Ngọn rau quê mẹ
Nhìn thì ngon mắt ấy, nhưng so ra sao bằng những cọng rau dại quê mẹ sớm mai.
Thích lắm cái cảm giác những lần về quê, cắp rổ ra vườn nhà đi hái rau dại. Gọi là “dại” nhưng nó có tên họ đàng hoàng, rất chi là ngộ nghĩnh. “Dại” nhưng lại rất “khôn”, tụi nó mọc ở những nơi đất tơi màu mỡ, nên thành ra tươi tốt, xanh rì. Nào là càng cua, rau dệu, rau trai, rau dền… nằm chễm chệ trong chiếc rổ tre cũ kỹ mà tôi tỉ mẩn lựa từng cọng non. Tùy loại rau mà ta có thể ăn sống, nấu canh, làm gỏi… Nhưng dù là chế biến món nào thì khi vào bao tử, chúng vừa bổ dưỡng lại nên thuốc, rất tốt cho sức khỏe con người. Ba tôi còn trồng thêm nhiều loại rau khác để khi cần đám tiệc có cái mà dùng. Vì lẽ đó, quanh năm nhà tôi rất hiếm khi đi chợ mua rau.
Ảnh minh hoạ.
Rau mới hái mà mang đi luộc thì ngọt khỏi nói. Bởi cọng rau vừa rời khỏi gốc rễ, vẫn còn đầy đủ chất dinh dưỡng. Những trái đậu đũa non, hay những quả đậu bắp vừa bằng ngón tay cái, hái xong đem rửa nước sơ thôi, chẳng cần phải ngâm muối hay rửa nhiều lần nước vì rau hoàn toàn tự nhiên, không tí phân thuốc. Sau đó, thả vào nồi nước đang sôi ùng ục (đừng quên thêm tí muối và bột ngọt) rồi vớt ra liền. Chao ôi rau xanh mướt, dùng với cơm nóng và nước tương dầm tỏi ớt cũng thấy ngon miệng. Cọng rau nó giòn dẻo, ngọt nhẹ, chấm với nước tương rồi lùa vội cơm nóng rất chi là đã răng. Người dân quê đôi khi nhà chẳng có gì ăn, ra vườn hái tí rau ăn thế thôi cũng sống vui sống khỏe, chứ đâu phải cao lương mỹ vị mới tăng thêm giá trị con người.
Lần nào rời quê, tôi cũng mang theo mấy bao rau lên thị thành. Ba cười: “Sinh viên về xin tiền là chính. Còn con thì lại xin rau”. Tôi mang lên thị thành, cốt là để biếu bạn bè, thầy cô. Họ, những con người yêu làng quê luôn thích ăn rau dại, rau mọc vườn nhà. Hễ thấy rau dại là dường như tôi và họ có cảm giác đang sống trong một không gian trong lành, yên ả, nơi chỉ có đồng ruộng, sông hồ. Âu đó cũng là cách để những người con ly hương đỡ nhớ, đỡ thương một miền quê yêu dấu.