Nguyện nào quan trọng nhất trong 48 nguyện của A Di Đà Phật?
Cổ đại đức nói nguyện nào trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện? Mọi người đều nói là nguyện thứ mười tám. Nguyện thứ mười tám là “mười niệm hay một niệm, đều có thể vãng sanh”. Điều kiện là gì?
“Dĩ Di Đà thập niệm tất sanh chi đại nguyện vi bổn” (lấy đại nguyện “mười niệm ắt sanh” của Phật Di Đà làm gốc). Đây là nguyện thứ mười tám; “phát Bồ Đề tâm” là nguyện thứ mười chín. Đây là hai nguyện trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện.
Cổ đại đức nói nguyện nào trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện? Mọi người đều nói là nguyện thứ mười tám. Nguyện thứ mười tám là “mười niệm hay một niệm, đều có thể vãng sanh”. Điều kiện là gì? Điều kiện là trọn đủ tín nguyện. Một niệm hay mười niệm là nói về lúc nào? Là nói khi quý vị vãng sanh, lúc quý vị rời khỏi thế gian, niệm cuối cùng trong lúc ấy. Niệm cuối cùng là A Di Đà Phật, do niệm ấy bèn vãng sanh.
Do vậy, lúc lâm chung, nếu một niệm vẫn là nghĩ tới tài sản trong nhà, xong luôn! Sẽ đi vào quỷ đạo! Nếu nghĩ tới kẻ nào khiến ta bị oan uổng, ta vẫn còn hận hắn, sẽ sanh vào địa ngục! Một niệm cuối cùng quyết định quý vị từ nơi này rốt cuộc sẽ sanh về đâu, mấu chốt ở một niệm ấy; vì thế, một niệm rất trọng yếu!
Điều quan trọng nhất trong việc đưa người khác đi vãng sanh (trợ niệm) là giúp cho người ấy trong một niệm cuối cùng đừng quên mất A Di Đà Phật. Chúng ta vây quanh người ấy, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, nhắc nhở người ấy, công đức vô lượng, bảo người ấy không nên có ý niệm nào khác.
Cổ đại đức đã làm rất tốt, không cho phép người nhà, quyến thuộc gần gũi người sắp mất. Khi người ấy sắp tắt hơi, người nhà, quyến thuộc lánh đi để người ấy chẳng khởi lên tình chấp. Hễ tình chấp dấy lên, ngay lập tức người sắp mất ấy bị đọa lạc, sanh trong tam ác đạo.
Người nhà, quyến thuộc rời khỏi, các đồng tham đạo hữu giúp đỡ; đấy là chính xác. Dẫu người nhà, quyến thuộc học Phật, tốt nhất là cũng nên rời khỏi, kẻo người sắp mất thấy con cháu sẽ dấy động tình cảm, khi ấy, sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Vì thế, người nhà, quyến thuộc rời khỏi người chết là chuyện hết sức hợp lý.
48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà
“Thâm minh tam bối vãng sanh chi nhân” (Nêu tỏ sâu xa cái nhân vãng sanh của ba bậc). Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng, trong hai chương Tam Bối Vãng Sanh và Vãng Sanh Chánh Nhân đã nói rõ ràng, minh bạch. “Quảng nhiếp cửu giới thánh phàm chi chúng” (rộng nhiếp các bậc thánh phàm trong chín pháp giới): Pháp môn này quá lớn, có năng lực nhiếp thọ chúng sanh trong chín pháp giới.
Trong chín pháp giới, ba pháp giới phía trên là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, chúng ta gọi họ là thánh nhân. Bồ Tát là đại thánh, Thanh Văn và Duyên Giác là tiểu thánh. Trong lục đạo đều là phàm phu, phàm chúng. Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là đi làm Phật, ai nấy đều có phần, quỷ thần cũng có phần, trời, người cũng có phần, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng có phần, vấn đề là quý vị có phước báo và duyên phận gặp gỡ hay không? Đã gặp, quý vị bèn tin tưởng, phát nguyện vãng sanh thì sẽ thành.
Nói theo Lý, đáng lẽ Bồ Tát, A La Hán dễ có phước đức và nhân duyên tu pháp môn này hơn chúng ta; vì sao kinh nói “trong mười pháp giới, nhân gian vãng sanh thuận tiện nhất”, do nguyên nhân nào?
Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có tỷ dụ: “Phú quý học đạo nan”; người phú quý hưởng phước, quên tuốt, coi thường chuyện học Phật. Bần cùng học đạo cũng khó! Kẻ bần cùng cuộc sống quá khổ, ba bữa còn chưa đủ ăn, bận bịu kiếm sống, chẳng có thời gian để học Phật. Còn loài người thì sao? Chẳng thể coi là rất giàu có, nhưng cũng là chẳng thanh bần, thuộc loại thường thường bậc trung, dễ giác ngộ, dễ tu hành. Thuận tiện ở chỗ này! Chúng ta có thể hiểu được! Cuộc sống của chư thiên nhân tốt đẹp hơn chúng ta, phước báo to lớn; còn tam ác đạo thì sao? Quá khổ sở!
