Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
Trầm luân hay giải thoát cũng không rời nhân quả, nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả tức là phủ nhận giáo lý căn bản của đạo Phật.
Tổ Bá Trượng ở Trung Hoa sau khi giảng pháp xong tất cả mọi người đều giải tán, chỉ còn một vị mặc áo xanh ngồi lại không ra. Tổ Bá Trượng thấy lạ hỏi, ông mới nói duyên do: “Con không phải người thường, mà là dã hồ tinh ở sau núi. Xưa kia con làm Tăng, một hôm có người hỏi, người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Con đáp, không rơi vào nhân quả. Do đó mà đọa làm hồ tinh năm trăm năm, nay xin Hòa thượng từ bi cứu con thoát kiếp hồ tinh.” Tổ bảo: “Ông hỏi lại đi, ta sẽ đáp cho.” Vị áo xanh liền hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?” Tổ đáp: “Không lầm nhân quả.” Ngay đó ông thoát kiếp hồ tinh, xin Tổ tống táng như một vị tăng chết.
Sau này ở Việt Nam chúng ta, có người nêu câu chuyện đó ra hỏi Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thì ngài đáp:
Miệng dường chậu máu chê Phật tổ,
Răng như kiếm bén gặm rừng thiền,
Một mai chết đọa A-tỳ ngục,
Cười ngất Nam-mô Quán Thế Âm.
Ngài đáp không giống như tổ Bá Trượng, mà nhẹ nhàng qua bốn câu thơ. Như vậy là có trả lời câu hỏi hay chưa?
Miệng dường chậu máu chê Phật tổ, răng như kiểm bén gặm rừng thiền. Nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả là chê Phật tố, là phá Thiền tông. Tại sao?
Vì giáo lý của đạo Phật căn cứ trên nhân quả, ngay như lý Tứ đế vẫn là nhân quả. Tập đế là nhân, Khổ đế là quả. Đạo đế là nhân, Diệt đế là quả. Một bên là nhân quả của trầm luân, một bên là nhân quả của giải thoát.
Như vậy, trầm luân hay giải thoát cũng không rời nhân quả, mà nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả tức là phủ nhận giáo lý căn bản của đạo Phật. Đó là chê Phật tổ, phá hoại Thiền tông.
Một mai chết đọa A tỳ ngục, người đại tu hành tức là những người tu có công đức lớn đạo hạnh cao, nhưng nếu lỡ phạm lỗi lầm gì thì mai kia chết đi cũng phải đọa vào địa ngục.
Nhân quả rõ ràng như vậy, làm tội thì phải đọa. Lẽ ra đọa địa ngục thì phải chịu khổ, mà lại Cười ngất Nam-mô Quán Thế Âm là sao? Bởi người tu hành khi đạt đạo rồi thì thấy “nghiệp chướng là không”, nên nếu có tạo nghiệp thì phải trả nghiệp là lẽ đương nhiên.
Trích từ Thanh Từ Toàn Tập 49.
HT. Thích Thanh Từ