Vào ngày 31/10, nhiều trường học thường tổ chức lễ hội hóa trang Halloween cho học sinh. Các em được mặc trang phục theo chủ đề tự chọn, hóa trang thành các nhân vật yêu thích. Tuy nhiên, sau hàng loạt những hình ảnh hóa trang kinh dị, ghê rợn xuất hiện trên mạng xã hội, năm nay một số trường ra thông báo không tổ chức hoạt động này.

Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Long Biên (Hà Nội) cho biết hàng năm, trường vẫn tổ chức lễ hội Halloween cho trẻ. Tuy nhiên, năm nay trường quyết định không tổ chức dù học sinh rất hào hứng và đón chờ.

“Nhà trường quyết định dừng tổ chức lễ hội này vì không muốn gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hình ảnh ma quái và sự sợ hãi vốn không mang tính giáo dục cho các con”, vị này nói.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nhà trường cũng phát đi thông báo tới cha mẹ phụ huynh về việc đảm bảo công tác an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích và sự cố xảy ra tại trường học trong lễ hội Halloween.

Cụ thể, nhà trường cho biết lễ hội Halloween là ngày lễ truyền thống ở các nước phương Tây. Nhà trường không tổ chức trang trí lễ Haloween. Vì thế cha mẹ không cho con hóa trang thành ma quỷ và các nhân vật kinh dị. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không cho con mang đồ chơi nguy hiểm, các vật sắc nhọn đến trường.

“Một số nội dung liên quan đến lễ hội Halloween, học sinh sẽ được học trong các tiết tiếng Anh”, nhà trường thông tin.

Một trường tiểu học Hà Nội cũng ra thông báo: “Trường học là nơi chăm sóc và giáo dục các em học sinh, vun đắp những hành vi và nhận thức tích cực. Việc trang trí, hóa trang với những màu sắc, hình ảnh trong ngày Halloween có thể gây sợ hãi cho các học sinh nhỏ tuổi.

Vì vậy từ năm học này, nhà trường sẽ không tổ chức các hoạt động liên quan đến ngày Halloween. Thay vào đó, nhà trường sẽ lồng ghép hoạt động vào tuần lễ bookweek để các con được mặc trang phục hóa thân cùng các nhân vật đáng yêu trong sách, truyện”.

hoatrang2.jpg
Đồ hóa trang ghê rợn treo khắp vỉa hè phố cổ Hà Nội trước Halloween. Ảnh: Anh Nguyễn

Là người làm trong ngành giáo dục, chị Hoàng Thu Phương, giáo viên mầm non tại Hà Nội, cho biết trước đây vì thấy học sinh thích thú, chị cùng đồng nghiệp đã “bắt trend” tổ chức Halloween cho trẻ.

Tuy nhiên sau đó chị lại thấy băn khoăn; “Ý nghĩa thực sự hoá trang ra hình hài ma quái này để làm gì? Điều đó giáo dục được gì cho trẻ?”. Thực tế theo chị, hoạt động này không mang lại bài học giáo dục cho trẻ, thậm chí còn đem lại sự ám ảnh, sợ hãi, kích thích trí tưởng tượng về những điều ghê rợn, ma quỷ, kỳ quái…

“2 năm nay, trường chúng tôi đã thay thế các hoạt động trong ngày lễ này bằng việc hóa trang nhẹ nhàng với các nhân vật dễ thương, cùng các con tổ chức các trò chơi dân gian, giúp trẻ hiểu hơn văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”, chị Phương chia sẻ.

Chị Kiều Thanh Hoài, một phụ huynh, đồng thời là người làm trong ngành giáo dục ở Hà Nội, cho rằng lễ hội Halloween vốn có nguồn gốc từ phương Tây, là những tín ngưỡng tích cực. Khi họ hoá trang, trang trí nhà cửa nhằm xua đuổi tà ma chiếm giữ thân xác của mình, cũng là thông điệp bài trừ cái ác và tưởng nhớ tới người đã khuất.

Tuy nhiên những năm gần đây, Halloween về Việt Nam đã biến tướng thành đủ các hình thù kỳ quái và nhiều trường học tổ chức rùm beng. Điều quan trọng, chính bản thân các thầy cô giáo và phụ huynh cũng lờ mờ không hiểu hết ý nghĩa của Halloween.

“Rất nhiều trường triển khai tổ chức như trong chương trình giáo dục. Các lớp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT… giáo viên nhắn tin yêu cầu phụ huynh mua đồ trang trí (quần áo, mũ, mặt nạ…) cho con mang tới trường. Nhiều nhà trường tổ chức rềnh rang, trang trí rùng rợn, loè loẹt nhưng thông điệp mù mờ, không truyền tải đúng ý nghĩa và nội dung”, chị Hoài nói.

Ủng hộ việc hội nhập nhưng chị Hoài cho rằng cần phải chọn lọc, phát huy tính tích cực và giáo dục, không a dua theo phong trào, hiệu ứng, nếu không sẽ trở nên tốn kém, vô bổ.

Chị Ngô Lan Hương, một phụ huynh ở Hà Nội, chia sẻ câu chuyện của con gái khi học lớp 1, từng bị “sang chấn tâm lý” vì hoạt động Halloween tổ chức chưa phù hợp trong trường.

“Vài tháng sau đó, con luôn sợ hãi không dám ngủ một mình, hay mơ và giật mình tỉnh giấc. Sau sự việc, nhiều phụ huynh đã phản ánh điều đó tới hiệu trưởng. Đại diện trường đã đứng ra xin lỗi các con và phụ huynh, nhưng thực tế vẫn chưa thể xóa bỏ cảm xúc mắc kẹt trong con trẻ”.

Theo chị Hương, việc tổ chức lễ hội Halloween nên diễn ra theo chiều hướng mang tính giáo dục hơn, chẳng hạn tập trung vào việc hóa trang các hình ảnh dễ thương; tổ chức các trò chơi giúp học sinh giải phóng nỗi sợ, chẳng hạn cho Quái vật lo âu ăn những nỗi sợ mà trẻ viết ra giấy…

Thúy Nga– Vietnamnet