Người có trí tuệ sẽ không bị cuốn vào dòng thác thị phi
Người đệ tử Phật như chúng ta, hãy tỉnh tâm, sáng suốt nhìn thẳng vào sự thật và ứng xử có văn hóa, ứng xử trí tuệ theo gương đức Phật với tất cả những thị phi trong đời.
Thị là thật, là đúng; phi là sai, là trái.
Nói chuyện thị phi ở đây nghĩa là đem việc riêng của người này, người kia ra bàn luận, xoi mói, chỉ trích, nói xấu.
Chuyện thị phi liên quan hoặc không liên quan đến mình mà mình bị dính mắc, vướng kẹt vào đều mang đến bất an lo sầu, phiền não.
Trong thời công nghệ thông tin đa chiều đa phương tiện như hiện nay không ít người thiếu chính niệm tỉnh giác, vơ những chuyện thị phi lung tung trên mạng, ngoài đường vào mình rồi lo, rồi buồn, sầu não bất an.
Lo cho thị phi theo nghĩa lo lắng đắn đo suy nghĩ tìm cách ứng phó, xử lý với những chuyện được mất, hơn kém, phải trái, đúng sai, vinh nhục của người này, người kia và cả bản thân mình.
Lo cho thị phi không đúng cách sẽ làm cho vấn đề thị phi thêm rắm rối phức tạp hơn.
Kinh nghiệm được đúc kết của những người tiền bối chỉ vỏn vẹn mấy chữ nhưng đáng để ta học hỏi:
“Thị phi chung nhật hữu, bất thính tự nhiên vô” nghĩa là những chuyện thị phi rắm rối trong đời sống hàng ngày lúc nào, ở đâu cũng có, chúng ta không nghe, không chấp, thì tự nhiên sẽ mất đi.
Chuyện thị phi hơn thua lúc nào cũng có, quan trọng là thái độ, cách nhìn và cách ứng xử của ta như thế nào thôi.
Có người, vì tư tâm, té nước theo mưa, có thể làm cho những chuyện nhỏ thành rùm ben ra, nghiêm trọng lên, rắm rối hơn, phức tạp thêm…
Có người có thiện tâm, không thích thị phi, hơn thua, nhưng thụ động bất lực, chỉ than trời than Phật, không làm gì cả, nhìn nó ra sao thì ra.
Cũng có người, xuất phát từ tâm tốt, rất nhiệt tình, muốn bên vực lẽ phải, chỉ trích chuyện sai quấy, nhưng do trí ít, càng nhiệt tình càng làm cho thị phi thêm phức tạp lên.
Lại có người bên ngoài tỏ ra có thiện tâm thiện chí nhưng tâm cơ sâu thẳm, là đầu mối của thị phi, nguồn gốc của rắm rối, ít ai nhìn thấu.
Dân gian Việt Nam có câu hơi thô nhưng lại rất thấm thía:“Gà ị không thúi, người bươi ra mới thúi”
Chỉ với kinh nghiệm này, ta cũng giúp ta có cách ứng xử Văn hóa với những chuyện thị phi không như ý trong cuộc đời.
Biết tôn trọng và đánh giá đúng giá trị mỗi người, thị phi sẽ dần tan biến
Tôi thích luyện võ từ khi còn nhỏ, học và luyện qua rất nhiều môn, trong đó, có một môn tôi thích là thái cực quyền. Lúc giao thủ, đối phương đánh ra một quyền hay một cước, ta có các chiêu ứng phó phù hợp:
– 1 là ta ứng phó bằng một chiêu hóa giải, quyền cước ta va chạm và chặn đỡ chiêu thức của đối phương. Cách này dễ, nhưng có va chạm, tốn sức lực cả hai phía.
– 2 là ta ra chiêu, dĩ công vi thủ, không chặn đỡ chiêu thức mà công thẳng vào yếu điểm của đối phương, khiến đối phương phải bỏ dỡ chiêu công, chặn đỡ chiêu của ta, quyền cước va chạm, hai bên đều tổn hao sức lực.
– 3 là ta nhẹ nhàng dùng di hình bộ pháp, lách thoát ra ngoài phạm vi sức quyền lực cước của đối phương. Tức là quyền cước sức lực của đối phương đánh vào hư không, không đánh được ai, mà chỉ phí tổn sức lực của bản thân họ.
Cách thứ 3, tôi rất thích, không cần tổn hao sức lực mà vẫn nhẹ nhàng hóa giải được chiêu thức của đối phương trong hư không.
