Nhặt mẹ về nuôi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 Đút những đồng tiền công vào túi áo ngực, Trạo rã rời định lê bước về nhà. Nhưng cả cơ thể đau nhức, bụng đói cồn cào nên anh tính mua thứ gì đó ăn cho ấm bụng. Bỗng Trạo nhìn thấy phía trước, một bà cụ ngồi co ro góc chợ với thúng gì đó phủ lên một lớp vải màn.

Rảo bước lại gần, Trạo hỏi:

– Bà bán gì vậy ạ?

Bà cụ mừng rỡ khi thấy người dừng lại hỏi mua hàng, tay run run mở tấm vải màn ra bảo:

– Tôi bán bánh mì, chú có mua không?

Trạo định hỏi bánh còn giòn không nhưng đưa mắt nhìn chiếc bánh ỉu xìu trên đôi tay già nua và ánh mắt chờ đợi của bà cụ anh không nỡ bước đi.

– Cháu lấy 5 cái bà ạ. Bà thường bán đến mấy giờ thì về?

– Khi nào hết thì về chú ơi.

– Thế nhà bà có ở gần đây không? Bà đi bán hàng đêm thế này chắc là con cháu lo lắm ạ. Thôi còn bao nhiêu cái bà để con lấy nốt.

– Tôi về ngay đằng kia ấy mà. Cậu lấy vừa đủ ăn thôi. Lấy nhiều về bỏ uổng. Tôi còn ngồi đây tới sáng. Đằng nào thì về cũng có ngủ được đâu.

Theo hướng tay bà cụ chỉ mắt Trạo tìm thấy chân cầu. Miếng bánh mì dai ngoách nghẹn lại trong cổ họng. Trút tiếng thở dài anh ngồi bệt xuống xuống vỉa hè ngó thành phố hoa lệ nhấp nháy ánh đèn. Xách túi bánh mì, Trạo trở về phòng trọ. Mấy con chó nhào ra từ các con ngõ sủa inh ỏi mỗi khi Trạo đi qua.

Trạo làm công nhân từ năm mười tám tuổi. Ban đầu là làm công nhân nhà máy chè gần nhà. Hồi ấy mẹ nuôi còn sống, nên Trạo còn có nhà để mà về. Sau này mẹ mất đi, anh em ruột thịt còn tranh nhau đất đai thì phận con nuôi như Trạo làm gì còn nhà nữa.

Lúc rời quê xuống phố lang thang trong khu công nghiệp Trạo làm công nhân hết công ty này đến nhà máy khác. Chẳng phải “đứng núi này trông núi nọ” đâu, mà thời buổi khó khăn, đơn hàng bấp bênh nên các doanh nghiệp chỉ tuyển công nhân thời vụ. Mấy năm nay Trạo làm ổn định trong công ty bạt, lương đủ trang trải cuộc sống. Thật ra cuộc đời độc thân, không gia đình, chẳng có gánh nặng gì thì cũng đơn giản thôi. Tiền nhà trọ, tiền điện nước, ăn uống qua loa, tháng vài cuộc nhậu vỉa hè. Nhưng để gồng gánh một gia đình trên vai thì đồng lương công nhân chẳng thấm vào đâu.

Cái câu “chia tay đi” Trạo nghe đến quen tai. Mấy năm nay anh không theo đuổi người con gái nào. Chẳng phải vì không còn tin vào tình yêu mà càng có tuổi niềm vui càng chắt chiu, ít ỏi. Có hôm nhậu say ai đó hỏi Trạo có buồn chán cảnh đời công nhân nghèo khó này không. Trạo chỉ lắc đầu cười. Cuộc đời này có cái gì dễ dàng đâu. Mấy năm vừa rồi khó khăn, lạm phát vào tận mâm cơm mỗi gia đình, mấy ai mà không khổ? Có một nghề để mưu sinh đã là may mắn lắm rồi. Mình đã nghèo tiền bạc, mình không thể nghèo tâm hồn được. Mình không thể cứ ghì mình xuống mãi. Phải bay lên chứ! Ngay cả khi không có đôi cánh thì ta cũng phải bay lên khỏi những đè nén về tiền bạc.

– Nói thì hay lắm. Thế không vì tiền bạc sao ông cứ phải đi bốc hàng thuê chợ đầu mối sau giờ tan ca?

– À thì… để sau này ai đó dựa vào mình sẽ bớt phần vất vả.

Anh bạn vỗ vai chào Trạo, lặng lẽ khuất trong ngõ nhỏ. Trạo cũng vội vã đến chợ đầu mối để kịp giờ bốc dỡ hàng. Mấy cô bác ở chợ quý Trạo lắm. Ai cũng trêu “có về làm con rể cô không?”. Trạo cười hiền khô bảo “chỉ sợ con gái các cô chê cháu nghèo thôi”. Ai đó chép miệng bảo: “Cái thằng, nghèo thì nghèo thật nhưng ai lấy được nó cũng sướng. Khối người lấy chồng giàu lại sống trong nước mắt đấy thôi”. Mấy câu bâng quơ đó làm má Đào ửng đỏ.

