Người ác và người thiện
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si chưa được đoạn tận. Do tham, sân, si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là người tàn bạo.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là tàn bạo.
Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si được đoạn tận. Do tham, sân, si được đoạn tận, người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là hiền lành.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, Tương ưng thôn trưởng, phần Canda [lược trích], NXB Tôn Giáo 2001, tr 479)
Lời bàn:
Ảnh minh hoạ.
Một người sống lương thiện lúc nào cũng tâm nguyện làm lành tránh dữ. Nhưng để thực sự trở thành người hiền đúng nghĩa là chuyện không dễ dàng, bởi trong tâm ta vốn chứa lẫn lộn vô số mầm thiện ác. Những biểu hiện hiền lành trong đời sống nếu có cũng chỉ là phần nổi của khối băng lênh đênh trong đại dương mà ít ai biết được trong phần chìm của khối băng tâm ấy tiềm ẩn những gì. Vì thế, Đức Phật từng khuyến cáo chưa phải là bậc A la hán thì không nên chủ quan vào tâm ý của mình.
Pháp thoại này cho thấy khi tham, sân và si chưa đoạn tận thì chúng ta vẫn là người ác, có thể sẽ làm ác đến tàn bạo dù điều ấy chưa từng xảy ra. Và điều quan trọng là mấy ai hiện hữu trên cõi đời chứng đạt sự thanh tịnh tuyệt đối, dứt bặt ba phiền não căn bản ấy. Quán niệm về điều này thật sâu sắc để thấy rằng phiền não còn thì cái ác vẫn còn. Tâm ta là ngọn núi lửa được phủ lên một thảm thực vật hiền hòa, xanh tốt và chỉ cần chút duyên địa chấn thì nham thạch sân hận sẽ trào tuôn và nhấn chìm tất cả trong biển lửa phẫn nộ.