Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch): Tuyệt luân những khúc nhạc Lạc Hồng

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 

 

Chuyện tình Lạc Long Quân và Âu Cơ quả là tuyệt phiêu của tộc Rồng Tiên. Nòi Rồng giống Tiên giao hòa để khởi huyết tạo thống cho dân tộc Lạc Việt bằng bọc trứng đồng bào.

 

Rồi chia nhau ra đi khai hoang, mở cõi và xây đắp cơ đồ bằng lòng kiên trung. Rồi chống chọi với thiên tai, địch họa bằng sự bất khuất. Cái mật thức đó ẩn tàng trong chiếc bánh chưng bánh dày vuông tròn âm dương trời đất, tiềm tàng trong đường bay vút phiêu đàn chim Lạc tỏa khắp bốn phương trời. Cái ẩn thức đó mật tàng trong tiếng giã gạo thậm thình đêm xuân hát xoan, hát ghẹo hay tiếng đàn ngàn luân tích tịch tình tang.

Cái linh thức đó được mã hóa trong trái dưa xanh vỏ đỏ lòng nơi trùng dương Biển Đông, trong sản vật đặc phẩm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, trong tiếng nước chảy trùng hằng trên bãi cát Tự Nhiên sông Hồng, trong lũy tre đằng ngà mà cậu bé lên ba nhổ lên đánh giặc Ân…

Cái phiêu thức Rồng Tiên vừa linh tàng vừa biến hiện trong mỗi nhịp điệu sinh hoạt cuộc sống thường ngày của Lạc dân suốt hơn bốn ngàn năm qua, trong những ứng biến trước sự cuồng nộ của thiên nhiên trời đất, trong cách ứng xử đối với biến cố chiến chinh của dân tộc Việt trước sự đe dọa xâm lăng từ bên ngoài.

Bừng khởi khúc nhạc Tiên Long

Cảm thức Tiên Rồng đi vào nghệ thuật trở thành sự tự tôn dân tộc. Cảm thức Rồng Tiên đi vào thi ca hóa thành những vần thơ tự hào nguồn cội. Cảm thức đó đi vào âm nhạc thành khúc ca Tiên Rồng ngập tràn hào khí tự cường. Đã có nhiều nhạc phẩm lấy cảm hứng từ truyền thuyết Tiên Long, đã có nhiều ca khúc khai thác huyền sử Rồng Tiên của xứ sở. Các bài hát đó sẽ tập hợp thành dòng nhạc Tiên Rồng? Những nhạc khúc Rồng Tiên đó có tạo thành dòng chảy đậm bản sắc Việt?

Dù khai thác chất liệu âm nhạc nào, dân ca hay đương đại, dù là thể loại âm nhạc nào, giao hưởng thính phòng hay ngũ cung truyền thống, dù hàn lâm tinh hoa bác học hay đại chúng rock, rap, dù sâu lắng trữ tình hay nhiệt cuồng hừng hực thì cái cảm thức Rồng Tiên, cái khí chất hùng thiêng cũng hiển lộ. Những nhạc khúc Lạc Hồng đều bừng lên cái hùng khí, hạo khí của con dân đất Việt.

Ngay từ thuở ấu thơ, thấm vào ta là khúc ca Đất nước lời ru (Văn Thành Nho) khắc vào tim bao thế hệ: Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/ Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả. Giai điệu ầu ơ đó cất lên từ ngàn đời để đất nước mãi rạng rỡ, lời ru trong bão giông mà ngọt ngào tình yêu thương biển trời. Lời ru Âu Lạc (Lê Minh Sơn) mang âm hưởng dân gian tiếp bước đến đương đại: Biển sóng đại dương có bàn tay cha Rồng/ Mặt đất hoang vu mẹ Âu Cơ xây đắp. Huyền thuyết Lạc Âu có mẹ Tiên cha Rồng dựng nước dạy non công ơn luôn ghi nhớ.

Huyền sử Âu Lạc (Mai Thu Sơn): Rồng và Tiên duyên trời đất dung hòa nhau/ Rồng và Tiên lưu dòng máu cho đời sau. Dòng máu từ tinh cha huyết mẹ mà tạo khởi, dòng máu qua tinh hoa trời đất mà trở lên quật khởi, dòng máu đó sẽ thăng khởi với thời gian. Trong niềm thành kính Tiên tổ, nhạc sĩ Lê Tứ đã khắc tạc giai điệu Hùng thiêng Âu Lạc: Ơi tiền nhân tiếng gọi non vàng/ Ơi tình yêu khởi nguồn câu ngàn/ Ngàn năm Việt Nam bình yên câu hát ru/ Hồng hoang ngày ấy tiếng đưa nôi mẹ hiền. Hồng ân của Tổ tiên, công đức của vua Hùng đã khởi dựng nước non, khởi tạo cơ đồ này để Hào quang Việt Nam sáng/ Khí phách Việt Nam hùng/ Dân tộc Việt Nam cường/ Con cháu Việt Nam thịnh (Cao Minh). Dòng giống khang cường, nước Nam văn hiến, tinh thần ấy ta cũng thấy được khi nghe ca khúc Hùng Vương (Thẩm Oánh).

