Nhân quả của kính trọng và biết ơn thầy cô giáo
Khi ta trưởng thành, rời xa ngôi trường và thầy cô nhưng vẫn biết ơn thầy cô, điều đó không chỉ làm thầy cô hạnh phúc mà còn xây dựng nhân cách, đạo đức cho ta, thấu hiểu được đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Tôn sư trọng đạo”.
Hùng chậm rãi dạo bước trong sân trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó trầm mặc. Hùng vừa được Hội đồng chức danh Giáo sư Việt Nam phong là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam và nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sống ở Hà Nội xa xôi, công việc nghiên cứu bận rộn nên lâu nay anh chẳng thể về thăm thầy cô.
Hùng tìm đến văn phòng hiệu trưởng. Vị hiệu trưởng già nheo mắt nhìn người thanh niên lịch lãm trước mặt.
Người càng thành công càng có lòng biết ơn
– Em chào thầy ạ. Em là Hùng. Hùng Lém của 15 năm trước mà thầy từng quất 3 roi vì nghịch ngợm đây ạ. Thầy còn nhớ em không ạ?
– Thầy nghe nói em đang công tác ở Đại học Y Hà Nội mà. Em về khi nào? Em ngồi uống nước với thầy.
Thầy Hiếu chậm rãi pha trà, rót nước mời cậu học trò yêu quý năm xưa nay đã thành đạt.
– Còn nhớ năm đó, em là đứa trẻ ương bướng khó dạy, thế nhưng thấy chẳng nề hà khó khăn mà vẫn tận tâm dìu dắt một học trò như em. Thầy là người truyền trao tri thức và đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng đạo đức cho em. Ơn thầy dạy dỗ em sẽ không bao giờ quên.
Thầy Hiếu mỉm cười đáp:
– Hồi nhỏ, thầy cũng nghịch lắm, lại còn trốn học nữa. Thầy hay qua ngôi chùa gần đó đùa giỡn, phá phách. Thấy vậy, vị sư trụ trì bên ấy liền gọi thầy đến hỏi thăm rồi kể cho thầy nghe những câu chuyện Nhân quả trên đời. Vị ấy nói rằng: “Kính Thầy mới được làm Thầy. Nếu ta biết kính trọng những người đáng kính thì Nhân quả sẽ nhận được sự yêu kính từ người khác.” Lúc đó, không hiểu sao câu nói ấy đã in sâu vào tâm thức của thầy. Từ đó, thầy đã chăm chỉ học hành hơn, biết yêu kính thầy cô hơn. Có lẽ Nhân quả từ sự yêu kính thầy cô đã giúp thầy đạt được ước mơ trở thành thầy giáo.
Nhấp chén trà, thầy Hiếu tiếp tục:
– Người thầy nào cũng mong học trò của mình tiếp thu thật tốt những điều mình truyền dạy. Em cũng hãy lấy đạo đức làm nền tảng dạy dỗ cho các thế hệ học trò của mình. Dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho chuẩn mực đạo đức và là người gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Chính sự đạo đức, tấm lòng yêu kính thầy cô giáo sẽ tạo thành nhân đem đến những quả báo tốt lành.
Hùng lễ phép đáp lời:
– Thưa thầy, em xin ghi nhớ những lời thầy dạy bảo ạ.
Khi ta trưởng thành, rời xa ngôi trường và thầy cô nhưng vẫn biết ơn thầy cô, điều đó không chỉ làm thầy cô hạnh phúc mà còn xây dựng nhân cách, đạo đức cho ta, thấu hiểu được đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Tôn sư trọng đạo”. Chỉ những người biết yêu kính thầy cô thì mới được quả báo học giỏi, thành công, được nhiều người kính trọng và nhiều kiếp thường gặp những người thầy tốt. Ngược lại, dù có thành công như thế nào nhưng nếu quên đi người thầy của mình hay gieo nhân bắt kính sẽ gặt lại quả bảo bị xem thường, dễ bị quay lưng phụ bạc.
Thiền Tôn Phật Quang.