Trạo đâu có biết ở chốn bán mua đốp chát này vẫn có người lặng lẽ ngóng chờ mình. Lúc thuê Trạo vác mấy bao hàng, Đào cũng lặng lẽ lén nhìn bóng lưng vạm vỡ ấy lẫn vào trong chợ. Có nắm xôi nóng muốn dúi cho Trạo mà không dám. Lúc trả công muốn đưa thêm vài đồng mà Trạo đâu chịu nhận. Đôi khi muốn hỏi thăm nhau một câu mà lời lạo xạo trong cuống họng.

Trạo đột nhiên nhớ đến bà cụ bán bánh mì. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay không thấy bà ngồi bán bánh. Lần theo dấu chỉ tay của bà cụ hôm nào Trạo tìm đến chân cầu. Vài bóng người vô gia cư đang nằm ngồi dọc gầm cầu. Trạo hỏi thăm về bà cụ bán bánh mì, thì có người nói vọng lại: “Mấy hôm nay bà cụ ốm nằm ở đằng kia kìa. Sáng nay tôi mới mua hộ vài vỉ thuốc”. Bà cụ nằm co ro trên chiếc chiếu cũ trải trên nền đất. Thấy có người lại gần bà cụ mở mắt, mừng rỡ khi nhận ra người quen.

Trạo định hỏi bà ốm thế này sao không chịu về quê nhưng cũng may lời chưa kịp bật ra khỏi họng. Nếu có quê hương, con cái chắc bà đã chẳng phải nằm co ro ở dưới gầm cầu. Lúc nhét cho bà cụ mấy đồng tiền vào túi áo, quay lưng bước đi bỗng nhiên Trạo thấy lòng mình thắt lại. Lòng tự hỏi trời gió mạnh thế này bà cụ lại ốm yếu thế kia rồi đêm nay sẽ ra sao? Không biết còn có cơ hội gặp bà cụ với thúng bánh mì ngồi cổng chợ hay không nữa? Hay là… Ý nghĩ chợt nhen lên như ngọn lửa khiến Trạo quay người lại bảo: “Để con đón bà về phòng trọ mấy hôm chăm cho bà khỏi bệnh. Chứ ở đây gió máy thế này”.

Đêm đấy Đào không thấy bóng dáng của người thương đến chợ. Mấy hôm sau ở chợ xôn xao chuyện thằng Trạo nhặt một bà cụ về nuôi. Người chép miệng: “Trời đày. Đã nghèo còn rước thêm một bà già rồi đứa con gái nào nó lấy”. Nhưng lại có người bảo: “Nghèo nhưng tốt tính. Người dưng nước lã nó còn thương đến thế huống hồ là vợ con”.

Đào nóng ruột, đóng cửa sạp hàng sớm đi tìm Trạo. Lúc Đào đến Trạo vừa mới vào nhà máy. Vài người trong xóm trọ tò mò hỏi Đào có phải là người yêu của Trạo không? Vén mấy sợi tóc mai vướng víu trên khuôn mặt ngại ngùng đỏ ửng, Đào chỉ biết cười. Bà cụ thấy có người tới liền ngồi dậy khỏi giường run run hỏi: “Cô tìm cậu Trạo đúng không?”. Chẳng hiểu sao trong lòng Đào trào lên niềm thương cảm. Căn phòng trọ tuềnh toàng có phần bừa bộn vì thiếu bàn tay đàn bà. Trên bàn bát cháo còn hơi nóng chắc là Trạo nấu cho bà cụ trước lúc đi làm. Dưới gậm giường bộ quần áo công nhân vứt trong chậu còn chưa kịp giặt. Đào tính càm ràm mấy câu mà chợt nhớ ra mình đã là cái gì của người ta. Bón cho bà cụ bát cháo, giặt giũ, dọn dẹp xong xuôi Đào mới ra về…

Trạo hỏi bà cụ có phải nhà mới có cô Tấm nào bước ra từ hũ muối hay không mà sao nhà cửa sạch sẽ gọn gàng đến thế này? Hay là… cụ ốm mà vẫn cố gượng dậy làm từng ấy việc? Bà cụ cười bảo: “Có cô Tấm thật đấy. Cô Tấm này xinh và hiền lắm”. Cô Tấm chỉ xuất hiện lúc Trạo đi làm. Mấy hôm nay công ty có đơn hàng lớn nên anh em công nhân phải tăng ca suốt. Làm mệt là thế nhưng Trạo thấy vui vì khi tan ca có người đợi mình ở nhà. Cảm giác ấy bao nhiêu năm nay anh chưa hề có được. Thấy người ta đủ mẹ có cha để cùng ăn bữa cơm, cười với nhau sớm tối mà thèm. Đã có lúc anh ao ước giá mà có bố mẹ để chăm sóc lúc về già.

