn có một tác động tâm linh rất lớn làm cho người nghe dễ dàng sanh tâm hoan hỷ “Tín thọ phụng hành”. Bên cạnh về mặt xã hội còn góp phần xây dựng cho cuộc sống nhân sanh được an lạc, cũng là một cách Báo Ân Phật. Không có phương pháp nào hiệu quả hơn niệm Phật, một người thật sự biết niệm Phật, nuôi dưỡng và duy trì hình ảnh của Đức Phật ở mọi hoạt động của nội tâm. Người ấy chắc chắn sẽ không hành động bất luận việc gì mà Phật tâm không cho phép. Hay phép niệm Phật cũng chính là phương pháp nuôi dưỡng đức tánh của Đức Phật tận chiều sâu của nội tâm. Đức tánh ấy hướng dẫn hành giả có đủ khả năng phán đoán và thẩm định, đưa hành động đúng theo chiều hướng xây dựng tâm đại bi, phục vụ con người bằng lòng từ bi và trí tuệ, nhưng nếu tâm hướng tà thì sẽ mang theo khổ đau, thân chịu ác nghiệp thì luân hồi khổ sở, ngược lại tâm chúng ta vốn sẵn thanh tịnh, nếu thanh lọc vô minh thì rõ ràng thực tại các pháp chẳng xa, tuy khó làm nhưng không phải là bất lực vì chúng ta có đủ khả năng giác ngộ như Phật. Chỉ sợ chúng ta không chịu khó nỗ lực, tất cả đều do ta vì không ai làm ta ô nhiễm hay trong sạch được. Ngay Đức Thế Tôn cũng đã tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” chỉ khi nào cái giác của mình hết nhiễm ô thì Phật tánh sẽ hiển bày, nếu như hành vi cùng ý nghĩ của ta được đôi phần đức tính ấy mới thật là ta có giác ngộ giải thoát, mới thật an vui và lợi ích cho tất cả mọi người mọi loài. Đó chính là nhớ cái ơn sâu nặng của Đức Phật.
Thư mục tham khảo:
1. Trung Bộ I, HT. Thích Minh Châu (dịch), Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1992.
2. Diệu Đế Quốc Tự Thiệt Hiền Đại Sư : Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, PL 2538 – 1994.
5. Thích Viên Giác, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, PL.2546 – DL.2002.