Người tu phải có căn lành mới vào chánh định
Chúng ta biết rằng nghèo hay giàu tùy theo phước báo, nhưng quan trọng là tu được hay không thì tùy theo căn lành.
Câu chuyện nói về gã cùng tử bỏ cha trốn đi. Người cha đi tìm con lâu ngày không gặp, ông mới đến một thành nọ làm ăn và trở thành người giàu có được nhiều người hầu hạ. Qua hình ảnh ông trưởng giả, kinh Pháp hoa muốn nói đến các vị Bồ-tát thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này, các Ngài có năng lực là Phật nhưng hiện thân vào trần gian đóng vai người bình thường, nên thừa sức cứu giúp chúng sanh.
Chúng ta thấy rõ ý này trong sinh hoạt cuộc đời. Người có tài làm chức nhỏ thì dễ hoàn thành công việc. Trái lại, người năng lực kém, nhưng nhờ thân thế được cất nhắc làm chức vụ lớn thì người trí thấy đó là tai họa. Cũng vậy, hàng phàm phu mà đóng vai Thánh Tăng thì nguy hiểm vô cùng, vì họ có thể lường gạt được vài người, nhưng với thời gian, cái dở, cái xấu cũng bị phát hiện.
Điều này gợi cho chúng ta biết rằng nghèo hay giàu tùy theo phước báo, nhưng quan trọng là tu được hay không thì tùy theo căn lành. Vì vậy, kinh Pháp hoa, phẩm 28, Phật nói muốn tu Pháp hoa phải có căn lành mới được Phật hộ niệm. Tôi thường nói giống như chúng ta có điện thoại thông minh mới tiếp nhận được thông tin toàn cầu.
Người tu phải có căn lành mới vào Chánh định, thâm nhập được thế giới Phật, Bồ-tát, thấy được những điều bình thường không biết. Nếu không có căn lành mà vào định thì trở thành than nguội củi mục, không biết gì. Hoặc người có nghiệp ác vào định thì rớt vô tà định, vì lòng còn nhiều tánh xấu, khi vào định, tánh xấu sẽ hiện lên, dẫn họ vào thế giới ma liền. Tu hành có Chánh định và tà định khác nhau là vậy. Nhờ căn lành mới gắn kết vào Chánh định.
HT. Thích Trí Quảng