Nhận khổ đau, đổi hạnh phúc cho người
Chúng sinh xưa nay chìm đau khổ,
Chỉ vì lo hạnh phúc riêng mình.
Chư Phật từ bi lòng thương xót,
Duy chỉ lợi tha, Phật đản sinh.
Nương theo gương Phật, bao hạnh phúc,
Đổi cho người, ta nhận khổ đau.
Đây mới là hạnh chân Phật tử,
Hãy một lòng dốc chí vâng theo.
Tâm Bồ đề có hai phương diện: Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh. Bồ đề tâm nguyện là mong mỏi được giác ngộ, không chỉ cho riêng bạn mà còn cho tất cả chúng hữu tình. Điểm trọng tâm cần tập trung là: “Vì tất cả chúng sinh nguyện tôi đạt được giác ngộ.” Bồ đề tâm hạnh là những hành động thực tế, những hành động được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm nguyện.
Trong Hành Bồ tát đạo có nói Bồ đề tâm nguyện cũng tựa như một người muốn tới một nơi, anh ta có thể rất muốn đi nhưng chưa cất bước, đó chỉ đơn thuần dừng lại ở sự mong muốn. Cũng vậy, một hành giả muốn đạt giác ngộ mạnh mẽ nhưng chưa làm điều gì cả thì mới chỉ dừng ở mức độ mong nguyện. Chỉ khi các thiện hạnh được thực hiện thì chúng ta mới nói đến Bồ đề tâm hạnh hay các thiện hạnh hướng về sự giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Trong trường hợp này, thiện hạnh chính là Sáu Ba la mật[1] : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Khi thực hành thiện hạnh, bạn tiếp tục duy trì Bồ đề tâm nguyện này, nếu không bạn không thể thực hành. Cho dù, khi bạn cố làm các thiện hạnh mà không có Bồ đề tâm, thì đó cũng không phải con đường Đại Thừa, thậm chí không phải là Nguyên Thủy Phật giáo. Do vậy, trước hết bạn nên phát triển Bồ đề tâm nguyện mạnh mẽ và sau đó thực hành Sáu Ba la mật dưới sự hỗ trợ của tâm Bồ đề này.
Có ba cách khác nhau trong việc giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Để có năng lực và phương pháp giúp họ giải thoát, trước hết bạn phải đạt giác ngộ. Đó là lý do chúng ta nên phát nguyện: “Nguyện con đạt giác ngộ vì sự giải thoát cho tất cả chúng hữu tình.” Đây là cách đầu tiên để trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Xét về các phương tiện thiện xảo thì phát Bồ đề tâm nguyện giác ngộ cho tất cả chúng sinh là thiện xảo nhất. Nếu không đạt được giác ngộ, bạn sẽ không thể làm bất cứ điều gì, ngay cả với một Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh để thực hành các Ba la mật, cũng là không thể nếu chưa đạt giác ngộ.
Cách thứ ba là một số vị Bồ tát mong đạt giác ngộ cùng lúc với tất cả chúng sinh. Các ngài nghĩ rằng: “Tôi muốn đạt giác ngộ cùng với họ, không phải trước họ, nguyện chúng tôi cùng đạt giác ngộ.” Đây là quan điểm của vị thuyền trưởng, người chèo lái con thuyền. Họ nhìn thấy cơn lốc và những hiểm nguy và nỗ lực hết sức để băng qua sông cùng những hành khách của mình. Họ không nghĩ rằng họ nên đi trước và sau đó dẫn đạo cho mọi người, hoặc đợi tất cả các hành khác đến trước rồi họ mới đi. Họ muốn vượt qua sông cùng lúc với tất cả mọi hành khách. Động cơ này giống như động cơ của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), cũng vô cùng vĩ đại.
Quan điểm Bồ tát luôn đặt nền tảng trên việc quan tâm đến tất cả chúng sinh chứ không phải bản thân. Chúng ta cần nhận ra rằng: quan điểm của chúng ta chẳng tương hợp với các ngài, các ngài luôn chăm lo đến giải thoát hết thảy chúng hữu tình, còn chúng ta thì bị luân hồi chi phối nên luôn nghĩ đến mình, luôn đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Chính vì thái độ mang tính luân hồi phổ biến này mà chúng ta mắc sai lầm do luôn nghĩ cho bản thân, luôn đặt lợi ích của mình lên trước. Bất cứ điều gì chúng ta làm đều vì bản thân. Trên khía cạnh vật chất, trong kinh doanh, điều này thật dễ hiểu nhưng ngay cả khi thực hành tâm linh, chúng ta đôi khi cũng thực hành vì bản thân hơn là vì người khác. Điều này hoàn toàn sai lầm và cần được loại bỏ để tu tập theo con đường Bồ tát.
Chúng ta cần phát khởi tâm Bồ đề, chuyển đổi hạnh phúc của chúng ta với khổ đau của người khác. Đó là sự chia sẻ, không chỉ chia sẻ những gì chúng ta không ưa, mà còn chia sẻ những gì chúng ta trân trọng. Mong muốn nắm giữ những thứ này cho bản thân là sự yếu đuối, do vậy chúng ta cần biết cách tu tập pháp cho và nhận giữa ta và người. Đây là một pháp tu sâu sắc cần được thực tập dần dần. Chúng ta không thể lập tức thực hành trong một ngày, hai ngày. Con đường Bồ tát hạnh rất khó khăn đòi hỏi nhiều thời gian để hoàn thành.
Trước hết, khi chưa thể thực sự “cho và nhận” chúng ta cần tu pháp này trong sự thiền định, quán tưởng của mình. Chẳng hạn, khi thở ra, những hạnh phúc, an lạc, sức khỏe và giàu có của bạn đi ra cho tất cả chúng sinh, khi nhận được những thứ này họ rất hoan hỷ và hài lòng với món quà của bạn. Sau đó, khi hít vào, những khổ đau về vật chất hoặc tinh thần của họ đi vào trong bạn. Để rèn luyện tâm Bồ đề của mình, bạn hãy quán tưởng pháp này qua hơi thở ra-vào của bạn.
Chú thích
[1]. Ba la mật (tiếng Phạn:. Paramita) Nghĩa đen là “đến bờ bên kia”.