Nguồn gốc Đại lễ Phật đản và lễ tắm Phật: Giữ tâm trong sạch, nói lời chân thật
Đại lễ Phật đản – kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, tổ chức từ mùng 8.4 đến rằm tháng tư âm lịch hằng năm. Nguồn gốc, ý nghĩa đại lễ này là gì? Vì sao trong Đại lễ các chùa tổ chức lễ tắm Phật?
Đại lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của Ngài.
Nhân dịp này, PV Thanh Niên có cuộc trò chuyện cùng thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như cách dâng hoa lễ Phật tại gia trong đại lễ Phật đản.
Kính chào thượng tọa, đầu tiên xin thượng tọa cho biết đại lễ Phật đản có nguồn gốc từ đâu?
Thượng tọa Thích Trí Chơn: Đại lễ Phật đản hay là kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên. Năm 80 tuổi, Ngài viên tịch, được bắt đầu tính là năm Phật lịch. Do đó, Phật lịch năm nay là 2567, còn đại lễ Phật đản 2647.
Khởi nguyên từ Ấn Độ, Đức Thích Ca Mâu Ni đem ánh sáng của giác ngộ, đem đạo từ bi lan tỏa trên tất cả mọi nơi và quê hương Việt Nam được đón nhận hạnh giác ngộ từ đầu Công nguyên đến hôm nay là ngót 2000 năm.
Những ngôi chùa, tiếng chuông, lời dạy của Đức Phật đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Và như vậy, đại lễ Phật đản trở thành một lễ hội lớn của những người theo đạo Phật nói riêng và những người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng.
Vì sao lễ Phật đản có nơi tổ chức ngày 8.4 âm lịch, nơi ngày rằm tháng tư, thưa thượng tọa?
Thượng tọa Thích Trí Chơn: Phật giáo Nam truyền gọi lễ Phật đản là đại lễ Vesak – tháng Vesak của Ấn Độ cũng được gọi là lễ tam hợp (tháng Đức Phật ra đời, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết bàn cùng trong tháng Vesak).
Trong khi đó, Phật giáo Bắc truyền cho rằng Đức Phật ra đời vào tháng 4, Đức Phật nhập Niết bàn vào tháng 2 âm lịch và thành đạo vào tháng chạp. Do vậy, người ta lấy ngày mùng 8.4 là ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Cũng có lý luận nói rằng, thời Đức Phật thì gọi là ngày trăng tròn chứ không có ngày giờ cụ thể, nhưng trăng tròn của quốc gia mỗi nơi khác nhau với sai số không đáng kể.