“Nhân chi sơ tính bản ác”

Nếu Khổng Tử và Mạnh Tử chủ trương: Nhân chi sơ tính bổn thiện thì ngược lại, Tuân Tử đã đưa ra tư tưởng “Nhân chi sơ tính bản ác”.

Ảnh minh hoạ

Tuân Tử, 316-237 TCN, là một nhà triết học theo trường phái Pháp gia – Cai trị bằng Luật pháp, ông sống trong giai đoạn sa sút, tan vỡ của nhà Chu, là chứng nhân sự sụp đổ của nhà Chu cùng với sự nổi lên, thành lập vương triều Tần. Tư tưởng của Pháp gia là “tập trung vào sự kiểm soát của nhà nước bằng luật pháp và hình phạt”. Do vậy, khác với các nhà Nho khác, ông cho rằng những luật lệ để trừng phạt cần thiết phái được tồn tại, nó đóng vai trò nhất định trong việc quản lý nhà nước.

Ông cũng không giống với một số nhà Pháp gia khác, như ít chú trọng đến các luật lệ chung mà ủng hộ việc sử dụng ví dụ cụ thể (những án lệ như ngôn từ hiện nay hay dùng) để làm hình mẫu thực thi pháp luật.

Học thuyết tính ác của Tuân Tử cho rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác. Lúc đầu, con người mang đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc… họ chỉ “thiện” nhờ quá trình bồi dưỡng, giáo dục, chế tài của xã hội. 

Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh cướp và do đó, xã hội hỗn loạn. Buộc cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người. Tuân Tử cho rằng, chỉ có giới tinh hoa mới làm được điều này, còn lại là giống người mông muội lấy ác làm tiền đề và cần phải chế tài nghiêm khắc.

Theo ông, “ác” đối lập với sự “thiện”, gọi là thiện chỉ những gì hợp với sự “chính lí bình trị” gọi là ác là những gì hợp với sự “thiên hiểm bội loạn”. Đó là thiện và ác”.

Từ đó, những gì mang lại thái bình thịnh trị, đất nước ấm êm thì là “thiện”. Ngược lại điều gì mang lại hỗn loạn vô lối, chiến tranh bạo lực thì đó là “ác”. Những đúc kết ấy, ông rút ra từ cuộc sống của thời kỳ suy đồi sụp đổ của nhà Chu cũng như những tranh cướp đàn áp, giành giật của nhà Tần.

Với Tuân Tử cái gì đi ngược với đạo đức luân lý của xã hội, đi ngược lại với thái bình thịnh trị là ác.

Theo Tuân Tử: “Tính” là cái trời sinh ra đã có, vốn thế, không thể học cũng không thể làm ra được. Đó là bản tính tự nhiên của mỗi con người. Tính thì ai cũng như ai, đều ác cả: tính của thánh nhân cũng như tính người thường. Bản tính của con người tự nhiên là ích kỷ, thu vén về mình mình, thích ham muốn hưởng thụ.

Để giải quyết cái ác, ông đề ra chủ trương, từ khi sinh ra con người đã có sẵn và mang “khuynh hướng xấu”. Nhưng cũng con người còn có yếu tố hướng đến sự thiện: con người vẫn có thể hướng thiện xuyên qua “tâm”.

Nhờ tâm, người ta mới có thể hiểu được đạo lý: Tâm như là mâm nước. Khi nước lặng yên không bị khuấy động thì bụi bặm lắng xuống, nước trong sáng như gương phản ánh rõ ràng từng sợi râu, lông, tóc. Tâm mà tĩnh lặng cũng có thể soi chiếu đến tận cùng cái lý của vạn sự vạn vật.

Ông chỉ ra, đường hướng để giúp con người trở nên người tốt hơn buộc phải qua dậy dỗ, rèn giũa mà thành Thiện nhân. Giống như cây bị cong, bị vênh muốn uốn cho thẳng thì trước hết cần phải luộc, phải hơ nóng và phải có khuôn để uốn. Dao bị cùn thì cần mài, dũa mới bén được.

Hàn Phi, người được coi là nhà Pháp trị xuất sắc, là học trò Tuân Tử đã đưa tư tưởng của ông phát triển lên thành một học thuyết, được gọi là “Học thuyết pháp trị”. Một học thuyết đến nay vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, kẻ khen, người chê đều không thiếu.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhưng tính cũng phải qua giáo dục, rèn luyện và chế tài mới thành.

Con người, nhân bất học bất tri lý. Bất hành, không thành người.

Không rèn luyện, không lớn được; không tuân theo quy luật, luật lệ thì trời không dung đất không tha.

Tôi nghĩ vậy, muốn có xã hội lành mạnh, người ta phải được giáo dục nhiều nhất có thể, tuyên truyền rộng, chế tài thường xuyên và có môi trường an toàn để sống và làm việc.

Làm thế nào để chữa tính ác?

Để phần nào giảm thiểu sự ác, các nhà giáo dục đề nghị cha mẹ phải dạy dỗ con cái biết sống tinh thần xã hội không vị kỷ. Các bậc cha mẹ phải tránh những câu nói làm tổn thương, hạ nhục hay châm chọc con cái của mình. Để chữa tính ác, các nhà phân tâm học đề nghị phải khơi dậy lương tâm. Kẻ ác biết rõ việc mình làm và phải cho kẻ ác cắn rứt lương tâm về việc làm này: có như vậy mới mong cởi bỏ tính ác nơi con người này.

Trong một xã hội bị lôi cuốn theo những giá trị vật chất, con người cần đề cao những giá trị của lòng hảo tâm để kháng cự lại tính hung dữ, vì xét cho cùng tính hung dữ là vũ khí của kẻ yếu. Chính vì vậy xã hội cần xiển dương lẽ công bằng và tình liên đới. Khổng Tử đã từng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái mình không muốn, chớ làm cho người). Nhưng thực thi tinh thần vị tha không phải là một chuyện dễ.

BS Phạm Ngọc Thắng