Nhập thất: Đường vào đạo (10)
Hay nói như Ông TKĐ: Đường về xứ Phật là tâm đạo
“…Đường về xứ Phật là con đường tâm linh cao rộng. Tuy thênh thang và tự do nhưng không dễ tìm thấy như đại lộ Đông Tây hay như đường xuyên Nam Bắc vì đây là con đường đo bằng trí tuệ và thấy bằng tâm linh. Viết những dòng này, người viết chỉ mong là những người tôn Phật làm bổn sư, quy hướng Phật làm tâm linh sư biểu sẽ thấy nhau rõ hơn trên đường về xứ Phật…”
Ai đó đã ví von đời như một thế giới ngán ngẩm đáng sợ mà kẻ bên trong ê ẩm, muốn thoát ra mà không thể, còn người bên ngoài thì vẫn đang hâm hở nhảy vào để trải nghiệm cuộc chơi của tạo hoá, cuộc chơi nhân quả. Kẻ muốn thoát ra không được, nhưng người hâm hở nhảy vào thì vẫn liên tục được bổ sung đông đen như kiến cỏ. Cứ quanh quẩn, chen chúc, lao đao như kiến bò miệng chén với lừa mị, bịp bợm, dối trá: thực phẩm chức năng lên ngôi, dược phẩm lên giá, bệnh viện ngày càng nhiều hơn, người tự tử mỗi ngày tăng vọt, trọng án, giết người cướp của dày đặc như cơm bữa, thậm chí cái chết tự nhiên có tên gọi là đột quị trở thành phổ biến…cha giết con, vợ giết chồng, anh giết em…Thậm chí tìm cho mình một nơi để qui y, tìm một pháp danh để gọi nhau thân thiện mà sao tình thân giống như thực phẩm chức năng, như các loại tân dược quảng cáo hàng ngày trên mạng xã hội trong cuộc chiến thị phần, trong kỷ xảo thương mại.
Khi cái ác mặc nhiên tăng trưởng thì tôn giáo lại càng là chỗ dựa, chỗ để bám víu lòng tin, hoặc chí ít như thêm chút gia vị cho cuộc đời, cay hơn tí, đắng chát hơn tí. Trong khi, đường vào đạo thì mất dấu, đầy dẫy chông gai, chẳng biểt đâu mà lần.
Kinh Bát Thành là một trường hợp như thế, tập kinh rất cơ bản trong Trung Bộ Kinh là tập kinh mà Ngài A-nan thay mặt Đức Phật, chỉ rõ đường lối tu tập vào chánh đạo đã được Trưởng lão Thích Thông Lạc phân tích sự pha trộn của Bà La Môn thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất.
“… Nhưng kinh Bát Thành này đã bị người sau thêm vào Bốn Định Vô Sắc. Bốn Định Vô Sắc là bốn loại định tưởng. Bốn loại định tưởng thì không thể nào tu tập đi đến rốt ráo được, vì chính Đức Phật đã nhập các loại định tưởng này còn phải bỏ mà trở về tu tập Bốn Định Hữu Sắc mới thấy được sự giải thoát làm chủ sanh, tử chấm dứt luân hồi. Bốn loại định vô sắc này được cộng chung lại với tám pháp đầu tiên là 12 pháp, như vậy bài kinh này đúng ra phải có tên là “Thập Nhị Thành” chứ đâu gọi là “Bát Thành” được. Đó là cái sai thứ nhất trong bài kinh này, do các vị Tổ Sư kết tập kinh.
Cái sai thứ hai là đoạn kết của bài kinh này: “Bạch Tôn Giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong lúc tìm được 11 kho tàng cất dấu. Cũng vậy bạch Tôn Giả, như ngôi nhà người ta có đến 11 cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn. Cũng vậy, bạch Tôn Giả, chỉ với một cửa bất tử trong 11 cửa bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con”. Tựa kinh đề là “Bát Thành” mà kết luận là “Thập Nhất Thành”, còn trong bài kinh này thì nêu ra 12 pháp tu tập. Kinh viết như vậy có nhất quán không. Các bạn nghĩ sao về những việc làm của các bậc tôn túc ngày xưa? Họ có thấy khi kết tập kinh sách Phật là một trách nhiệm với Đạo Phật và con người đời sau không?..”
“…Người từ thành Bát.
Tôn giả Ànanda dạy 11 “cửa bất tử “, qua cửa này một tỳ kheo có thể đạt đến vô thượng an ổn khỏi trói buộc.
Gia chủ Dasama đến gặp tôn giả Ànanda hỏi về pháp môn độc nhất mà nếu tinh tấn tu hành, sẽ khiến tâm chưa giải thoát được hoàn toàn giải thoát, lậu hoặc chưa trừ hoàn toàn được đoạn trừ, đạt vô thượng an ổn. Tôn giả giảng, đó là pháp môn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với 5 thiền chi, lần lượt chứng đến tứ thiền chỉ còn xả niệm thanh tịnh; an trú bốn phạm trú: biến mãn 10 phương với từ tâm giải thoát, bi tâm giải thoát, hỷ tâm giải thoát, xả tâm giải thoát; tu tập ba trong bốn Không định là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ…” – chỉ đưa vào 3 (trong 4 thiên vô sắc) cho hợp với con số 11( thập nhất thành).