Cảm thức Rồng Tiên vẫn chảy truyền từ cội nguồn thiêng liêng qua bao trầm thăng suốt bốn ngàn năm, tới nhạc sĩ Lê Quang thì thành chùm ca khúc: Dòng máu Lạc Hồng, Bản hùng ca chim Lạc, Đất Việt tiếng vọng ngàn đời, Dân nước Nam, Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa… Cảm thức Lạc Hồng dẫn dắt Chương Đức mà thành bài hát Nòi giống Tiên Rồng với giai điệu trầm hùng, ca từ rực hùng: Như sấm vang chuyển rung trời xanh/ Người nước Nam khí thiêng hùng anh/ Nòi giống ta Tiên Rồng rực sáng/ Lạc Long Quân Mẹ Âu Cơ/ Trăm trứng truyền rạng rỡ phương Nam. Trong Hồi ký Rồng thiêng (Lương Bằng Quang), cảm thức đó nhiệt thành: Chỉ mang theo tình thương, một vòng tay nơi cố hương/ Gửi vào đây hai tiếng yêu đồng bào.

Nương theo cảm thức nguồn cội, Thanh Tùng sáng tác nhạc thiếu nhi: Bay lên đi lên đi nòi giống Tiên Rồng/ Nào bay lên bay lên con cháu Lạc Hồng/ Mang theo trong tim dòng máu anh hùng/ Dựng xây non sông Việt Nam.. (Bay lên nòi giống Tiên Rồng). Dấu chân Rồng Tiên (Ric Nguyễn), OST phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên đã truyền tải các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt: sự lao động, chinh phục thiên nhiên, lòng tri ân, sự đoàn kết, tình yêu thương đồng bào và niềm tự hào tộc Việt: Đoàn kết lại, ta đẩy lui mọi hiểm nguy/ Đoàn kết lại, ta sẽ không sợ hãi điều gì. Còn Hào khí dân tộc Việt (Đông Duy) là thông điệp về tình yêu Tổ quốc và ý thức đoàn kết dân tộc Việt Nam: Hùng thiêng ầm vang núi sông/ Nhịp trống hào khí khắp nơi dựng xây bình yên bờ cõi.

Ở một rung động cảm phiêu khác, cái tuyệt thức Tiên Rồng đã nhập vào Holy Thắng để bật ra thành giai điệu đầy hừng sảng Hào khí Việt Nam: Đinh, Lý, Trần, Lê… ơi! Nguyện xin khắc ghi đời đời/ Xương máu Rồng Tiên ơi! Còn đây kiên trung bất khuất/ Như sóng biển Đông kia, ngàn năm mãi luôn lưu truyền/ Hào khí trời Nam ta, rạng ngời sắt son Việt Nam.

Cảm hứng từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt về tuyên ngôn độc lập và chủ quyền quốc gia cũng có đến ba bài hát Nam quốc sơn hà. Nếu bản của Thanh Sử là bập bùng ngọn lửa thiêng tiếp bước ra sa trường của từng lớp trai làng đi chinh chiến sá chi da ngựa bọc thây dưới ngọn cờ Lý Tướng quân thì bản của Sol’Bass là ngọn sóng Bạch Đằng ngàn năm vẫn cuồn cuộn chảy như Ngô Quyền vẫn còn gióng trống, là ngọn núi Non Nước ngàn năm vẫn sừng sững đứng như Lê Hoàn đại thắng khi chống Tống để khẳng định “Dù thời nay hay thời người Việt cổ, lịch sử nước Việt phải do người Việt viết vô”.

Tuyệt luân khúc hùng âm Tiên Rồng

Chủng tử của cái cảm thức Rồng Tiên ấy là gì? Chính là khối kết đoàn dân tộc được cô đọng trong hai tiếng “đồng bào”. Hễ ai đi ngược lại với vòng quay dân tộc tất sẽ bị lịch sử nhấn chìm. Bất cứ chim Lạc nào bay ngược đàn sẽ mang nỗi côi cút cố hương. Cứ con voi nào quay đầu không chầu về núi Tổ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc…

Báu vật thiêng chứa muôn hồn Việt là chiếc trống đồng. Nhìn lên mặt trống thấy miên man chiều sâu đất nước, trong xa thẳm hồng hoang, những Lạc dân tề tựu bên nhau chung sống kết đoàn. Nghe âm thanh trống đồng thấy bản trường ca vang khúc hùng phiêu, hằn in dấu ấn Những quyền lực của Lạc Hầu, Lạc Tướng/ Dẫn dắt dân tộc bao đời thịnh vượng.

Dưới mái đền Hùng, trong khói hương ngày Quốc giỗ, chúng con về đây với muôn nỗi niềm riêng nhưng đều chung tấm lòng tri ân nguồn cội. Bắc Trung Nam chung một đồng bào, tất thảy nghe đồng vọng hồn Tổ tiên vang dậy, một tinh thần kiên trung bất khuất, nguyện sống hết mình vì đất mẹ Việt Nam. Ngày giỗ Tổ, trong hương trầm uốn khúc, nghe nhạc khúc Rồng Tiên, ta bỗng thấy hiện lên trên phiến đá hoa cương hình Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ, bọc trứng đồng bào và 18 đời vua Hùng Vương… tuyệt luân màu hổ phách!