Cũng vậy, khi có người nói thị phi, lại có người nghe, hưởng ứng hoặc tranh cãi thì thị phi rắm rối mới phát sinh, nếu không ai hưởng ứng, tranh cãi, chống chế, biện bạch thì giống như quyền cước đánh vào hư không, không có sức tác động gì cả, họ chỉ phí công vô ích.
Đó là chưa nói đến lời dạy trí tuệ của bậc giác ngộ. Cuộc đời và lời dạy của đức Phật giúp ta có cách ứng xử rất trí tuệ, vượt thoát thị phi dựa trên nền tảng của tâm từ bi.
Kinh Tứ thập nhị chương ghi, có một Bà la môn đến cửa tịnh xá, chửi rủa đức Phật suốt mấy canh giờ, đức Phật lặng yên không nói gì cả. Ông Bà la môn vừa tức vừa mệt, hỏi Phật:
Tôi chửi rủa ông nặng nề như vậy sao ông không tức giận, không trả lời vậy?
Đức Phật lúc đó mới từ tốn hỏi lại:
Ông mang quà đến tặng cho tôi, tôi không nhận, thì quà đó thuộc về ai?
Ông Bà la môn trả lời: Đương nhiên thuộc về tôi.
Đức Phật nói tiếp: Vậy, ông đến chửi rủa ta, ta không nhận, ông tự nhận lấy mang về. Ông hãy cẩn thận với lời nói ác, quả báo của nó như vang theo tiếng, bóng theo hình, không hề sai chạy. Ông Bà la môn nghe xong im lặng, lộ vẻ hối hận cúi đầu mà đi.
Cuộc đời của đức Phật, các vị thánh đệ tử cũng từng bị vu oan, giá họa, chê bai, chỉ trích, mắng chửi nhưng với cách ứng xử trí tuệ từ bi của các ngài, không những Phật giáo không bị bêu xấu, mà càng được mọi người kính quý hơn.
Chúng ta hãy quan sát trong suốt chiều dài 2600 năm của Phật giáo nói chung, hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam nói riêng, sự có mặt và cống hiến của đức Phật, của Phật giáo cho nhân loại cho cuộc đời, người có học, có đọc sách sẽ nhìn thấy rõ, không thể vài ba người, vài ba chuyện thị phi mà làm nó khác đi được.
Lời nói xấu không làm ta xấu đi.
Lời nói tốt không làm ta tốt thêm.
Ta không có cái xấu, người ta nói xấu, ta tập mĩm cười an lạc.
Ta có cái xấu, người ta nói, ta hãy cảm ơn và có gắng sửa sai.
Chúng ta cùng chánh niệm tỉnh giác và vững tâm.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của từ bi và đạo Phật cũng là đạo của sự thật.
Những gì là sự thật, chúng ta tôn trọng và chấp nhận.
Những người đệ tử Phật như chúng ta, hãy tỉnh tâm, sáng suốt nhìn thẳng vào sự thật và ứng xử có văn hóa, ứng xử trí tuệ theo gương đức Phật với tất cả những thị phi trong đời.
Người Việt Nam ta, không ai là không biết Bồ tát Quán Thế Âm, hạnh lắng nghe của bồ tát Quan Âm dạy cho ta cách lắng nghe bằng trí tuệ tỉnh giác, lắng nghe một chú tâm bằng tình thương không chấp, lắng nghe mà không phán xét võ đoán, lắng nghe mà không sân si, lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ.
Và lắng nghe cho cuộc đời bớt thị phi.
Ai sống mà bản thân không thị phi, nói xấu người khác và không bị lời thị phi, nói xấu sau lưng của người khác tác động, làm khổ thì cuộc sống của họ chắc chắn sẽ chất lượng ý nghĩa hơn.
Người học Phật, chẳng những không thị phi, nói xấu người khác mà còn tập chỉ nói lời tốt, lời thiện, lời chân thật, đúng pháp thì sẽ được mọi người quý mến, phúc đức và trí tuệ ngày càng tăng trưởng, thẳng tiến đến Bồ đề.
Kinh Lời nói thuộc Tăng Chi bộ đức Thế Tôn dạy: Bậc thiện tri thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối. Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa, dù là lời thật nhưng không có mục đích, không mang lại lợi ích cho mọi người cũng không nên nói.
Cho nên người học Phật, có trí tuệ sẽ không tự nhảy vào, không bị cuốn vào dòng thác nhiều chuyện thị phi linh tinh bất tận của thế gian.
Chuyện thi phi
Luôn có mặt
Chánh niệm tỉnh giác
Trí tuệ, không chấp
Tâm hướng thượng.
TS. Thích Hạnh Tuệ