Người chết cho đi sự sống
Thông tin từ cơ quan y tế cho hay, đây cũng là lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, từ đó chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngay sau khi có kết luận chẩn đoán chết não cuối cùng sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, đồng thời nhận được sự đồng thuận của gia đình trong việc hiến tạng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các Trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát và lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng từ người cho này.
Hiến tạng, hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp. Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn.
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), đến nay đã có 170.000 người trên toàn quốc đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn chờ đợi mỏi mòn đã không thể qua khỏi.
Khó khăn nhất hiện nay là thuyết phục gia đình người hiến tạng vượt qua quan niệm, vượt qua nỗi đau mất người thân để chia sẻ một phần thân thể người đã mất, từ đó các bộ phận hiến, tặng sẽ tạo cơ hội sống cho rất nhiều người khác.
Ghép tạng của Việt Nam tuy đi sau thế giới gần 40 năm nhưng trình độ đã ngang bằng, nhiều ca ghép tạng được thế giới đánh giá là thành tựu y khoa của nhân loại. Vấn đề là số người hiến cần tăng lên, đáp ứng nhu cầu của người bệnh hiện nay.
Từ câu chuyện 120 bác sĩ từ nhiều bệnh viện xuyên đêm để lấy tạng cũng minh chứng cho sự thiếu hụt hiện nay. Đồng thời cũng lan tỏa ý nghĩa nhân văn của người đã mất và gia đình họ.
Minh Anh–Nguồn: Báo Lao Động