Một trong những cái lỗi rất lớn của đại chúng đó là sự ngây thơ, dễ dãi lấy thầy làm pháp thay vì lấy pháp làm thầy như Phật đã đạy “Sau khi ta nhập diệt hãy lấy giáo pháp và giới luật làm thầy”. Cũng như để sự truyền đạt tri kiến giải thoát không bị thêm thắt làm tam sao, thất bổn, Đức Phật đã căn dặn 10 điều về lòng tin chân chánh “Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng”. Tất cả những điều Phật dạy đều bị làm ngược lại:
2. Chỉ biết lấy thầy làm pháp
Đường vào đạo đó là lối thoát hiểm mà Đức Phật chỉ rõ ràng thông qua kinh Bát thành gồm
1. Tứ thánh định
2. Tứ vô lượng tâm
Với tứ thánh định gồm 4 bậc thiền hữu sắc (theo thứ bậc từ thấp đến cao): Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và tứ vô lượng tâm ( lộ trình 4 hướng như nhau): từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng.
Sau 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã chỉ ra những phân tích bám chặt vào Tứ diệu đế, những điều mà mình đã tuyên thuyết, Khổ-tập-diệt-đạo.
Con đường vào đạo, cũng thế, luôn nhất quán, không mơ hồ, trừu tượng, không vòng vo, quanh co, vì thế cho đến khi sắp nhập diệt còn căn dặn kỹ càng “Hãy lấy giới luật và giáo pháp ta làm thầy”. Hãy tự mình làm ngọn đèn, tự thắp đuốc lên mà đi, không dựa vào bất kỳ gì khác…
Con đường vào đạo ấy là gì? Đó là công cụ, là Kinh Bát thành: 1. Tứ thánh định, 2. Tứ vô lượng tâm. Ở đây, chỉ dựa vào dữ liệu, dựa vào sự khả tín, dựa vào lòng tin có một A-la-hán (Trưởng lão Thích Thông Lạc) để tìm đến con đường tự thắp đuốc lên, tự dựa vào chính mình, tự tu, tự chứng, vẫn đầy dẫy những ngộ nhận, lầm chấp nếu ban chưa đủ, không đủ năng lực tư duy. 37 phẩm trợ đạo với sư rút bớt, thêm vào, thay đổi.
“…Trên đây là mục lục của 37 phẩm trợ đạo nguyên bản (trái), Tu viện Chơn Như (phải). Đối chiếu cả hai (phần mực đỏ) là những pháp (nguyên bản) bị rút bỏ (Bát chánh đạo) và thêm vào (Tứ vô lượng tâm, tứ bất hoại tịnh). Và từ đây 37 phẩm theo Chơn Như có 8 mục chứ không phải 7 như nguyên bản…”
Chẳng có con đường trơn tru, bằng phẳng. Chí sĩ Phan Bội Châu đã viết: Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai. Chọn lấy con đường lìa xa danh lợi, rủ bỏ những triền phược thế gian cũng tức là đi ngược hướng với mọi sự dính chấp quanh mình, trên con đường thế tục: Thân bằng, quyến thuộc, cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, đồng sự…Kể cả khi bạn chọn lấy vị đạo sư cũng chưa phải đã là nơi để bạn có thể bám víu, để dựa dẫm.
Để có thể trở thành con cua đơn độc bức khỏi cái xô chật chội, chen nhau lúc nhúc đâu đơn giản. Không dám tin vào chính mình, không đủ sự tinh tấn, sáng suốt không dám vượt mọi thị phi đời thường, không dám chịu đựng kham nhẫn thì bạn vẫn chỉ là con cua lao xao, hoảng loạn trong xô chờ đưa vào cối giả để làm thành món bún riêu cua hay nồi lẩu cua đồng…
Nếu những đố kỵ lúc đầu trước danh xưng A-la-hán của Trưởng lão đã làm dậy lên làn sóng công kích, phản bác, xúc xiểm. Thì giờ đây, khi đã qua kỷ niệm lần thứ 10 ngày Trưởng lão nhập diệt thì những thị phi ấy lại trở thành câu hỏi cho lớp hậu sinh về sự ra đời của một A-la-hán. Tôi không nghi ngờ về danh xưng ấy bởi lẽ không trải nghiệm, không chứng đắc thì không ai có thể soạn ra những clip, những dữ liệu chi tiết rõ ràng về hành trình đó.
Nhưng nếu để mở và đàm luận tôi vẫn có thể chừa chỗ cho các bạn qua bài viết Bài toán có hai nghiệm.