Người trẻ cúng Tết Nguyên tiêu kiểu mới

Ba ngày trước Tết Nguyên tiêu, Kim Phụng, 28 tuổi, đặt mua trên mạng một mẹt viên bánh trôi mochi thay cho chè trôi nước truyền thống.

 

Cô gái ở quận Phú Nhuận chuẩn bị mâm cúng đơn giản chỉ có món ngọt nên cùng với mẹt chè trôi mochi cô chọn thêm thạch sữa hoa, xôi vò. “Viên chè nhỏ, ngọt thanh nước đường hoa cau”, Phụng nói. “Thạch hoa làm đỡ ngán khi ăn nhiều viên bột nếp”.

Giá mẹt cúng này khoảng 160.000 đồng, đủ cho bốn người dùng. Xôi được nén khuôn vuông, quấn giấy trang trí đẹp mắt. Viên chè trôi mochi có đường kính khoảng hai cm, nhỏ hơn trôi nước có nhân đậu xanh thông thường.

Mẹt cúng ngọt ở một cửa hàng quận 1, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

Mẹt cúng ngọt ở một cửa hàng quận 1, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

Sự thay đổi của Phụng khiến người cô 60 tuổi, trước đây thường phụ trách việc cúng kiếng của gia đình, hài lòng.

Các năm trước gia đình Ngọc Bích, 29 tuổi, thường cúng rằm tháng Giêng bằng chay ba món canh, món mặn xào theo truyền thống của người gốc Hoa. Năm nay, Bích tiếp quản việc cúng kiếng từ mẹ mình. Thay vì xôi vò và chè trôi nước, cô chọn đồng bộ xôi, chè, và bánh bao được tạo hình hoa sen.

Đại diện TeaJoy cửa hàng cung cấp mẹt cúng ngọt ở quận 1, TP HCM cho biết dịp Tết Nguyên tiêu 2024 diễn ra sự thay đổi đáng chú ý khi khách hàng độ tuổi 18-35 chiếm phần lớn.

Khách hàng trẻ thường có quan điểm đồ cúng và đồ ăn phải khác nhau, đồ cúng cần đẹp, vị ngon không phải là yếu tố quan trọng nhất. Họ nhận ra trong Tết nguyên tiêu các năm trước đây, gia đình phải mua rất nhiều lượng xôi chè để cúng nhưng không ăn hết trong ngày nên thường cúng xong sẽ phải đem cho một phần.

Vì thế, mẹt cúng phải ưu tiên những sản phẩm giá phải chăng, giao diện chỉn chu, bắt mắt. Đồng thời, các sản phẩm xôi, chè, rau câu có thiết kế nhỏ xinh, thu hút bán đắt hàng.

Chị Nguyễn Trâm, một người cung cấp dịch vụ mẹt cúng Tết nguyên tiêu nói nhu cầu của nguời dùng hiện nay thích sự tiện lợi nhưng vẫn phải hướng về các ý nghĩa và giá trị truyền thống nên các sản phẩm cúng như xôi hoa sen, trôi nước mochi, bánh ít ngọt được ưa chuộng. “Những món ăn trong dịp Tết Nguyên Tiêu thuờng mang hình ảnh hoa sen để cúng dâng Phật và gia tiên”, chị Trâm nói.

Mẹt cúng trôi nước mochi ở cửa hàng thuộc quận 1, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

Mẹt cúng trôi nước mochi ở cửa hàng thuộc quận 1, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết rằm tháng Giêng là ngày lễ tết truyền thống trong lịch của cư dân nông nghiệp Đông Á cổ xưa.

Nam Bộ là vùng đất cộng cư của nhiều cộng đồng người khác nhau, trong đó cộng đồng người Hoa và người Việt có tục ăn Tết Nguyên tiêu vào ngày 14 và 15 tháng Giêng.

Với cư dân Nam bộ, rằm tháng Giêng là thời điểm giao hòa đất trời, vầng trăng chiếu sáng viên mãn, Thiên Quan bắt đầu ban phước cho thế gian, nên cư dân thường sắp đặt lễ vật để cúng tế trời phật, thần thánh cùng với tổ tiên ông bà để cầu mong tất cả phù hộ cho một năm viên mãn, tốt đẹp, tròn đầy, như ý.

Ông Phong cho biết trước nay, chưa có tài liệu nào nói rõ lễ vật dâng cúng trong Tết nguyên tiêu của người dân Nam Bộ là gì, mỗi nơi tùy từng đối tượng thờ cúng và phẩm vật có sẵn mà gia chủ sẽ sắp đặt lễ vật khác nhau.

Đối với mâm lễ cúng tiên phật, gia chủ sẽ thiết lập lễ chay gồm hương đăng trà bánh hoa quả chè xôi và các món ăn chay lạt đơn sơ.

Mâm lễ cúng thần thánh hoặc tổ tiên, ngoài hương đăng trà bánh hoa quả còn có chè xôi (thường gặp là chè sôi nước, bánh ú, bánh ít, xôi đậu) và mâm cơm canh thịt cá, thường thấy là thịt gà, vịt, heo, bò và tôm, cua, cá.

Mâm cúng Tết Nguyên Tiêu là thành quả lao động của gia chủ, thường là những sản vật do gia đình tự nuôi trồng lấy. Do đó, nó gửi gắm sự thành kính, tận tâm của gia chủ đối với các đấng thần thánh tiên phật và tổ tiên ông bà.

Trong các mâm cúng, đôi đèn tượng trưng cho âm dương nhật nguyệt, ba nén hương tượng trưng cho tam tài (thiên – địa – nhân) và có chức năng kết nối con người với thần linh, chè trôi nước tượng trưng cho ước mong tròn đầy viên mãn, xôi đậu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và thành tựu như ý.

Theo thời gian, mâm lễ vật cúng Tết Nguyên tiêu cũng có nhiều sự thay đổi. Đây là chuyện thường thấy trong quá trình diễn biến của các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội.

Nhiều bạn trẻ tiếp nối tục cúng Tết Nguyên tiêu của gia đình bằng các món lễ vật mới như rau câu hồ sen, bánh đậu xanh trái cây, xôi hoa sen cho thấy thị hiếu ẩm thực của người thực hành nghi lễ đã góp phần tác động làm thay đổi lễ vật cúng tế.

Ông Phong cho rằng sự đổi mới không có gì phương hại đến văn hóa truyền thống, nhất là trong bối cảnh văn hóa Nam Bộ vốn rất phóng khoáng, linh động và luôn thích ứng với hoàn cảnh mới.

Ngọc Ngân-Nguồn: VnExpress