Nhàn
Trong lần tọa đàm khoa học, một vị giáo sư chủ tọa đã đặt vấn đề với tôi: “Chư vị tu hành đắc đạo ngày xưa giúp đỡ cuộc đời sao mà nhàn quá. Bây giờ thì quá vất vả. Nhiều việc, lắm chuyện, có khi gõ cửa từng nhà để giúp đỡ cũng chưa chắc đã được đón nhận, cảm thông. Thầy nghĩ thế nào?”.
Thực tế hiện nay, không chỉ riêng chuyện trợ giúp xã hội mà đến cả việc tu hành cũng phải đối diện với nhiều thử thách không hề dễ dàng.
Cái nhàn rốt ráo, tuyệt đối; thực sự là nhàn
Nói “Nhàn” là khi ít việc, mọi chuyện được thuận như ý mình mà được nhàn? Hay nhiều việc, trong bất như ý mà vẫn nhàn?
Nếu đợi đến khi ít việc, mọi việc đều như ý mới được nhàn thì đó là cái nhàn của phàm phu; là cái nhàn có điều kiện. Vì được ít việc, thuận ý thì tôi mới được nhàn. Ngược lại thì tôi thấy sao mà lắm sự, vất vả, gian nan. Mà thực tế thì trên thế gian này, ai là người đủ diễm phúc để được ít việc, thuận duyên như mình nghĩ?
Là người đặt ra vấn đề nhàn này, có lẽ quý vị đã từng nhiệt huyết giúp đỡ cho cuộc đời và đang khá mệt mỏi.
Ngược lại, nếu bảo nhiều việc mà vẫn nhàn thì tại sao lại đặt thành vấn đề hiện nay nhiều việc vất vả?
Nếu cho rằng công việc vừa phải, sẽ nhàn. Như vậy vẫn chưa rời sự việc, còn nhằm trên công việc để nói, để bàn là còn theo vật mà quên tâm. Tâm đã quên thì rõ ràng là còn mê cho nên cũng chưa thể có đủ nội lực để được nhàn thực sự.
Chúng ta chỉ thực sự nhàn khi có được nội lực từ định tuệ của tự tâm, các hoàn cảnh không còn đủ sức chi phối, khi ấy, tự nhàn. Cụ thể, khi đã nhận ra và sống bằng thể tánh chân thật nơi chính mình. Trong ấy đã sẵn đủ định tuệ và vô biên lực. Trên cơ sở đó, đối với nhiều việc hay ít việc, dù là đối diện với hoàn cảnh thuận lợi hay nghịch duyên cũng không dính dáng hay ảnh hưởng gì đến năng lực này. Nhờ vậy, con người luôn an nhiên, an nhàn, an lạc như thế. Sự an nhàn này là vô điều kiện, không do điều kiện như thế nào tôi mới nhàn; mà tình huống, hoàn cảnh như thế nào, con người cũng luôn nhàn nhã. Được như vậy mới thật sự là nhàn. Đó là cái nhàn của bậc tu hành đắc đạo Phật giáo.
Có tỉnh lực và khéo sắp xếp sẽ được nhàn
Nơi chúng ta đang sống là cõi Ta-bà, nghĩa là kham nhẫn. Thời nào, bao giờ cũng có lắm chuyện, đến Đức Phật cũng phải có nạn, do đó phải kham nhẫn mới sống được. Dù là bận rộn nhiều việc, nhưng nếu biết khéo léo sắp xếp công việc một cách có khoa học, hợp tình hợp lý, luôn có tỉnh lực trên mọi sinh hoạt, có tinh thần vững chãi, có thái độ dứt khoát trong mọi tình huống, cộng thêm phải chịu đựng và biết chấp nhận một tí thì chúng ta cũng sẽ được nhàn. Ngược lại sẽ bị rối rắm, mất năng lượng, tự mình căng thẳng và tạo nên đau khổ cho mình ngoài ý muốn.
Vô tâm nơi sự, vô sự nơi tâm, luôn luôn được an nhàn
Cho đến những bậc tu hành đắc đạo Phật giáo tâm tuy bất động, nhưng vẫn thấy biết tất cả một cách rành rẽ rõ ràng. Mọi thứ không còn quan trọng, không còn dính mắc, không khởi tâm; nhưng quý Ngài cũng thấy rõ và uyển chuyển tùy duyên để sắp xếp mọi việc đến mức hoàn hảo, lý sự viên dung. Tuy vậy, vẫn thấy đang rảnh, rất nhàn. Lắm việc hay không việc cũng không can hệ hay dính dáng gì. Thuận duyên hay nghịch cảnh vốn chỉ có thế. Cho nên khi nào cũng rảnh rỗi, đang nhàn. Do đó, Thiền sư Tịnh Không, Việt Nam nói: “Ngày ngày đi gặt lúa, Giờ giờ kho lẫm không”, là vậy.
Trong thời đại ngày càng phát triển, áp lực công việc càng thêm nhiều, đời sống con người trở nên căng thẳng. Không cân bằng được thì không khỏi để lại nhiều vấn nạn, bất cập. Đức Phật có ra đời trong thời đại như hiện nay, Ngài cũng phải nhàn như là thời còn ít việc thì mới đúng là Phật. Và bậc tu hành đắc đạo Phật giáo luôn an nhàn tự tại như thế.
Thích Tâm Hạnh/Báo Giác Ngộ