Người Phật tử làm gì để nhận biết quả báo của giới?
Hỏi: Có ý kiến cho rằng việc trì giới (giữ gìn đạo đức) là một phương pháp xa lánh ác nghiệp. Xin Thầy vui lòng giải thích rộng thêm cho dễ hiểu.
Giữ giới (Đạo đức) là một điều cao thượng
Đáp:
Điều đó cũng đúng, vì trên thực tế, trì giới cốt ý là để tránh xa điều ác, không tạo nghiệp dữ. Trì giới giúp ta ngăn ngừa được vài thói quen tật xấu như tham lam, sân hận chẳng hạn. Nhưng nếu muốn trừ tính bỏn xẻn thì phải hành pháp bố thí, tức là làm lành, vì trong trường hợp này trì giới không còn công hiệu. Hơn nữa, bố thí còn tạo cho lòng từ nảy nở mạnh thêm.
Nên nhớ rằng: Phật pháp dạy từng giai đoạn, nghĩa là dạy từ thấp lần lần lên, càng lúc càng cao siêu mầu nhiệm. Đức Phật dạy từ dễ đến khó, trước hết là cần lánh dữ, sau đó thì phải làm lành.
Có thể ví dụ trì giới như tạo hàng rào kiên cố. Bố thí như của quý để trong nhà. Sở dĩ hàng rào có ích lợi là để giữ gìn của quý trong nhà. Nếu hàng rào kiên cố mà trong nhà trống trơn thì vẫn còn thiếu sót nhiều.
Nói về quả báo thì trì giới để khỏi đọa vào con đường ác. Làm lành như bố thí chẳng hạn sẽ sinh vào cảnh nhân thiên để hưởng sự giàu sang phú quý.
Như vậy, bố thí và trì giới là hai pháp lành bổ túc cho nhau.
Nếu luận về tâm lý thì Trì giới là tác ý lành giữ cho Tâm được trong sạch, không để ô nhiễm điều ác. Giới là một trong mười phương pháp lành mà Ðức Thế Tôn gọi là Punnakiriyàvatthu, có nghĩa là Pháp làm cho phát sanh ra phước.
Trì giới cho được trong sạch thật khó. Vì ta phải cố gắng hết sức giữ cho tâm không cho rung động xu hướng theo sự vật bên ngoài. Ðó là phương pháp thay đổi tâm từ xấu đến tốt, từ động đến tịnh.
Ðức Phật dạy muốn thọ giới phải có Tác ý, nghĩa là người có ý muốn tránh xa điều ác do giới qui định. Nói cách khác là phải tự mình nguyện không để phạm vào những giới cấm. Người như vậy mới gọi là người có trì giới. Còn như kẻ cướp kia đang bị giam giữ trong ngục, không có phương tiện để trộm cướp được, chớ sự thật không phải là trì giới, hay không gọi là người có giới. Một người chưa thọ trì giới cũng vậy sở dĩ họ chưa hành ác vì chưa gặp cơ hội, người này cũng không gọi là người có giới.
Tóm lại, người có giới là người có tác ý lành và nguyện ra lời là phải cố tránh xa, không phạm những điều răn cấm của Ðức Phật. Ðức Phật có dạy “Cetanàham bhikkhave sìlam vadàmi” – “Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai dạy rằng: Tác ý là giới”.
Quả báo của giới là tâm được an tịnh, không sợ sệt tội lỗi khi còn sống, cũng như lúc sắp lâm chung.
Chỉ có người Trì giới mới nhận thấy quả báo của giới, cũng như người nằm mộng mới thấy cảnh trong mộng của mình. Người Trì giới trong sạch mới hưởng được sự an vui trong thâm tâm mình.
Tâm cố gắng xa lánh điều ác là nhân làm cho phiền não càng lúc càng xa ta, đồng thời đặc ân cao quý của tâm thiện càng bành trướng, ác nghiệp càng giảm bớt dần.
Sự cố tâm thọ trì giới luật phạn ngữ gọi là Samàdàna. Sự cố tâm xa lánh tội ác sinh lên ngay khi ta phát nguyện thọ trì những điều ngăn cấm mà Ðức Phật dạy. Người Phật tử phải cố gắng giữ giới cho được trong sạch, không nên dể duôi, vì nếu dể duôi thì phiền não sẽ len lỏi vào tâm ta, nó sẽ xâm chiếm, bành trướng và phá hoại tâm ta.
Quả báo của sự trì giới có ba, mỗi khi thọ giới xong, nhà sư thường nhắc là: Sìlena sugatim yanti – người được sinh về cõi Trời cũng nhờ giữ giới. Sìlena bhogasampadà – được giàu sang cũng nhờ giữ giới. Sìlena nibbutim yanti – người được giải thoát nhập Niết Bàn cũng nhờ giữ giới.
Trích từ “Giải đáp thắc mắc của người cư sĩ”.
Pháp sư Thông Kham