Bà cụ xuất hiện, cơm canh đạm bạc vậy mà vui. Nên đã mấy lần bà cụ đòi khăn gói ra gầm cầu ở mà Trạo đâu có chịu. Cũng chỉ là thêm bát thêm đũa thôi mà. Anh cố gắng làm tăng ca, rảnh thì ra chợ bốc dỡ thuê lo gì không sống nổi. “Hay là cụ ở đây làm mẹ con nha”. Câu nói ấy thật ra cũng không khó thốt lời đến thế. Nói được ra Trạo thấy nhẹ cả lòng. Chỉ bà cụ là rưng rưng mãi không nói lên lời. Bà sống gần hết đời, lang bạt gặp bao nhiêu phận người, chuyện thế thái nhân tình nghe không đếm xuể. Bà chỉ thấy người ta vì tiền mà hắt hủi mẹ cha. Làm gì có ai nhặt người dưng về nhà làm mẹ. Trạo cười hì hì bảo “có đấy chứ. Thiếu gì chuyện tốt đẹp trên đời tại mẹ chưa nghe thấy đấy thôi”.

Mọi người xúm lại kê thêm cái tủ vải, đổi cho Trạo cái giường rộng hơn. Người cho lọ dầu gió, người mấy vỉ thuốc hoạt huyết. Có người mua cho cụ đôi dép, cái nón mới thay cho cái nón mê. Người đến bữa mà thấy Trạo đi làm vắng sợ bà cụ ăn uống qua loa nên bưng sang vội bát canh. Cũng có hôm họ kéo bà cụ sang ăn cùng, thêm người thì thêm vui. Việc Trạo mang bà cụ về nuôi như cơn mưa mát lành tưới tắm những tâm hồn đang khô héo vì chật vật mưu sinh, lo toan nhàu nhĩ. Họ ngẫm thấy cuộc đời còn bao điều tốt đẹp, nhẹ nhõm thôi mà sống để thương nhau.

Bà cụ ở nhà mãi cũng buồn nên đòi muối rau dưa mang ra chợ đầu ngõ bán. Chợ bán cho công nhân là chủ yếu nên thứ gì cũng rẻ. Đang bán thấy trời mưa thương các cháu công nhân đi làm không ai thu quần áo bà lật đật chạy về. Cái sân lá rụng đầy, công nhân bận tăng ca may quá đã có bà quét dọn. Thẻo đất thừa bỏ cỏ mọc đầy có bà xới quang quải mấy luống rau.

Có lần đi làm về thấy Đào ngồi ngoài bậc cửa khâu quần áo, Trạo bùi ngùi đứng ngắm hồi lâu. Hàng xóm thấy cảnh đó vừa vo gạo vừa hát nghêu ngao: “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”. Đào ngượng ngùng vờ mắng Trạo sao nhà chẳng có cây kim cuộn chỉ nào? Nãy người ta phải ra chợ tìm mua hết cả hơi. Không biết anh ăn mặc kiểu gì mà bộ quần áo công nhân nào cũng tuột chỉ cả gang tay? Mà sao râu tóc anh để rậm rịt thế kia? Trông vừa già vừa xấu.

Trạo nghe mắng mà hạnh phúc quá chừng. Bà cụ cũng nói rồi “chỉ có quan tâm mình người ta mới càm ràm chuyện tóc tai, khăn áo”. Có khi vì thèm được quan tâm Trạo để mình luộm thuộm thêm một tí. Sáng đi làm cố tình để chăn gối lộn xộn, đôi dép trước cửa nhà mỗi chiếc một nơi. Chiều trở về thấy mọi thứ ngăn nắp đâu vào đấy. Ngó dáng Đào nhặt rau ngoài cửa, Trạo bảo mẹ già:

– Có cô Tấm khéo thế này phải giữ chặt thôi. Không hở ra là người ta bắt mất. Mẹ nhỉ?

Bà cụ móm mém cười khi thấy đôi lứa liếc nhìn nhau đắm đuối, thẹn thùng. Trạo không ngờ hạnh phúc đến với mình ngọt ngào đến thế. Từ người chẳng quê quán, người thân giờ đã có gia đình với mẹ già và một người phụ nữ chịu thương chịu khó. Người không chê những đồng lương công nhân ít ỏi. Không chê mùi mồ hôi trên vai áo công nhân đã bạc màu. Không chê xóm trọ nghèo với những người công nhân chân chất, thật thà.

Xóm trọ mừng cho Trạo, họ bảo nhau hạnh phúc thường đến với những người xứng đáng. Nhìn mấy mẹ con Trạo quây quần bên bữa cơm chiều sau một ngày vất vả, ai đó mới thấy rằng thành phố hoa lệ này đâu phải “hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo” như người ta vẫn nói. Những con người đơn lẻ sẽ nương tựa vào nhau thành một mái nhà…