Hiện thời, dường như tình hình có biến hóa đôi chút. Tôi nghe không ít tin tức, ngay cả ngạ quỷ, địa ngục niệm Phật vãng sanh cũng không ít; ngược lại, con người chẳng tin! Người niệm Phật đến cuối cùng đều niệm đến nỗi sanh vào quỷ đạo hay địa ngục, chuyện này là như thế nào?
Đối với chuyện này, nếu chư vị đọc bộ Đại Thế Chí Viên Thông Chương Sớ Sao của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh, Đại Thế Chí Viên Thông Chương rất ngắn, hai trăm bốn mươi bốn chữ, mà bản chú giải của Ngài là một quyển dầy như thế. Bản tôi đọc chính là loại sách đóng gáy bằng cách xâu chỉ, là một quyển dầy như thế đó! Nơi trang cuối, thuở ấy, tôi đọc mà không hiểu, Ngài nói một trăm thứ quả báo của người niệm Phật; câu đầu tiên là người niệm Phật đọa A Tỳ địa ngục, đọa ngạ quỷ, đọa súc sanh. Tôi đọc xong, hết sức nghi hoặc, cầm cuốn sách ấy đến hỏi thầy, tôi học kinh giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam.
Tôi hỏi: “Thưa thầy, niệm Phật là chuyện tốt, nhưng niệm Phật như thế nào mà đọa địa ngục?” Thầy xem rồi bảo: “Đây là một vấn đề lớn, quan trọng lắm, tôi chẳng nói với một mình anh! Khi giảng kinh tôi sẽ giảng giải đạo lý này cùng mọi người”.
Thật ra, quý vị dùng cái tâm gì để niệm Phật? Quý vị niệm Phật, nhưng chẳng đoạn tham, sân, si. Tham, sân, si, mạn, nghi gọi là Ngũ Độc. Quý vị dùng tâm Ngũ Độc này để niệm Phật thì vẫn đọa địa ngục; do vậy, chẳng thể không hiểu nhân quả. Vậy thì niệm Phật có uổng công hay không? Chẳng phí công niệm Phật! Trong A Lại Da Thức đã gieo chủng tử Phật.
Trước hết, quý vị gánh chịu quả báo do các tội nghiệp đã tạo tác, đợi cho đến khi quý vị thoát khỏi địa ngục, chẳng biết tới đời nào đó, lại được làm thân người, lại gặp gỡ Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ, quý vị lại tu tiếp.
Vì thế, chỉ có thể nói là trong A Lại Da Thức đã gieo chủng tử niệm Phật, chủng tử ấy vĩnh viễn bất hoại, sau này nhất định sẽ khởi tác dụng. Lợi ích ấy cũng rất thù thắng, nhưng luân hồi trong lục đạo, quý vị vẫn phải chịu hết các nỗi khổ sở.
Do vậy, niệm Phật phải dùng Bồ Đề tâm để niệm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Quý vị dùng tâm này để niệm, sẽ hoàn toàn tương ứng; đúng là “nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.
“Chánh hiển trì danh niệm Phật chi pháp, trực chỉ vãng sanh quy nguyên chi lộ. Thị cố, thử kinh xưng vi Tịnh Tông đệ nhất kinh dã” (Chỉ rõ ràng phương pháp Trì Danh Niệm Phật, chỉ thẳng con đường vãng sanh để trở về nguồn. Vì thế, kinh này được gọi là kinh bậc nhất của Tịnh Tông).
Quả thật tổ sư đại đức đã chỉ rõ phương pháp Trì Danh Niệm Phật; đấy là chỉ thẳng, không đi đường vòng, chỉ thẳng thừng một con đường gần nhất, con đường thẳng ấy không ngoằn ngoèo. Dẫn đến đâu? Vãng sanh quy nguyên! “Quy nguyên” là trở về nguyên thủy, nguyên thủy là gì? Tự tánh. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới từ tự tánh biến hiện.
Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, A Lại Da có thể biến; đấy là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Chúng ta gặp Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát cũng ở trong mười pháp giới, cũng có cùng một hoàn cảnh bị khổ, chịu nạn như chúng ta, nhưng các Ngài giác ngộ, quy nguyên, trở về tự tánh.
Chúng ta thường nói các Ngài “thành Phật, thành Bồ Tát”, trở về tự tánh. Các Ngài hiểu rõ, minh bạch, nên các Ngài đến chỉ dạy, giáo hóa chúng ta làm thế nào thoát ly biển khổ. Lục đạo là biển khổ.
Trong biển khổ sâu thẳm, tứ thánh pháp giới là chỗ ven bờ, chỗ biển cạn, lên được bờ mới tính là thoát ly. Bờ ấy được gọi là “bỉ ngạn” (bờ bên kia), là “Niết Bàn bỉ ngạn”. Niết Bàn là bất sanh, bất diệt, công đức viên mãn. Bỉ ngạn là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đức Phật giáo hóa, giúp đỡ hết thảy chúng sanh đạt đến Niết Bàn mới được coi là viên mãn. Do vậy, kinh này là kinh bậc nhất của Tịnh Tông, Tịnh Tông đồng học chẳng thể không học.
Trích trong: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 5.
HT. Tịnh Không