Người tu làm gì mà được tôn trọng, cung kính, cúng dường

Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu chỉ cần hộ trì vững chãi sáu căn. Khi sáu căn được hộ trì, nghiệp mới được đoạn giảm, phước đức càng tăng thêm, không chỉ xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử mà còn là cơ sở để người xuất gia bước lên những Thánh vị, đạt được giải thoát và an lạc.

 

Một thời, Thế Tôn trú ờ Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo:Này các Tỷ kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi mũi ngửi hương, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi lưỡi nếm vị, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi thân xúc chạm, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.9)

Phật dạy 11 đặc tính căn bản của giáo Pháp dành cho người kính lễ Pháp bảo

72848450_1002983060052507_8355248022644326400_n

Lời bàn:

Thường thì hàng Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn kính lễ và cúng dường hàng xuất gia, bởi chư Tăng là ruộng phước tối thắng để mọi người gieo trồng phước đức. Thế nhưng, trong chư Tăng không hẳn ai cũng nhận thức đúng như Pháp, như Luật về điều ấy, vẫn còn không ít người mới bước vào đạo quan niệm sai lạc rằng việc cúng dường là “pháp nhĩ hiệp cúng” (Cảnh sách) mà không lo tự hoàn thiện mình, như Tổ Quy Sơn đã từng cảnh tỉnh.

Thực ra, để làm ruộng phước đích thực cho tín thí không phải là điều khó song cũng chẳng dễ dàng, đó là hộ trì sáu căn đồng thời đây cũng là nhiệm vụ, trọng tâm tu tập của hàng xuất gia.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu không hộ trì thì tham sân si ác nghiệp được tạo ra nhưng nếu có chánh niệm tỉnh giác, không nắm bắt, không chạy theo thì ba nghiệp thanh tịnh. Chính sự tịnh nghiệp này mới có khả năng tạo ra phước đức cho tín chủ; những người gieo trồng, vun bồi cội phước.

Hộ trì chứ không đóng kín các giác quan, vẫn sống trong cuộc đời với đầy đủ sắc màu, vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ nhưng thực sự làm chủ để không vướng mắc. Thương hay ghét, thích và không thích cũng đều kẹt. Sự an nhiên hay các căn được hộ trì là ở chỗ vượt lên sự thấy biết theo nghiệp bình thường để thấy biết với tâm chánh niệm tỉnh giác. Chính tâm “trú xả”, buông bỏ, không dính mắc khi đối duyên xúc cảnh là tác nhân chính yếu để hình thành nhân cách của bậc Thánh, nền tảng của mọi phước điền.

Hàng ngày, người xuất gia đều thọ nhận sự cung kính và cúng dường, đó là vay, là nợ. Phải làm gì để trả số nợ ấy luôn là điều ưu tư hàng đầu của hàng sơ tâm xuất gia.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu chỉ cần hộ trì vững chãi sáu căn. Khi sáu căn được hộ trì, nghiệp mới được đoạn giảm, phước đức càng tăng thêm, không chỉ xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử mà còn là cơ sở để người xuất gia bước lên những Thánh vị, đạt được giải thoát và an lạc.
Quảng Tánh